6. Cấu trúc luận văn
3.2. Giọng điệu trần thuật
Giọng điệu là một trong những phương diện trọng tâm khi nghiên cứu về nghệ thuật tự sự của bất kỳ tác phẩm văn học nào. Về vấn đề giọng điệu, nhiều công trình nghiên cứu đã phân biệt giữa voice và tone, trong đó “Voice được dùng để miêu tả ai là người nói trong trần thuật, Tone được dùng với nghĩa một phẩm chất âm thanh đặc biệt nào đó có liên quan đến những cảm xúc hoặc tình cảm đặc biệt nào đó” [13, tr.47]. Tổng kết về vấn đề nghiên cứu giọng điệu, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cũng nhận định: “Trên thế giới vấn đề giọng điệu khi thì được nghiên cứu nghiêng về khía cạnh giọng nói, âm thanh (voice) (…) khi thì nghiêng về điệu, chủ điệu (tone) (…). Khái niệm tiếng Việt “giọng điệu” hình như bao hàm được một lúc cả hai mặt đó” [3, tr.153]. Như vậy, có thể nói, vấn đề giọng điệu trong một tự sự bao hàm hai khía cạnh: khía cạnh trần thuật cho biết ai là người mang giọng kể; khía cạnh sắc thái thẩm mỹ thể hiện quan điểm
lập trường cũng như thái độ của người kể đối với hiện tượng được miêu tả. Trong luận văn này, chúng tôi đã đề cập đến giọng điệu ở phương diện trần thuật trong các phân tích về người kể chuyện, điểm nhìn trần thuật cùng các kiểu diễn ngôn trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phươg. Và tiếp theo chúng tôi tập trung làm rõ vấn đề giọng điệu trong tác phẩm của anh chủ yếu ở phương diện sắc thái thẩm mỹ.
Xét về phương diện sắc thái thẩm mỹ thì có thể nói rằng giọng điệu trong tiểu thuyết Việt Nam từ giai đoạn 1945-1975 đến những năm gần đây thực sự là một sự thay đổi lớn. Đó là sự chuyển biến từ giọng điệu đơn âm đến đa âm, từ một giọng chủ đạo, thống nhất đến sự đa dạng, phong phú về giọng điệu. Đó là sự chuyển dịch từ tiếng nói mang tính sử thi của cộng đồng mà chủ âm là tiếng nói ngợi ca, tự hào đến tiếng nói mang tính cá nhân trong đời sống thế sự với đủ mọi sắc thái từ hài hước giễu nhại, đến chiêm nghiệm suy tư hay khách quan, sắc lạnh… Như một xu hướng, một khuynh hướng tất yếu, từ Lê Lựu, Dương Hướng, Chu Lai, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh đến Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Thuận… tiểu thuyết đều hướng đến phá vỡ tính đơn âm của tiểu thuyết truyền thống, hướng đến tính đa âm, phức điệu của tiểu thuyết đương đại. Có thể nói, Nguyễn Bình Phương cũng là một minh chứng thể hiện những nỗ lực làm mới nghệ thuật tiểu thuyết đương đại, mà điều này thể hiện rất rõ ở phương diện giọng điệu. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi đã rút ra những giọng điệu cơ bản sau đây: