Ngôn ngữ giàu hình ảnh, lạ hóa và đầy chất thơ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 81)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, lạ hóa và đầy chất thơ

Văn học là nghệ thuật của ngôn từ và đó cũng là một đặc điểm để nhận diện phong cách nhà văn. Mỗi một nhà văn tuỳ theo đối tượng và cái “tạng” văn của mình mà có một dấn ấn ngôn ngữ riêng. Ở trên chúng tôi đã nói tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương mang những thái cực khác nhau, và chính những thái cực trong việc sử dụng ngôn từ cũng là một trong những điều tạo ra dấu ấn riêng cho lối viết của anh.

Chất thơ từng là thế mạnh của nhiều cây bút tiểu thuyết như Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Đình Tú... Các nhà văn đương đại, nhất là các cây bút trẻ, đã đưa một thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, đầy chất thơ bên thứ ngôn ngữ đời thường.

Ở tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, đứng bên cạnh thứ ngôn ngữ chủ âm và xuyên suốt là ngôn ngữ đời thường, trần tục, người đọc vẫn nhận ra một mạch nguồn ngôn từ khác, dù xuất hiện không nhiều, dù chỉ là một thứ “phụ âm” nhưng vẫn có một tiếng nói riêng, và với nó, người đọc vẫn nhận ra dáng vẻ tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, đó là lớp ngôn từ giàu hình ảnh, đầy chất thơ.

Trước lúc là một nhà văn viết tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương đã là một nhà thơ, bởi vậy mặc dù ở một thái cực khác nhưng cũng sẽ không quá khó để lý giải đặc điểm này ở tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, như anh cũng từng bộc bạch: “Trong cấu

trúc tiểu thuyết thường có những đoạn buông lỏng, và ở những đoạn đó lại trở về với bản chất cố hữu của một anh làm thơ lãng đãng. Nhà thơ viết tiểu thuyết thường có dáng dấp của một kẻ lang thang” [15]. Và đúng như thế, trong mỗi tác phẩm của anh người đọc đều có thể dễ dàng bắt gặp những đoạn “buông lỏng”, “lãng đãng”, thường là ở những đoạn văn có tính chất miêu tả. Trong Những đứa trẻ chết già, những phiến đoạn như vậy thường xuất hiện trong mạch Vô thanh - nơi sự ồn ã, xô bồ của mạch Chuyện đã bị đẩy lùi nhường chỗ cho thứ thanh âm không lời của tâm trạng, của kí ức:

“Không khí ảm đạm và lưu cữu. Hoàng hôn trung du bao giờ cũng rề rà, mỏi

mệt. Những quả đồi chầm chậm lùi lại, chầm chậm xuất hiện. Đôi chỗ, chè hoang mọc xanh đậm lên tận chóp đồi. Hương chè nhả ra, chát đặc” [31, tr.17]; “Chiều mùa hạ. Trời vàng rực ẩn sau lớp rừng bị cháy tơ tướp đang cố gắng hồi sức. Những cơn gió

hiếm hoi lóp ngóp bò lên từ lòng đất làm vô số lá khô và tàn tro bay loạn xạ khắp làng”

[31, tr.29].

Có thể thấy, văn miêu tả của Nguyễn Bình Phương giàu hình ảnh, có những lúc nhà văn đang khoác cho sự vật một diện mạo sinh động hơn chính bản thân nó bằng những thủ pháp nhân hóa, ẩn dụ - đó là những thủ pháp quen thuộc trong thơ ca: “Đường phố thưa thớt đèn, những chiếc lá bàng to nằm ưỡn cong trên vỉa hè như đàn

trâu chết dịch”; “Không ai, không ai kết thúc được đêm. Đêm đã mở ra, mượt mà như mái tóc, như nước và lượn sóng”; “Hoàn nghiêng cổ, tóc sáng lên từ từ lùi xa, rất xa, xa bằng buổi chiều sơ tán thủa bé của Cương”; “Bên ấy tĩnh mịch như cái rốn của sự im lặng”. Những đoạn miêu tả xuất hiện rải rác khá nhiều trong Người đi vắng, và đôi khi chính bản thân nó góp phần làm “vụn vỡ” kết cấu tự sự ngay trên bề mặt văn bản: “Mưa

rào lấp lánh ngân nga tiếng chuông. Sấm gừ gừ ở chốn cao xa, uyển chuyển như con mèo thoắt lui về thoắt phóng ra (…) Những ngọn bạch đàn run run hiện thành bầy ngựa trắng hồi hộp chờ đợi phút bắt đầu cho cuộc chạy đua với những đám mây nặng nề khật khưỡng (…) [30, tr.6]. Trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, bên cạnh những đoạn tả

cảnh như việc sắp xếp một bối cảnh cho sự xuất hiện của nhân vật thì còn có những đoạn miêu tả gắn liền với tâm trạng nhân vật, cũng giàu hình ảnh và nhiều cảm xúc: “Khi rẽ sang đường cái Thắng đánh mắt nhìn ngang về phía nhà mình, bắt gặp dãy Linh

