Ngôn ngữ mang tính đa tạp, hỗn loạn, đậm sắc thái của ngôn ngữ đời sống

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 76)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1.Ngôn ngữ mang tính đa tạp, hỗn loạn, đậm sắc thái của ngôn ngữ đời sống

sống hiện đại

Một trong những đặc điểm nổi bật của văn học hậu hiện đại đó là sự xóa nhòa ranh giới giữa tính đặc tuyển và tính đại chúng. Điều này đưa ngôn ngữ trần thuật trở nên gần gũi với ngôn ngữ đời sống, không còn là thứ ngôn ngữ quyền uy, cao đạo. Ngôn ngữ đời thường cũng là một đặc điểm nổi bật của tiểu thuyết Việt Nam sau Đổi mới, có thể bắt gặp ở rất nhiều tác phẩm của nhiều nhà văn hiện nay từ Ma Văn Kháng, Chu Lai, Dương Hướng, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập đến Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Thuận, Vũ Đình Giang, Y Ban, Phong Điệp… Thực ra đặc trưng này không

phải là một điều quá mới mẻ, bởi vì từ thế kỷ trước loại ngôn ngữ đời thường, thông tục, đã xâm nhập vào tiểu thuyết điển hình là tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Vũ Trọng Phụng. Sau chiến tranh, ban đầu là một thứ ngôn ngữ đời thường đi vào tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, dần dần hơn cả đời thường là ngôn ngữ thông tục đi vào trong văn chương. Có thể nói “đến sau 1986, đưa ngôn ngữ thông tục vào tiểu thuyết mới trở thành một quan niệm thẩm mỹ” [3, tr.149]. Đặc điểm này phổ biến trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương và nhiều nhà văn mới xuất hiện gần đây.

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương chứa đựng nhiều thái cực: một đằng là những câu chuyện rất thực, rất đời thường mà người đọc có thể bắt gặp bất cứ đâu trong cuộc sống hiện đại, một đằng là những câu chuyện li kì, bí ẩn, hoang đường khó tin; hay bên cạnh thế giới nội tâm đầy chất thơ, trữ tình lại là những mảng cuộc sống trần trụi, tạp nham. Trong tác phẩm của nhà văn này, lớp ngôn ngữ mang tính đa tạp, thông tục thường xuất hiện ở những mảng truyện mang tính hiện thực, trong sự đối lập với thế giới của giấc mơ, của vô thức. Thu hẹp khoảng cách giữa truyện kể và những chuyện của đời sống thực, ở hầu hết các tiểu thuyết của anh, ngôn ngữ trần thuật được đưa đến rất gần với ngôn ngữ nhân vật - với các dạng người trong xã hội. Có thể thấy biểu hiện của loại ngôn ngữ này ở những kiểu phát ngôn trần trụi, không mỹ từ, không gọt dũa của thứ ngôn ngữ “chợ búa”, “vỉa hè”:

Đây là cuộc đối thoại của hai cha con Liêm - Hải trong Những đứa trẻ chết già: “- Mày điên chắc? (…)

- Chẳng điên điếc gì cả. Con muốn tranh thủ xem thế nào (…) - Xem xét cái con cặc tao đây này. Mất thời gian (…)

(…) - Trưa mai mẹ nấu cơm cho con đi rước bà Loan về. Thật chó má.

- Mày bảo gì? (…) Bà đừng có bênh. Thằng chó dái, tôi không thể chịu đựng được thói mất dạy. Tao thì tao nghiền mày ra như cám, hiểu chưa, thằng đĩ đực” ” [31, tr.31-33]

Cách sử dụng từ ngữ này tham gia vào từng cuộc đối thoại của bất kì ai trong cuộc sống của làng Phan, đến mức nó trở thành một “thành phần câu” trong “cú pháp hội thoại” của những con người ở đây:

“- Tiên sư… - Hải cáu, nhổ mạnh nước bọt - Mày bắt tao đợi đến bao giờ, hả con

ranh?” [31, tr.37]

“- Có cái cứt ấy. Trông anh xấu bỏ cha lên được, chúng nó thèm vào (…) - Cỡ thì cỡ chứ, kệ mẹ chúng nó” [31, tr.38]

“- Bịa. Tao bợp tai cho bỏ cha mày bây giờ” [31, tr.61]

“- Mày còn già mồm hử. Tao đã nghe người ta kể chết rồi. Cả con khốn nạn ấy

cũng thú nhận nữa. (…)Tổ sư chúng nó, chết con ông rồi (…) Đánh chết mẹ nó đi” [31,

tr.88-90]

Loại ngôn từ đầy những tiếng tục tĩu, những câu chửi thề này tràn ngập trong

Những đứa trẻ chết già, tạo ra một cảm giác, cuộc sống làng Phan hiện ra chân thực, “thật hơn cả sự thật”, mọi thứ cứ bày ra trước mắt người đọc không một sự sàng lọc, chỉnh sửa.

