Thời gian phi tuyến tính

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 65)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.3. Thời gian phi tuyến tính

Trong tiểu thuyết truyền thống cốt truyện được xây dựng dựa trên cấu trúc lịch sử - sự kiện do đó thời gian của tiểu thuyết thường là thời gian sự kiện, diễn ra theo đúng trật tự tuyến tính. Các nhà tiểu thuyết hiện đại, đương đại đã thể nghiệm những kỹ thuật mới nhằm đem lại sự cách tân cho tiểu thuyết về phương diện thời gian nghệ thuật. Đó là tính chất phức tạp chồng chéo, đan xen, xáo trộn, đồng hiện đi liền với việc kí ức hay dòng ý thức trở thành chất liệu, thành tố chính cấu tạo nên tác phẩm.

2.2.3.1. Đảo lộn trật tự thời gian tuyến tính

Thông thường, trong tiểu thuyết truyền thống, người đọc rất dễ dàng nhận biết trục thời gian của tự sự bởi ở đó thời gian sự kiện (thời gian niên biểu) và thời gian trần thuật tương đối trùng khớp nhau, những chuyện diễn ra trước được kể trước và những gì diễn ra sau đương nhiên được tái hiện sau. Với tiểu thuyết đương đại, khi kí ức, hoài niệm, vô thức trở thành những yếu tố quan trọng trong việc tổ chức cấu trúc tác phẩm thì sự trùng khớp giữa hai kiểu thời gian nói trên bắt đầu bị lung lay, khước từ. Một khi xuất hiện kí ức hay vô thức là lúc câu chuyện xuất hiện những sự “ngoái lại” hay tự sự xuất hiện những khoảng thời gian vô xác định, đó là lúc sự đảo thuật bắt đầu diễn ra.

Ở cấp độ vĩ cấu trúc, có thể thấy ở các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, sự sai trật tuyến tính lớn nhất xuất hiện ở những tiểu thuyết mà ở đó chứa đựng nhiều mạch truyện thuộc về những thế giới khác nhau, thời đại khác nhau, ở những chiều kích thời gian khác nhau.

Tự sự được phân biệt một cách tuyệt đối giữa hai mạch Chương và Vô thanh ở trong Những đứa trẻ chết già. Rất khó để khẳng định thế giới Vô thanh là tiền kiếp hay

hậu kiếp của cuộc sống trong các Chương. Tuy nhiên rõ ràng hai mạch truyện tồn tại ở hai chiều kích thời gian hoàn toàn khác nhau - một ở cõi âm, một ở cõi trần. Chính vì thế, mỗi lần tự sự chuyển mạch là mỗi lần sự sai trật thời gian diễn ra (có thể là đảo thuật nếu Vô thanh là tiền kiếp, có thể là dự thuật nếu Vô thanh là hậu kiếp). Tiểu thuyết gồm 10 Chương và 9 Vô thanh nối tiếp luân phiên tương ứng với với tự sự có 9 lần diễn ra sự sai trật về niên biểu. Tương tự như thế, Người đi vắng cũng gồm ba mạch truyện. Nếu mạch về các hồn ma thời gian bị mờ hóa, hoàn toàn vô xác định thì hai mạch còn lại một mạch là cuộc sống con người đương đại và cuộc khởi nghĩa của Đội Cấn ở đầu thế kỷ XX. Hai mạch này cũng luân phiên nối tiếp nhau khiến thời gian sự kiện bị đứt gãy, tạo ra sự sai trật về niên biểu, khi đó tự sự thường xuyên bị xáo trộn đi về giữa hai chiều kích quá khứ và hiện tại. Câu chuyện về cuộc khởi nghĩa lịch sử được kể 9 lần cũng tương ứng với 9 lần tiểu thuyết có sự sai trật về mặt thời gian ở cấp độ vĩ cấu trúc. Nghệ thuật thời gian tiểu thuyết đến Thoạt kỳ thủy trở nên phức tạp và đột phá hơn khi nhà văn sử dụng thủ pháp đồng hiện để gói trọn cuộc đời hai mươi năm của Tính trong vòng 45 phút cuối cuộc đời của con cú. Sự sai trật niên biểu ở tiểu thuyết này là ở chỗ, người kể chuyện đã đứng từ thời điểm trần thuật hiện tại (11h5’ - lúc con cú rơi xuống sông) để “ngoái lại” tái hiện cuộc đời Tính từ khi nhân vật được sinh ra và để rồi điểm đến của cả hai mạch truyện bắt đầu trùng khít khi con cú kết thúc hành trình trôi sông của mình đúng lúc nhân vật tự kết liễu cuộc đời mình. Có thể thấy, ở cấp độ vĩ cấu trúc, sự sai trật niên biểu đã đặt tự sự trong nhiều chiều kích thời gian khác nhau, từ đó, tiểu thuyết bắt đầu mở rộng biên độ phản ánh, khám phá. Đồng thời sự sai trật về mặt thời gian nói trên cũng báo hiệu một hiện thực không toàn vẹn, một hiện thực đứt gãy của cuộc sống đương đại.

Sự phá vỡ trật tự tuyến tính hay sự bất trùng khớp giữa thời gian sự kiện và thời gian trần thuật còn xuất hiện ở cấp độ vi cấu trúc, tức trong mạch nhỏ của mỗi tự sự. Ở

Người đi vắng, ngoài mạch truyện về hồn ma và không ít những phiến đoạn ngoại đề bị mờ hóa về thời gian, tạo ra cho tự sự những đoạn “ngưng nghỉ” thì hai mạch truyện còn lại đều có sự phá vỡ trật tự tuyến tính của thời gian sự kiện, thường là những lúc tự sự đi sâu vào kí ức, quá khứ của mỗi nhân vật. Ở mạch cuộc sống đương đại, có thể hình dung diễn biến cốt truyện bắt đầu từ ngày gia đình Thắng làm giỗ mẹ đến ngày Hoàn - vợ

Thắng bị tai nạn rơi vào cuộc sống vô thức và kết thúc ở thời điểm Sơn - em trai Thắng chết cùng những câu chuyện khác diễn ra xung quanh các biến cố lớn nói trên. Tuy vậy, trong tiểu thuyết, cốt truyện trên hoàn toàn bị “phá hủy” về mặt niên biểu bởi sự chen lấn, xen kẽ của rất nhiều kí ức, ám ảnh, giấc mơ của nhân vật. Trong mạch diễn tiến của hiện tại, câu chuyện thường xuyên bị đứt gãy bởi những suy ngẫm, hoài niệm: đó là lúc Thắng nhớ lại tuổi thơ của mình (tr12) hay cái kí ức về người đàn ông bị anh bắn trong chiến tranh luôn trở về ám ảnh hiện tại của nhân vật (tr17, 279, 316); đó là hồi ức của lão Bính từ những ngày thơ bé đến lúc trưởng thành gắn liền với người bạn vong niên là ông Điền (tr88); là những hồi ức của Cương thủa bé gắn với nỗi ám ảnh Cậm Cam cùng sự đeo đẳng những kí ức về mối tình cùng Hoàn vừa xót xa vừa tội lỗi sau khi cô bị tai nạn (tr161); hay kí ức của Sơn ở thời điểm nhân vật sắp sửa tìm đến cái chết (tr244); và đặc biệt là sự xuất hiện dày đặc những giấc mơ vô thức, vừa là quá khứ, vừa là những suy tưởng, ám ảnh của Hoàn (tr152, 231, 297, 383). Ở mạch câu chuyện lịch sử, cuộc khởi nghĩa do Đội Cấn đứng đầu được tái hiện bắt đầu từ đêm giải cứu Lương Ngọc Quyến (tháng 10/1917) và kết thúc bởi cái chết của Đội Cấn (11/1/1918) nhưng được tập trung trần thuật qua đêm đầu tiên, bốn ngày tự do và ngày cuối cùng. Trong diễn biến ồn ào, quyết liệt của cuộc chiến đấu, mạch tự sự có những khoảng lặng là những lúc nhân vật “ngoái lại”, hồi cố những kỷ niệm đã qua: là lúc Lập Nham nhớ lại người con gái đã hi sinh tình riêng vì nghĩa lớn mà nhận lời làm vợ Trịnh Văn Cấn (tr204); là lúc Đội Cấn nhớ về người vợ yêu (tr372). Ngoài ra, có những câu chuyện mang tính lịch sử nhưng lại xuất hiện xen kẽ trong mạch cuộc sống hiện đại, đó là câu chuyện về công chúa Diên Bình ở thế kỷ XII và câu chuyện về Lưu Nhân Chú ở thế kỷ XV đã tạo ra sự sai trật về niên biểu lớn nhất trong tiểu thuyết (từ thời điểm hiện tại thế kỷ XX, câu chuyện được đẩy lùi, đảo thuật về mốc thời gian xa nhất là thế kỷ XII).