Nham vươn dài dưới bầu trời xanh mờ. Một nỗi buồn se thắt lòng Thắng, một cái gì đó như sự chia ly vĩnh viễn” [30, tr.19]; “Qua khoảng cách giữa hai thân cây ngọc lan, Thắng nhìn thấy dòng sông Cầu đỏ rực giữa hoàng hôn. Gió lại cuốn lá rào rào, mùi ngọc lan phảng phất mỏng mảnh. Thắng nhặt một cánh ngọc lan nằm ngay mép bàn, đó là cánh hoa héo đang ngả sang màu khoai tây rán rúm ró đau khổ [30, tr.41]. Cũng

trong tiểu thuyết này, những đoạn miêu tả thường xuất hiện trong lời tự sự của những linh hồn, có khi là của dòng sông Linh Nham (tr43), có khi của hồn ma ở nghĩa địa Dốc Lim (tr56)… Ở đó người đọc thấy những ngôn từ, hình ảnh mới lạ, đôi lúc khó hiểu nhưng lại gần với lối lạ hóa trong thơ: “Mưa, mưa cách đây bảy năm, mưa bây giờ xa

xôi”; “Mẹ ru, hoa mềm lả ra rũ xuống, chúng ngủ, cánh khép lại rất nhẹ chỉ đủ để giấc mơ không bay ra được… Tóc mẹ dài buông khắp người như một lời ve vãn dai dẳng”…

Với Thoạt kỳ thủy, chất thơ lại toát ra từ một thế giới của vô thức và điên, như nhà văn thú nhận: “Tư duy thơ thấm nhuần vào trang viết từ cách xây dựng nhân vật đến

cách hành văn của tôi. Tôi thường cho phép mình lãng đãng trong những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật Tính” [15]. Tách bạch với hiện thực bên ngoài trần trụi đến

“khô khốc”, của xóm Soi, thế giới vô thức của Tính lại mở ra một thế giới khác cho tiểu thuyết, một thế giới vừa điên loạn với những ám ảnh bạo lực, giết chóc nhưng lại cũng là một thế giới bay bổng của giấc mơ máu và trăng: “Trôi ở giữa những đụn khói, ai

cũng lẫn vào nhau. Tất cả đều mờ. Trăng không xuống được tóc, chỉ lơ lửng trên đầu. Trăng cười, vàng sắp thành đen rồi. Cứ nở mãi, nở mãi giữa những đụn khói đặc quánh

(…) Mỗi hòn đá bị vỡ là máu túa ra. Da thịt của đá mỏng manh lắm. Sánh sao được với

nước sông Cái” [32, tr.36-37]; “Mặt trăng nằm trên cỏ, hơi võng ở giữa làm các ngọn cỏ run lên. Run lên, run lên” [32, tr.42]; “Cây sợ run bần bật. Nhiều trăng lắm nhé, mẹ nhé. Thích nhỉ, mẹ nhỉ. Hiền đặt bóng vào tường. Tường cắn chặt bóng Hiền không thả ra in mãi với bóng thạch sùng”; “Trăng đen, trăng đen, sao mày dập dềnh trôi mãi không hết” [32, tr.69]… Những câu văn với một cú pháp khác lạ, những hình ảnh độc

đáo, những liên tưởng bất chợt, đó chính là phẩm chất của thơ, mà ở Thoạt kỳ thủy đó được gọi là “một thứ điên của thơ”. Chính cái chất thơ đầy sáng tạo toát lên từ thứ ngôn ngữ điên (ngôn từ được lạ hóa, khác thứ ngôn ngữ bình thường), mà nhà nghiên cứu Đoàn Cầm Thi đã ví đọc tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương gần với đọc thơ của Hàn Mặc Tử, rằng sẽ phải từ bỏ đi mọi cố gắng để lý giải, để tìm mối liên kết một cách logic, rằng không phải đọc bằng lý trí để hiểu mà chỉ có thể cảm, để “cuốn đi trong trí tưởng tượng ngông cuồng phóng túng” - nơi mà mọi sự lý giải đều thất bại, bởi thế với bà “đọc

Thoạt kỳ thủy để không quên Nguyễn Bình Phương là một nhà thơ”.

