6. Cấu trúc luận văn
2.2.2. Thời gian sự kiện
Trước khi đi vào phân tích các chiều kích thời gian trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương chúng tôi khảo sát về thời gian niên biểu - thời gian sự kiện trong tác phẩm của nhà văn trẻ này bởi loại thời gian này trong tiểu thuyết của anh có đặc trưng rất riêng góp phần tạo ra lối viết của ngòi bút Nguyễn Bình Phương.
Đặc điểm nổi bật của thời gian sự kiện trong năm tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đó là việc nhà văn dụng ý xây dựng những dấu hiệu thời gian một mặt rất xác thực, chi tiết nhưng lại rất vô định và mơ hồ. Đây chính là thủ pháp ảo hóa thời gian thực - một trong những phương diện tạo ra màu sắc của cái kỳ ảo ở tác phẩm của nhà văn này.
Trong Những đứa trẻ chết già, ở cả hai mạch truyện cõi trần và cõi âm, cuộc đời nhân vật không được xác định với mốc thời gian niên biểu nào cụ thể. Cái mà người đọc có thể xác định được ở đây chỉ là thời hiện tại hay quá khứ của nhân vật hoặc thông qua một số sự kiện, biến cố để áng chừng thời điểm đó nằm ở quãng nào trong chuỗi tồn tại của nhân vật mà thôi (dấu hiệu thời gian sự kiện ở đây thường chung chung mơ hồ như:
Cách đây khá lâu, cách đây lâu lắm rồi, năm thằng Liêm lên hai tuổi, thằng Hải học hết cấp hai, cấp ba, sau này khi cô ta chết, hai tuần nay, một chiều…). Ngược lại, trong tiểu
thuyết này, ở mạch Chuyện, có những sự kiện mà thời gian được miêu tả một cách chi tiết: “Ngày mùng 7, tháng 6, giờ Dậu, dân làng thấy trong đáy ao nhà Trường hấp bốc
lên cột khí trắng hình con rắn” [31, tr.9]; “Mùa đông, tháng 11, ngày mùng 9, giờ Tý, cả làng Phan giật mình vì tiếng hổ gầm ngay cánh rừng bên cạnh. Ngày 23, sao chổi xuất hiện phía tây, trông như dải lụa trắng” [31, tr.15]. Lối văn nhại chép sử này được sử
dụng nhiều lần trong tiểu thuyết khi nhà văn miêu tả lại những hiện tượng kì lạ xảy ra ở làng Phan. Có thể thấy, một mặt cố tình làm mờ hóa chuỗi thời gian sự kiện của nhân vật, mặt khác lại tô đậm những chi tiết lạ bằng cách miêu tả xác thực, cụ thể ngày giờ xảy ra đó là cách mà Nguyễn Bình Phương lôi kéo người đọc vào không khí kì ảo bao bọc quanh câu chuyện đi tìm kho báu của hai dòng họ. Tuy dấu hiệu thời gian được liệt
kê rõ đến từng giờ, nhưng lại bỏ qua dấu hiệu năm đã biến tất cả những con số trở nên vô nghĩa. Rốt cuộc, người đọc vẫn rơi vào ma trận cái kỳ bí của tiểu thuyết và càng vì thế câu chuyện càng trở nên cuốn hút và khơi dậy sự khám phá. Đó cũng là một cách mà Nguyễn Bình Phương tạo ra cái dư vị cho tiểu thuyết của anh.
Thủ pháp mờ hóa thời gian nói trên cũng được tiếp tục trong Người đi vắng,
Thoạt kỳ thủy. Câu chuyện trong Người đi vắng là một lát cắt ngang, một thời điểm trong cuộc đời các nhân vật, trong đó cũng có những hồi cố về quá khứ tuy nhiên ở mỗi tuyến truyện, thời gian vẫn chủ yếu là ở thì hiện tại của nhân vật. Và dấu hiệu thời gian ở đây cũng chỉ là những trạng từ: trưa tĩnh mịch, khuya, sau hai tuần hoặc là những thời khắc chi tiết như: sáu giờ hai mươi sông Linh Nham, mười hai giờ đêm nghĩa địa Dốc Lim trong mưa, hai giờ đêm bãi tha ma Linh Nham, bờ sông một giờ chiều, mười giờ bờ sông Cầu. Riêng mạch truyện cuộc khởi nghĩa của Đội Cấn thì có khi được tái hiện thời
gian một cách xác thực (mười một giờ năm tháng 10 năm 1917) nhưng phần lớn cũng là thời gian chung chung (một giờ mười bảy ngày tự do thứ nhất, chín giờ sáng ngày tự do
thứ hai, năm giờ chiều ngày tự do thứ ba… và ở đây cũng có xuất hiện lối viết nhại chép
sử tuy không nhiều (tr191).
Với Thoạt kỳ thủy thì sự đong đếm về thời gian được biểu hiện qua quá trình đi đến cái chết của con cú trôi sông từ lúc 11h15 đến lúc 12h trưa. Câu chuyện về con cú trôi sông là mạch phụ, tuy nhiên các mốc thời gian của mạch này lại là trục thời gian chính của tiểu thuyết, trong khi cuộc đời của nhân vật Tính và những câu chuyện diễn ra ở Linh Sơn thì lại không được xác định qua mốc thời gian cụ thể nào, mà chỉ đơn thuần thông qua các mốc cuộc đời của Tính (ra đời, trưởng thành, cưới vợ, chết). Việc làm đậm trục thời gian của mạch này nhưng lại làm mờ hóa trục thời gian của mạch kia là một dụng ý của Nguyễn Bình Phương. Trước hết, ở phương diện bề mặt, nó tạo ra một lối triển khai tự sự rất lạ, tạo ra một ấn tượng đa chiều ở sự tiếp nhận của người đọc, đó là một cái gì đó vừa rất thực, rất chi tiết lại vừa rất ảo, rất mơ hồ.
Với Trí nhớ suy tàn và Ngồi thì người đọc cũng không còn chờ đợi lối tự sự truyền thống mà ở đó cuộc đời nhân vật được phân định rõ ràng qua các mốc thời gian. Thậm chí đến Ngồi thì cả hai mốc bắt đầu và kết thúc của nhân vật đã hoàn toàn trở nên mơ hồ, khi nhân vật xuất hiện giữa một khung cảnh Giao Chỉ cổ xưa và “biến mất”
trong một thời điểm không xác định. Trong vòng tròn tồn tại ấy của nhân vật, mọi diễn biến, sự kiện diễn ra trong cuộc sống của Khẩn cũng không được thông báo bằng một thời gian xác thực, cả cuộc sống thực tại lẫn thế giới của những giấc mơ, vô thức đều rất mơ hồ.
Như vậy, có thể thấy bản thân trục thời gian sự kiện của Nguyễn Bình Phương ngay từ đầu đã được nhà văn sử dụng biện pháp mờ hóa đầy dụng ý. Thủ pháp này ngay lập tức đã tạo ra một cảm nhận rất trực quan ở người đọc, khiến tiểu thuyết của anh được bao phủ bởi một tấm màn của sự kỳ ảo và huyền hoặc.