Ở các mạch cuộc sống hiện tại của Những đứa trẻ chết giàNgồi tuy có sự sai trật về niên biểu nhưng mật độ ít hơn. Những mạch truyện này chủ yếu tái hiện lại câu chuyện đời sống đang diễn ra theo tiến trình phát triển của biến cố, cốt truyện. Những đoạn đảo thuật, ngoái lại của tự sự thường là những hồi ức, quá khứ của nhân vật nhằm góp phần khơi mở một thắt nút nào đó cho mạch truyện: đó là quá khứ của ông Trình, cụ Trường, cụ Chẩn và Tiến quắt (Những đứa trẻ chết già); hay kí ức của lão Việt, của sư

Liễn và người đàn bà bán khoai (Ngồi). Tuy vậy, ở những mạch còn lại, các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có thể coi là những thể nghiệm đặc sắc về phương diện thời gian trần thuật thông qua dòng tâm tưởng của Ông (Những đứa trẻ chết già), của Em (Trí nhớ suy tàn) và của Khẩn (Ngồi).

Mạch truyện Vô thanh trong Những đứa trẻ chết già được kể bắt đầu từ thời điểm Ông ngồi trên chuyến xe trâu trở về làng hay nói cách khác đó chính là thời gian phát ngôn, thời gian kể chuyện của mạch truyện. Tuy vậy, câu chuyện hiện tại giữa Ông, gã đánh xe trâu và hai người thanh niên đi cùng hầu như không có sự phát triển các sự kiện, tình tiết mà toàn bộ mạch truyện hầu như là những câu chuyện quá khứ, hồi ức của Ông trong nhiều chặng cuộc đời (trong đó có cả những hồi cố lẫn dự thuật của quá khứ), bởi vậy sự sai trật thời gian liên tục xuất hiện trong suốt mạch truyện, hiện tại chỉ xuất hiện xen kẽ bởi những câu nói của ba người đồng hành hay bởi những ý nghĩ hiện tại của Ông. Khác với nhân vật Em hay Khẩn chỉ lưu giữ một số kí ức đậm nét, dòng tâm tưởng của nhân vật Ông trong Vô thanh lại chứa vô số các câu chuyện, các hồi ức đan xen chằng chịt. Ở đó có các sự kiện, các biến cố diễn ra trong mỗi chặng đường đời của ông. Trình tự xuất hiện của các sự kiện trong cuộc đời ông khi được tái hiện lại qua dòng tâm tưởng hoàn toàn bị thay đổi: quá khứ xa nhất là những ngày bé với kí ức về ông ngoại qua lời kể của mẹ, câu chuyện về cái chết xót xa và kì lạ của chị Cải… lại được kể sau những kí ức giai đoạn sống bên cạnh người vợ thứ nhất, thứ hai (khi đã trưởng thành và về già) và hiện tại (lúc ông đang ngồi trên xe trâu) lại là sự kiện xuất hiện đầu tiên. Điều kì lạ là những câu chuyện của Ông thường được gợi nhắc bởi một câu nói nào đó của hai người thanh niên và gã đánh xe trâu, ký ức ở đâu đấy trong tiềm thức Ông được đánh thức cứ ùa về bất chợt, với những ý nghĩ nhảy cóc đột ngột, sự chuyển tiếp giữa hiện tại và quá khứ đôi khi không còn ranh giới (câu nói gã đánh xe nhắc ông nhớ đến chuyến xe năm xưa với bố và em gái; đoạn người thanh niên nhắc đến bà giáo đẻ ngược ở làng mình cũng khiến ông liên tưởng câu chuyện kì lạ đấy ở làng ông; cũng câu nói của người đồng hành kéo ông trở về kí ức cây si của làng…). Mặt khác, với kỹ thuật phân mảnh, dòng tâm tưởng của ông trở nên vỡ vụn thành vô số mảnh kí ức, có những mảnh được kể trọn vẹn và dứt điểm (thường là những câu chuyện kì lạ ở làng) nhưng có những mảnh ám ảnh tái hồi liên tục như những vết chà xát trong nội tâm

của Ông. Trong dòng chảy miên man đấy, có những kí ức trở đi trở lại nhiều lần với Ông: đó là kí ức về Xoan cùng những xúc cảm trong trẻo của mối tình đầu; là câu chuyện trên chuyến xe trâu của ba bố con Ông khi rời làng năm xưa; đặc biệt là mảnh kí ức về quãng thời gian lúc Ông đến với người vợ thứ nhất và người vợ thứ hai trong đó in đậm hình ảnh đứa con trai tên Tĩnh. Dòng hoài niệm của Ông dày đặc những cảm xúc và ở đó có những câu kể in đậm cảm giác của hiện tại: “Thằng Tĩnh và lão Hạng không

hợp nhau, trái lại ngày càng xung khắc. Rốt cuộc thì cả hai đều bỏ ông đi. Đời ông là thế, ròng những cuộc chia ly” [31, tr.56], “Cho đến giờ phút này ông không ân hận chú

nào về sự bất lực ấy. Vì ông nghĩ mình không xứng đáng, đúng ra là không đủ can đảm, lương tâm để nắm giữ cái bí mật quý giá của người con gái đẹp nhất làng mình. Chẳng biết kẻ nào đã được diễm phúc chiếm đoạt điều ấy? Đấy là hạnh phúc hay bất hạnh? Ông không lý giải nổi” [31, tr.171]. Có thể nói việc kể quá khứ bằng sự soi chiếu của những cảm giác của người kể chuyện hiện tại làm “sống dậy cả câu chuyện của quá khứ” càng biểu hiện rõ tính chất “tại đây”- “bây giờ” của ý nghĩ. Đổ khuôn toàn bộ mạch truyện bằng thứ thời gian tâm lí, tạo ra một đối xứng với thời gian sự kiện ở mạch Chương, tiểu thuyết càng tô đậm được sự đối lập giữa cõi âm và cõi trần.