Gần với Thoạt kỳ thủy, thế giới ngôn từ đầy chất thơ trong Ngồi được mở ra trong thế giới giấc mơ và kỷ niệm của nhân vật. Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Thạch nhận định “tiểu thuyết được tạo nên từ một sự căng thẳng, căng thẳng trong chính đời sống của các nhân vật (…) và căng thẳng trong chính cái hình hài ngôn ngữ của tác phẩm. Ngồi được tạo nên từ hai lớp ngôn từ, một trần trụi, đầy tính khẩu ngữ, ngổn ngang, không thiếu những từ thô tục và một đầy chất thơ, thầm thì và tinh tế. Hai lớp từ dằng co nhau trong một sự đối lập gần như tuyệt đối” [41]. Và trong cái thế “dằng co”,

“căng thẳng” đấy, ngôn từ của thế giới vô thức như một sự bứt phá, đưa nhân vật thoát ra những cám dỗ, những bon chen, ồn ã, xô bồ của đời sống thực tại, để tìm đến một thế giới có phần hoang đường, kì ảo nhưng thuần khiết và thanh tao hơn hết cả với những kỷ niệm về Kim: “Ngoài đồng, nơi phẳng lặng, nơi ánh trăng tha hồ đổ xuống, gió vi

vút thổi và những ợn sóng trườn đi, trườn đi mãi như có kẻ nào đó đùa nghịch với sức lực tràn trề không mệt mỏi (…) Con đường kết thúc cùng những lùm tre rậm rạp bí ẩn. Phía trước là cánh đồng rộng mênh mông, ở giữa nhô lên một ngôi đền nhỏ mái cong. Dưới chân đền, sương mờ chờn vờn quẩn quanh như khói, như cỏ, như lửa trắng, như những bàn tay mơn trớn vuốt ve mà chẳng dâm đãng chút nào” [29, tr.14-15]. Những

câu chuyện về Kim như một thứ cứu rỗi, che chở, xoa dịu ở Khẩn những mệt mỏi, những trăn trở nhức nhối về đời sống, những câu chuyện như những giấc mơ ấy được bao bọc bởi một thứ ngôn ngữ mơ hồ, bảng lảng: “Khi chạm vào cành bạch đàn thì giấc

ngủ biến mất chỉ còn một không gian dịu dàng để Kim than phiền về cuộc đời. Trong ngôn ngữ thầm lặng mê man của Kim thấp thoáng một vùng đất trải dài, mờ nhạt hai đầu bởi khói sương và không hiểu bằng cách nào mình nhận ra đó sẽ là nơi mình phải quay lại trong những ngày trở trời nếu muốn thoát khỏi sự thành hạ của căn bệnh đau đầu quái ác (…) những gì Kim nói đều được lưu vào góc tối dịu dàng mềm mại của một bụi cây vô hình, đấy là trí nhớ của mình” [29, tr.37]. Không hẳn là thứ ngôn ngữ miêu tả

cảnh trong Những đứa trẻ chết già hay Người đi vắng, cũng không phải như ngôn ngữ “điên” trong Thoạt kỳ thủy, thứ ngôn ngữ đầy chất thơ trong Ngồi được nhuốm màu sắc hoang đường, bí ẩn, biến thế giới trong tâm tưởng của Khẩn trở thành một vùng đất riêng biệt, nơi mà ý thức khó có thể can thiệp.

Trí nhớ suy tàn như mảnh đất rộng rãi để Nguyễn Bình Phương trở về với căn cốt thơ của mình. Tiểu thuyết là một bài thơ văn xuôi dài bất tận bởi dòng ý thức miên man, vô định của nhân vật. Thế giới của Trí nhớ suy tàn là thế giới của tâm tưởng, của kỷ niệm được bao bọc trong một bầu khí quyển lãng đãng, bàng bạc của chất thơ, và “thơ” rõ nhất trong câu chữ, trong hình ảnh, ngôn từ. Ấn tượng với người đọc bắt đầu từ những câu đầu tiên mở ra thế giới tiểu thuyết: “Chẳng mấy tháng nữa sẽ tròn hai mươi

sáu tuổi. Mang trong mình sự phức tạp của phố phường, đôi lúc không tránh khỏi những giờ phút mộng hão huyền từ thời sinh viên để lại.

Nói nhanh, âm trong veo, không chịu rè đi ngay cả lúc đã mệt mỏi, chán nản. Giọng ấy tự nó ngân nga vang vọng, xoáy vào tình cảm cho dù ngôn ngữ cứ sắc lạnh. Mắt thông minh, cong với làn da mỏng và chiếc mũi hếch ngộ nghĩnh, tinh quái. Cái ấy mẹ cha chẳng can thiệp, nó là của trời. Giọng nói của trời, làn da của trời, con mắt của trời. Vào thời điểm bất chợt nào đó, đem những thứ của trời ấy dâng cho người mình yêu, như một sự bày tỏ, một đền đáp, một ân huệ vụng trộm” [33, tr.7]. Những câu, những

mệnh đề không có chủ từ, đó cũng là một đặc điểm của câu thơ. Và đúng như nhận xét của nhà phê bình Thụy Khuê “nguyên chất, ký ức đã mơ hồ, đã gần gũi với thơ, vì bị màn sương thời gian bao phủ, nhưng khi ký ức ấy được ghi lại bằng những câu vô chủ (không có chủ từ) thì sự mông lung lại thêm bội phần”, và cái chất thơ của sự mơ hồ, bảng lảng, vô định, cũng vì thế mà thêm bội phần. Cái chất thơ đấy cứ theo dòng mạch cảm xúc của nhân vật, dẫn dắt người đọc đi đến trang cuối cùng của tiểu thuyết. Hiện thực của cuộc sống, của quá khứ là chất liệu của câu chuyện trong Trí nhớ suy tàn, nhưng tất cả những chất liệu ấy, khi được đưa vào tầm nhìn và sự hoài niệm của “Em” thì dường như đã được sắp xếp lại, và “diễn đạt” lại bằng thứ ngôn ngữ rất riêng - ngôn từ của kí ức, một kí ức sắp sửa đến lúc “suy tàn” lại của một tâm hồn rất đỗi nhạy cảm và tinh tế: “Tuấn đã ở chân trời khác với tiếng nói khác, màu da khác (…) Giờ em là

con chim bị nhốt trong lồng quá lâu, bâng khuâng vì tự do, yên bình (…) Mang máng rằng thế nào cũng có một chuyến tàu đi xa hơn tất cả các chuyến tàu” [33, tr.8-9];

“Tuấn đã đi xa như một đám mây, mây không đầu thai trở lại cùng những kỷ niệm đẹp đẽ bàng hoàng dưới ốc cây điệp trên phố Bà Triệu” [33, tr.11]; “Tất cả mến yêu đã tan biến cùng với nắng” [33, tr.14]. Cũng trong dòng tâm tưởng của “Em” có thể bắt gặp

những lối diễn đạt lạ, có những liên tưởng gần gũi nhưng cũng có những sự “nhảy cóc” và thiếu logic như dấu ấn của một bài thơ: “Đó là buổi trưa duy nhất tất cả đều mất

trọng lực. Tất cả, nghĩa là không miễn trừ” [33, tr.19]; “Thời tiết chết trong sự sợ hãi, chết vĩnh viễn từ buổi trưa hôm ấy. Vô nghĩa cho tất cả những gì đã diễn ra dù rằng hi vọng chưa chấm dứt”; “Những cánh hoa rụng xuống, chết một cách yên ổn”; “Những đĩa bánh trôi nằm ngoãn ngoãn trên cái mẹt được vải màn quây lại như những nỗi niềm thơ ngây đang yên nghỉ”; “Một con đường chiều vắng như đang bị bỏ quên”; “Bên kia hồ một người đàn ông xách cần câu đi giữa nắng (…) Với dáng đi ấy, thật chậm, thật

kiên nhẫn, không rẽ vào bất cứ đâu, ông ta sẽ tới được mùa thu”. Có thể thấy, với Trí nhớ suy tàn, ngôn từ đầy chất thơ đã trở thành một thứ chủ âm, một gam màu chính, một bầu khí quyển bao trùm lên hết thảy. Và cũng bởi thế, đặt trong “dàn âm” tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, Trí nhớ suy tàn là một nốt nhạc trầm, nhẹ nhàng, thoang thoảng nhưng vang xa, không dứt.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)