6. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Kết cấu đa tầng, xoắn kép
Kết cấu tiểu thuyết những năm gần đây đã có những thay đổi khá lớn. Thi pháp tự sự truyền thống vì coi trọng nhiều hơn yếu tố cốt truyện nên các nhà văn trước đây quan tâm đến việc chuyển tải nội dung gì nhiều hơn là chuyển tải như thế nào, bằng cách nào. Dù ở mỗi thời kỳ cốt truyện tự sự có thể thay đổi và ngày càng trở nên phong phú đa dạng hơn về mặt nội dung (vì vận động theo đời sống xã hội) song trong tiểu thuyết từ thời kì đổi mới trở về trước người đọc vẫn quen thuộc với những cách tổ chức cốt truyện cũ, diễn biến theo trật tự thời gian tuyến tính, trật tự nhân quả, không có sự phức tạp trong cách dựng truyện. Bởi vậy người đọc truyền thống sẽ ít nhiều lạ lẫm, bất ngờ (và thích thú) với tiểu thuyết từ sau đổi mới và đặc biệt là tiểu thuyết vài năm gần đây bởi cách xây dựng kết cấu mới lạ và độc đáo mang tính chất đa tầng, lồng ghép, xoắn kép. Có thể nhận thấy rất rõ đặc điểm này thể hiện trong sáng tác của Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Thuận. Nguyễn Bình Phương cũng là một trong những tác giả như vậy. Hầu hết các tiểu thuyết của anh đều được xây dựng theo kiểu kết cấu này.
Chúng tôi đã làm một bảng thống kê các mạch truyện trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương:
Tiểu thuyết Mạch truyện
Những đứa trẻ chết già
Mạch truyện 1: Câu chuyện truy tìm và tranh giành kho báu của hai dòng họ ở cõi trần
Mạch truyện 2: Câu chuyện của người đàn ông trên chuyến xe trâu trở về làng cũ ở cõi âm
Người đi vắng
Mạch truyện 1: Câu chuyện của những con người trong xã hội thời hiện tại
Mạch truyện 2: Câu chuyện về cuộc khởi nghĩa của Đội Cấn đầu thế kỷ XX
Thoạt kỳ thủy
Mạch truyện 1: Hành trình của con cú bị bắn trôi trên sông
Mạch truyện 2: Câu chuyện cuộc đời của Tính cùng cuộc sống ở làng Phan
Ngồi
Mạch truyện 1: Câu chuyện của những con người trong xã hội thực tại
Mạch truyện 2: Câu chuyện nửa như giấc mơ, nửa như hoài niệm, diễn ra trong dòng ý thức của Khẩn gắn với hình ảnh của Kim
Theo bảng thống kê trên có thể thấy 4/5 tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương được đề cập đến trong luận văn này được cấu trúc bằng những mạch truyện đa tầng, đan xen, xoắn kép. So với các nhà tiểu thuyết trước 1975 Nguyễn Bình Phương đã tìm cách tung phá mọi đường biên để tạo ra sự bứt phá đặc biệt cho cấu trúc tự sự tiểu thuyết.
Trong số các tiểu thuyết nói trên Những đứa trẻ chết già xem ra lại là tiểu thuyết có bố cục rõ ràng và rành mạch nhất. Tiểu thuyết gồm hai mạch truyện chạy song song từ đầu đến cuối tác phẩm: 10 Chương và 9 Vô thanh. Câu chuyện trong các Chương diễn ra trong cõi đời thực tại, cuộc sống của những con người ở làng Phan, trong đó nổi bật hơn cả là hành trình toan tính và tranh giành kho báu của đại gia đình Trường hấp với ông Trình. Còn Vô thanh lại là câu chuyện thuộc về cõi âm của 4 người đàn ông trên hành trình trở về làng cũ, trên một chuyến xe trâu. Cả 2 mạch của truyện cứ song hành, nối đuôi nhau xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm tưởng như không hề có điểm chung. Chính sự phân biệt rõ ràng và cân đối đến mức “đáng ngờ” ở tiểu thuyết này cuối cùng lại là một thách thức đối với nhãn quan của người đọc truyền thống.
So với Những đứa trẻ chết già thì vấn đề kết cấu trong Người đi vắng dường như lại được đẩy lên một cấp độ cao hơn, phức tạp hơn với những tuyến truyện móc nối, đan xen chằng chịt. Tiểu thuyết được cấu tứ bởi 3 mạch truyện: Mạch chủ đạo chiếm phần lớn dung lượng của tiểu thuyết tái hiện lại cuộc sống của những con người trong xã hội thực tại, xoay quanh những biến cố liên quan đến nhân vật Thắng. Mạch quá khứ xuyên suốt bởi câu chuyện về cuộc khởi nghĩa lịch sử của Đội Cấn đầu thế kỷ XX từ đêm trước của cuộc khởi nghĩa đến những ngày cuối cùng khi cuộc nổi dậy bị thực dân
Pháp đàn áp, càn quét. Và một mạch khác của tiểu thuyết là câu chuyện của những sinh linh ở một cõi khác. Không có sự phân chia rõ ràng rành mạch như ở Những đứa trẻ chết già, các mạch truyện ở Người đi vắng đan xen, móc nối vào nhau. Có thể nói đến tiểu thuyết này, sự đan xen, chồng chất của các mạch truyện và quá nhiều câu chuyện đã khiến người đọc có ý thức “cảnh giác” về “trò chơi kết cấu” của nhà văn. Tuy nhiên, với một kết cấu rubic đa chiều, đa tuyến kết hợp với rất nhiều yếu tố, chi tiết kì ảo, tiểu thuyết này thực sự là một ma trận, một mê lộ bí ẩn đầy thách thức và khơi gọi sự khám phá.
Tính chất đa tầng ở Thoạt kỳ thủy lại được làm dày thêm, trước hết ở hình thức truyện lồng trong truyện. Hình thức truyện trong truyện không phải là một đặc điểm phổ biến trong tiểu thuyết Việt Nam truyền thống, tuy nhiên trong nhiều năm gần đây, hình thức này không còn là lạ, là “hiếm” nữa và có thể bắt gặp trong nhiều tiểu thuyết của nhiều nhà văn đương đại như Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Thuận… Thoạt kỳ thủy, ngoài phần chính là phần Chuyện, ở cuối tác phẩm còn có phần Phụ chú trong đó dẫn một tác phẩm của ông Phùng - một nhân vật trong tác phẩm. Nhiều tiểu thuyết sử dụng kết cấu lồng ghép với hình thức truyện lồng trong truyện này bằng cách chồng chất các tầng lớp của câu chuyện trong hồi tưởng, trong lời kể của một nhân vật nào đó, nếu như Bảo Ninh hòa tiểu thuyết bên trong vào đường viền của tiểu thuyết bên ngoài làm mù mờ ranh giới của hai câu chuyện, thì Nguyễn Bình Phương gần với cách của Thuận trong Chinatown hơn: anh cho “thêm” một tác phẩm nữa bên trong tác phẩm của mình với sự tách bạch khó rõ ràng, thậm chí là rất rạch ròi. “Và cỏ” được đặt thành một phần tách bạch với câu chuyện về xóm Soi trong phần Chuyện và còn được đề dẫn rất cụ thể (tr.162). Cùng với đó, trong phần Phụ chú, bên cạnh tác phẩm của nhà văn Phùng,
Nguyễn Bình Phương còn liệt kê những giấc mơ của Tính và Hiền. Những phần này được đánh số thứ tự, hoặc phân biệt bằng dấu (*) một cách rõ ràng trong phần Phụ chú, khiến tính chất tiểu thuyết của Thoạt kỳ thủy trở nên đáng “nghi ngờ”.
Kết cấu đa tầng của Thoạt kỳ thủy còn được thể hiện qua hai mạch truyện chính: chuyện con cú trôi sông và chuyện về những con người, những gia đình ở Linh Sơn, bãi Nghiền Sàng với nhân vật chính là Tính. Hai mạch truyện này diễn ra song hành: hành trình của con cú bị trôi trên sông được miêu tả song song với hành trình từ lúc ra đời đến
lúc Tính chết. Nếu như ở các tiểu thuyết khác, các mạch truyện đơn lẻ đều có thể là đề tài để tạo ra một tiểu thuyết mới thì ở Thoạt kỳ thủy hai mạch truyện có sự phân biệt khá rõ về dung lượng cũng như độ dày dặn của cốt truyện và chi tiết. Nếu đặt trong một hệ thống, mạch truyện về con cú trôi sông có vẻ như khá mờ nhạt, tuy nhiên đặt trong chỉnh thể của Thoạt kỳ thủy, mạch truyện này đặt song song cùng câu chuyện cuộc đời Tính có lẽ không chỉ là một thao tác “làm dày” kết cấu tiểu thuyết.