Không đậm đặc như ở Những đứa trẻ chết già, ở Ngồi, thứ ngôn ngữ thông tục, đời sống này vẫn được sử dụng khá nhiều nhưng với một sắc thái khác - vẽ ra chân dung của đời sống công sở đô thị khác với cuộc sống của một vùng nông thôn nghèo, tăm tối ở trên, và mang đậm sắc thái ngôn ngữ của từng nhân vật. Đó là lối nói ngọng của nhân vật Hùng được tái hiện “trung thực” trên văn bản, vừa có cảm giác chân thực, vừa tạo ra tiếng cười hài hước: “ló bị u lang buồng trứng, chưa biết đưa vào viện lào bây giờ”; “không lom rõ mặt mũi hình dáng, chỉ nhớ náng máng nà quần áo vừa bẩn vừa cũ”; “ló

tế nhị nắm anh ạ”; “nần này nột da mặt nà cái chắc”… Đó còn là kiểu ngôn ngữ mang

tính vỉa hè, đầy những chửi thề và khẩu ngữ như ở Nghĩa - một công chức bất cần đời, ăn chơi sành sỏi, ở Hoàng Lân - một cựu chiến binh bất đắc chí hay ở gã thương binh cùng khu tập thể Khẩn sống. Cùng với lối dẫn trực tiếp lời nhân vật trong lời người kể chuyện, những ngôn ngữ nhân vật trở nên trực quan, sống động như đang đối diện trực tiếp trước mắt độc giả. Đó cũng là một thành công của Nguyễn Bình Phương trong việc tái hiện lại bức tranh đời sống đương đại.

Cùng với việc tái hiện hiện thực qua các mảnh vụn, mảnh vỡ đời sống nên ngôn ngữ trần thuật giờ đây cũng có sự dịch chuyển, từ những ngôn từ gắn liền với “đại tự sự” để phù hợp với các “tiểu tự sự”. Trong Thoạt kỳ thủy, Nguyễn Bình Phương cũng sử dụng phổ biến các lớp từ thông tục, miêu tả, tái hiện những câu chuyện rất đời

thường ở vùng Linh Nham - bối cảnh hoạt động của nhân vật: “Người đàn ông què

chống gậy chui từ bè ra, vạch quần đái. Tiếng nước chạm nhau ồ ồ, dai dẳng, xen lẫn tiếng ho khan” [32, tr.10]; những ngôn từ trần tục, ít khi bắt gặp trong văn chương:

“Không có rượu, cơm cũng thành cứt”, “Thiếu đếch gì, còn khối”, “Phim ảnh gì, xéo”, “Tết đến đít rồi”…

Viết văn với quan niệm “đời sống có những từ nào thì văn học có quyền đưa từ đó vào”, Nguyễn Bình Phương đã mạnh dạn đưa vào tiểu thuyết của mình những ngôn từ đa dạng, phong phú và gắn liền với đời sống thường nhật của xã hội đương đại. Đó cũng là một cách để anh làm mới và kéo gần tiểu thuyết của mình với hiện thực.

