CHƯƠNG 3 ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG CỦA TỈNH
3.2.3. Huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
Trước mắt, cần tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh như giao thông, điện lưới, thủy lợi; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, thâm canh sản xuất hàng hóa nông sản quy mô lớn như trồng ca cao xen vườn dừa, trồng tiêu xen vườn dừa, hồ tiêu xen các cây ăn trái để nâng cao năng suất sử dụng đất; nuôi thủy sản kết hợp với trồng cây ăn trái, gắn sản xuất nông lâm nghiệp với công nghiệp chế biến, tiếp thị, mở rộng thị trường tiêu thụ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chú trọng hướng dẫn chuyển giao công nghệ, kỹ năng sản xuất cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc và các hộ nghèo.
Vốn ngân sách Nhà nước: là nguồn vốn quan trọng quyết định những công trình có ý nghĩa kinh tế-xã hội theo phương hướng, mục tiêu đề ra. Ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh bao gồm vốn của tỉnh, trung ương. Đây là một trong những nguồn vốn để giải quyết đầu tư phát triển. Các công trình thuộc đối tượng đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn còn rất lớn. Trong thời gian tới, sản xuất phát triển sẽ góp phần tăng thu ngân sách.
Cần phấn đấu gia tăng nguồn thu bằng cách thu thuế và lệ phí trên cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ luật ngân sách Nhà nước, luật thuế.
Chính sách hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách
- Cần ưu tiên thỏa đáng nguồn vốn cho các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án tập trung khai thác lợi thế, tiềm năng của tỉnh để đẩy mạnh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng thủy sản, nông sản thực phẩm.
- Thực hiện chính sách hỗ trợ đối với một số lĩnh vực như: chính sách hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế hơn phù hợp với từng vùng, từng địa phương; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc và hộ gia đình chính sách thực sự khó khăn về nhà ở.
Chính sách định canh, định cư, ổn định dân di cư tự do.
Huy động vốn trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh và vốn trong dân:
Tạo môi trường chính sách thuận lợi, kích thích phát triển các doanh nghiệp tư nhân: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; củng cố và xây dựng các hợp tác xã, phát triển mạnh mẽ loại hình kinh tế trang trại và kinh tế cá thể... nhằm huy động tổng lực các nguồn lực trong nhân dân, khai thác hợp lý, tối ưu các nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt vốn trong dân.
Đây là một giải pháp quan trọng nhất nhằm giải quyết vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh để thực hiện Đề án nông thôn mới ở địa phương. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cần thực hiện xã hội hoá các công
trình cơ sở hạ tầng như đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi nội đồng,.... huy động sức lực và tài lực ở trong dân cùng kết hợp với nguồn vốn ngân sách Nhà nước xây dựng nông thôn mới ở các địa phương có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ hơn, tạo điều kiện cho nhân dân địa phương có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi những văn hóa phát triển ở các địa phương khác nhằm nâng chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Vốn của các doanh nghiệp Nhà nước: Tổng vốn đầu tư từ doanh nghiệp gồm tất cả các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư trên địa bàn. Đối với tỉnh Trà Vinh đây là nguồn vốn có thể huy động được khi tỉnh tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Định An, các Khu công nghiệp.
Vốn tín dụng: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cần có cơ chế chính sách vay vốn ưu đãi đối vùng khó khăn, với các dự án quan trọng…
Huy động vốn ngoài nước: Với quan điểm tranh thủ tối đa ngoại lực, cần tranh thủ nguồn vốn phát triển chính thức (ODA) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tỉnh Trà Vinh là một tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách thu hút vốn từ bên ngoài để tranh thủ tối đa các nguồn lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ở địa phương.