Ngồi ra đời tiếp tục triển khai mô hình hai thế giới trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, và mỗi một thế giới lại tương ứng với một mạch truyện, chạy song song, đan bện cùng mạch truyện còn lại. Nhưng khác với các tiểu thuyết trước đó, Khẩn lại là nhân vật chính, tham dự vào cả hai thế giới trong tiểu thuyết này. Một thế giới là cuộc sống hiện tại mà nhân vật đang hiện hữu: cuộc sống công sở và sinh hoạt của Khẩn với những câu chuyện rất đời thường. Và một thế giới dường như chỉ dành riêng cho câu chuyện tình của Khẩn và Kim - nhẹ nhàng và thanh khiết, mờ ảo như chính bản thân của giấc mơ.
Như vậy, có thể thấy, ngoài Trí nhớ suy tàn, các tiểu thuyết còn lại của Nguyễn Bình Phương đều có kết cấu đa tầng với sự tham dự của nhiều mạch truyện, nhiều thế giới. Thủ pháp kết cấu ở đây, bằng cách triển khai nhiều mạch truyện có khi song song, có khi đan xen, móc nối chằng chịt và chồng chất lên nhau và bề mặt những tưởng tồn tại độc lập, riêng rẽ, tách biệt nhưng thực chất các mạch truyện này bằng cách nào đó vẫn có sự giao tiếp hay chính qua những sự kiện riêng rẽ như thế của đời sống, Nguyễn Bình Phương đang cố gắng để xác lập một mối liên hệ bên trong, từ đó các mạch truyện, các thế giới soi rọi và lý giải cho nhau.
Hai mạch truyện trong Những đứa trẻ chết già được đánh số thứ tự trong từng mạch riêng rẽ và liên tục từ đầu đến cuối tác phẩm. Hai mạch truyện này là hai thế giới, một thế giới vô thanh, và một thế giới ồn ào, một thế giới của những hồi tưởng suy tư và một thế giới dồn dập những biến cố, những hành động. Dù tách bạch nhưng bằng mối liên hệ tâm linh con người ở thế giới hiện tại này vẫn cảm nhận được sự tồn tại của thế giới bên kia. Đó là khi cụ Trường hay lão Liêm linh cảm được chuyến xe trâu đang đến gần. Hai mạch truyện song song như không có điểm dừng nhưng rồi cuối cùng lại hội tụ về một điểm. Khi Vô thanh kết thúc với sự tan biến vào hư không của chiếc xe trâu cùng
bốn người đàn ông ngồi trên đó, thì cũng là lúc những con người đang giành giật kho báu nhìn thấy sự hiện hữu của nó (tr311). Hành trình của chuyến xe song hành cùng hành trình của những “tham, sân, si” trong đời thực và điểm đến cuối cùng của chuyến xe cùng người đàn ông luôn trăn trở về sự tồn tại của mình lại chính là đáy tận cùng, là đỉnh điểm của sự tham, sân, si ấy ở những con người cõi trần (giây phút tranh giành kho báu trên ngọn đồi). Phải chăng đó là lúc mà chuyến xe cùng khát vọng của Ông chính là một lời thức tỉnh cho những kẻ đang quay cuồng trong dục vọng. Hai mạch truyện “gợi liên tưởng rằng câu chuyện ở cõi trần của ngày hôm nay nếu được tinh giản tới một mức độ nào đó sẽ trùng khít với câu chuyện ở cõi âm” [8]. Khi hành trình trong cõi âm kết thúc cũng là lúc cuộc tranh giành kho báu đi vào hồi kết, và những người trong cuộc tất cả đều là kẻ thất bại, bởi kho báu chỉ là thứ ảo tưởng và phù phiếm, hão huyền. Bộ mặt của tham - sân - si đã được lật tẩy, những kẻ sống với quá nhiều dục vọng đã nhận ra kết cục của mình thì một hành trình mới lại tiếp tục, bởi vẫn còn bỏ ngỏ ở đấy là câu hỏi của người đàn ông đi tìm ý nghĩa sự tồn tại của mình, rằng “đến hay trở về”, rằng “ở đâu là miền thanh tĩnh”. Đó có lẽ là “vĩ thanh” của Những đứa trẻ chết già, là câu hỏi mà con người sẽ lại phải tiếp tục đi tìm lời giải đáp.