Một biểu hiện khác của sắc thái đời sống hiện đại ở ngôn ngữ trần thuật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đó là việc xuất hiện đậm đặc của ngôn ngữ tính dục (ngôn ngữ biểu đạt tính nhục thể). Nếu như trong tiểu thuyết và văn học Việt Nam truyền thống nói chung, viết về tình dục là một vấn đề cấm kị thì trong đời sống văn học đương đại, sex lại là vấn đề nóng hổi và cũng nhận được những luồng ý kiến phản hồi đa chiều từ bạn đọc lẫn giới chuyên môn. Đứng ở góc độ ngôn ngữ, chúng tôi cho rằng, không thể phủ nhận được, chính việc đưa sex và ngôn ngữ miêu tả sex vào tiểu thuyết là một cách làm phong phú ngôn ngữ văn học cũng như phản ánh đầy đủ hơn, toàn diện hơn mọi mặt đời sống của con người trong xã hội đương đại. Điều này chúng ta thấy rõ là thế giới đã đi trước chúng ta một chặng dài. Haruki Murakami là một trường hợp cách đây không lâu đã gây nóng trên văn đàn Việt khi được dịch. Cả Vệ Tuệ, Sơn Táp, Xuân Thụ và dòng văn học Linglei của Trung Quốc thực sự đã có ảnh hưởng tới những cây bút trẻ, đưa đến một quan niệm mới về sex trong giới sáng tác và người tiếp nhận. Tuy nhiên tái hiện sex ở mức độ nào và miêu tả nó với cách thức ra sao trong tác phẩm, điều đó sẽ quy định sự chấp nhận của công chúng. Khảo sát tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương cũng như nhiều nhà văn từ sau đổi mới, có thể thấy hiện tượng sex xuất hiện ngày càng đậm đặc từ những tiểu thuyết từ thời kì đầu đổi mới (Nỗi buồn chiến tranh, Ăn mày dĩ vãng, Bến không chồng) đến nhiều tác phẩm đương đại (Mười lẻ một đêm, Cõi người rung chuông tận thế, Xuân từ chiều, Ngày hoàng đạo…). Hầu hết các tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đều đề cập đến vấn đề này với những mức độ và sắc thái khác nhau: tình dục trong Những đứa trẻ chết già đôi khi mang sắc thái hơi giễu cợt; đến

Người đi vắng tình dục được đẩy lên một mức cao hơn khi được đặt bên cạnh vấn đề tâm linh; tình dục trong Trí nhớ suy tàn thì mang cái vẻ lãng đãng, mơ hồ và thanh khiết như chính dòng kí ức của nhân vật; đến Ngồi thì sex được khám phá ở góc độ như một bản năng thường trực của con người. Với sex Nguyễn Bình Phương đã mạnh dạn đưa vào tiểu thuyết của mình lớp ngôn từ mang tính nhục thể, những ngôn từ miêu tả trực tiếp cơ thể xác thịt và những hành vi sex của nhân vật một cách trực diện, không hề né tránh: “Hai người cởi quần áo lặng lẽ từ tốn, tự nâng niu bản thân mình như đó là chiếc bánh dễ vỡ”[30, tr.63]; “Hoàn co tay vít đầu Thắng xuống ngực mình…”; “Sau gần hai tháng, đêm nay vợ chồng Thắng mới làm tình với nhau cuồng nhiệt rối rít như ngày mới cưới” [30, tr.60]; “Hoàn bị bẻ cong lưng, nửa người trên giường nửa duỗi thẳng ra nền nhà, tóc đổ tràn xuống [30, tr.63]”… Và có lẽ Nguyễn Bình Phương là một

trong số ít nếu không nói là hiếm trong văn học Việt Nam đương đại, để cho nhân vật đối thoại về sex, cảm nhận về sex một cách công khai, không ngại ngùng và đi liền với đó là lớp ngôn ngữ trần tục, như một thứ bản sao của đời sống, không tô vẽ, “thật hơn cả sự thật”.

Như vậy, có thể thấy, việc sử dụng ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ bình dân không phải là mới trong văn học Việt Nam, tuy nhiên đến tiểu thuyết đương đại, trong đó điển hình là tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, thứ ngôn ngữ này lại được đẩy đến một cấp độ cao hơn: được bình dân hóa, đại chúng hóa một cách tuyệt đối, mang hình hài của chính cuộc sống đương đại với tất cả dáng vẻ xù xì, thô ráp, tạp nham, trần tục… Không thể phủ nhận rằng, kiểu ngôn ngữ này là một trong những phương diện tạo ra nét riêng mới mẻ của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, và mặt khác, đưa tiểu thuyết của anh đến gần với hiện thực hết mức có thể. Tuy vậy, việc sử dụng quá nhiều những ngôn ngữ thông tục lẫn ngôn ngữ tính dục đồng thời khai thác quá sâu, quá táo bạo, phá cách vào những vấn đề này cũng là một lý do khiến việc tiếp nhận của người đọc đối với tiểu thuyết của anh trở nên khó khăn hơn nhất là với người đọc truyền thống. Điều này âu cũng là tất yếu bởi tất cả những gì quá mới mẻ, mang tính chất khai phá đều rất khó có được sự đồng điệu của đông đảo độc giả ngay từ ban đầu. Việc kiên định theo lối viết của mình sẽ khiến tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương không chọn độc giả, mà chính độc

giả sẽ chọn tiểu thuyết của anh một khi mà quan niệm về sex được đặt dưới ánh sáng của một quan niệm thẩm mỹ lành mạnh. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Trang 76)