Mang dấu ấn của nhật kí, Trí nhớ suy tàn từ chối hoặc chỉ tái hiện rất ít những sự kiện của đời sống hiện thực đang diễn ra bên ngoài mà chỉ tập trung khám phá những biến cố, những trạng huống, những tầng bậc cảm xúc bên trong con người nhân vật. Thời gian kể chuyện của tiểu thuyết chỉ kéo dài trong vài tháng, bắt đầu từ mấy tháng trước khi Em tròn 26 tuổi cho đến sau ngày sinh nhật - khi Em bắt đầu bước vào một hành trình mới. Chỉ chọn một lát cắt nhỏ trong dòng đời nhân vật, nhưng tiểu thuyết mở ra mênh mang bởi dòng tâm tưởng vô định, vượt qua cả những chiều kích thời gian của nhân vật. Trong dòng cảm xúc của cô gái liên tục có sự sai trật về thời gian bởi quá nhiều kí ức, quá nhiều hoài niệm: xa nhất là câu chuyện ngày bé đi lạc giữa phố phường, gần hơn một chút là kỷ niệm về lần ốm nằm bẹp giường hai tuần, gần nữa là câu chuyện về bạn thân năm học cấp 3, những kí ức về Tuấn - mối tình đầu và những kỷ niệm cùng Vũ - người con trai hiện tại. Ngần đấy hồi ức không trở về lần lượt mà đan xen, chen lấn, bất ngờ trong dòng suy tư của cô gái về cuộc sống hiện tại về công việc, gia đình, tình yêu và tình bạn khiến trật tự thời gian sự kiện hoàn toàn bị xáo trộn. Trong dòng

chảy miên man của Em, kí ức lặp lại nhiều nhất, sâu đậm nhất gắn liền với Tuấn (8 lần trong tiểu thuyết). Và suốt tiểu thuyết không có một mốc thời gian nào xác định, riêng nụ hôn đầu với Tuấn vào lúc “mười một giờ mười phút” lại như một mốc lớn lao trong cuộc đời mà Em không thể quên cho dù “trí nhớ đang suy tàn ghê gớm”. Hình ảnh Tuấn giống “như chiếc đĩa hát vấp rãnh”, mỗi lần quay lại phải dừng lại, chờ đợi, và ngẫm nghĩ. Đó cũng là lý do khiến nhân vật luôn chìm đắm trong quá khứ, muốn dứt bỏ nhưng cũng không thể trốn chạy bởi những ám ảnh, những đổ vỡ, những hoài nghi chưa tìm thấy câu trả lời. Không quên được Tuấn trong quá khứ, nên không thể hết mình bên cạnh Vũ mà không ngừng day dứt và trăn trở, dòng tâm tưởng của Em chơi vơi, nhập nhằng không dứt giữa quá khứ và hiện tại giữa nhớ và quên, giữa những vết xước kí ức rõ rệt và những xúc cảm mơ hồ. Hai chiều thời gian xô đẩy, va đập không ngừng, soi tỏ thân phận hiện tại của con người và từ đó làm bật lên một vấn đề hiện sinh nhức nhối: con người trong thế giới hiện đại và hành trình tìm kiếm hạnh phúc đích thực của mình.

Ngồi không có một dấu hiệu nào về mặt thời gian để thông báo thời điểm rõ ràng mà nhân vật đang tồn tại. Tiểu thuyết chủ yếu xoay quanh những biến cố xảy ra với nhân vật Khẩn ở thời điểm anh đang sống chung cùng cô gái tên Minh, có người bạn thân là Quân đột nhiên biến mất với số tiền 500 triệu. Cốt truyện của tiểu thuyết là diễn tiến song hành những câu chuyện sinh hoạt đời thường lẫn câu chuyện ở công sở của Khẩn cùng với hành trình tìm kiếm tung tích của Quân nhưng vô vọng. Và trong khi mạch truyện này liên tục được phát triển về phía trước, thì mạch dòng tâm tưởng của Khẩn lại liên tục có sự ngoái lại, hồi cố tạo ra sự sai trật thời gian liên tục trong tiểu thuyết. Trong gần 300 trang tiểu thuyết, Khẩn có 13 giấc mơ gắn với hình bóng của Kim thì cũng là 13 lần tiểu thuyết có sự sai trật về thời gian tuyến tính. Những giấc mơ ấy có thể là tưởng tượng cũng có thể là quá khứ khiến mạch tự sự có khi “ngoái lại”, hồi cố

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)