Ba mạch truyện của Người đi vắng tạo ra cho tiểu thuyết tính chất đa chiều, lập thể. Ba mạch truyện với hai chiều kích thời gian: hiện tại và quá khứ; với hai tầng bậc của không gian: cõi trần và cõi âm, nhưng tất cả đều được đặt gọn ghẽ trong một không gian lớn là mảnh đất Thái Nguyên và trong bầu khí quyển của những u mê của huyền thoại, khiến thế giới của tiểu thuyết được làm dày lên gấp bội. Từ những mạch truyện xoắn kép ấy, các nhân vật hiện lên với tất cả sự đa chiều và phức tạp của nó - giống như được nhìn qua một thứ lăng kính lập thể. Tiểu thuyết rời rạc trên bề mặt của hiện thực, nhưng cả một thế giới đa chiều của rất nhiều những số phận lại gặp nhau dưới tầng sâu của cuộc sống, nơi những khía cạnh nhân cách của họ được soi chiếu qua những “cõi sống” khác, những thân phận khác. Những mối quan hệ trong lịch sử đều có bóng dáng của những mối quan hệ trong hiện tại (Đội Cấn - Lập Nham, ông Bính - cụ Điền; Thắng - Cương), và ngược lại, con người hiện tại cũng tìm thấy mình trong hình bóng quá khứ, mỗi người trong họ như một cá thể cô đơn và rời rạc trong chính thế giới của mình. Và hơn hết thảy là cả quá khứ và hiện tại, cõi thực và cõi mơ, cõi sống và cõi chết, tất cả
đều đã ám ảnh và tô đậm cảm thức về nỗi trống vắng của con người. Từ những người đang sống, từ những thân phận của quá khứ đã trôi qua, từ những tiếng nói của những sinh linh, thậm chí những vật vốn vô tri vô giác vọng lên từ cõi khác đều vắng bóng một cảm giác yên ổn, tất cả đều trong nỗi bất an thường trực, ở đó con người hay sự vật đều không tồn tại, hiện hữu đúng với bản sắc của mình. Tất cả đều đi tìm bản thể của mình, như lời cây chuối: "Tại sao ta ở đây? Tại sao ta là chuối mà không là gì khác?" (tr193). Cái thông điệp ấy là mạnh ngầm chảy trong chiều kích tồn tại của thời gian, không gian, lặp đi lặp lại và trở thành một tiếng vọng, cái dư âm của nó bởi vậy mà không thể dứt. Đó chính là hiệu quả được tạo ra từ một kết cấu đa tầng và lồng ghép trong Người đi vắng.
Với hình thức lồng những câu chuyện khác trong tiểu thuyết Thoạt kì thủy nhà văn đã tỏ ra ý thức về việc “viết tiểu thuyết” của mình, rất ý thức trong việc tạo ra sự khác biệt của “lối viết” Nguyễn Bình Phương. Sự xuất hiện của truyện ngắn Và cỏ cùng những giấc mơ của Tính và Hiền trong phần Phụ chú những tưởng tách bạch và rời rạc trên bề mặt tiểu thuyết nhưng thực ra lại có mối liên hệ ở mạch ngầm văn bản. Ở truyện ngắn Và cỏ của nhà văn Phùng, người đọc bắt gặp lại “một thế giới lãng đãng mơ màng như phần truyện chính nhưng giàu chất thơ hơn, bớt chói gắt hơn, tựa như một thứ bè trong được chiết ra từ thế giới mộng mị huyền hoặc của tiểu thuyết” [13, tr.65]. Và cỏ có thể được coi là một phiên bản của Thoạt kỳ thủy, một tiếp nối những suy tư của Nguyễn Bình Phương về sự gần gũi giữa sáng tạo văn học với mơ và điên, rằng “đó chính là ý nghĩa của nghệ thuật “truyện lồng truyện” được sử dụng một cách tài hoa trong Thoạt kỳ thủy” [47].
Câu chuyện về cuộc sống ở xóm Soi bên bãi Nghiền Sàng gắn với không gian “Một buổi ban đầu và một cõi hỗn mang… mờ mịt, hoang sơ, bí ẩn như những câu đố, những ẩn số” như chính tên gọi “Thoạt kỳ thủy”. Ngoài những giấc mơ, những ám ảnh vô thức của Tính, ngoài ra, đời sống nội tâm, những suy nghĩ, những biểu hiện xúc cảm bên trong của nhân vật không được bộc lộ trên trang giấy. Tuy vậy, câu chuyện của con cú, cũng là một “nhân vật” của tiểu thuyết dù chỉ xuất hiện 5 lần trong tác phẩm nhưng lại được khắc họa rõ nét “tâm trạng” (tr.9-10, tr.160-161). Miêu tả một cách chi tiết về con cú, trong khi lại cố tình “mờ hóa” con người, phải chăng cũng là một bút pháp kết cấu
của Nguyễn Bình Phương. Hai kết cấu song hành, tưởng không có điểm dừng như vẫn gặp nhau. Cả hai hành trình đều kết thúc bằng cái chết. Và dường như nỗi đau, nỗi khắc khoải của một sinh vật sắp tìm đến cái chết đủ để người đọc liên tưởng đến số phận của con người, cũng khắc khoải, “quẫy đạp” trên hành trình đến kết thúc.