6. Bố cục của luận văn
4.3.2. Vấn đề gìn giữ văn hóa truyền thống
Văn hóa luôn là yếu tố “động” hay nói khác đi vận động chính là nhân tố quyết định sự tồn vong của một nền văn hóa. Trong lịch sử nhân loại, có lẽ không một nền văn hoá nào lại chưa hề có sự thay đổi, vì không thay đổi sẽ không tồn tại, hơn nữa không thay đổi sẽ không tiến bộ và phát triển Có thể
nói rằng xu hướng biến đổi văn hóa đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra, đó là điều không thể tránh khỏi trong quá trình đô thị hóa, giao lưu và tiếp biến văn hóa như hiện nay.
Công cuộc Đổi mới bắt đầu từ năm 1986 và đặc biệt là từ khi xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh đã tác động rất lớn sinh kế của người Tày thôn Bản Thẩu, giúp cho đời sống của đồng bào ngày một nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực ở chiều cạnh kinh tế thì dường như những yếu tố văn hóa truyền thống của người Tày lại ngày càng mai một, đặc biệt là trong văn hóa vật chất. Nghiên cứu của tôi tại thôn Bản Thẩu đã chỉ ra rằng hiện nay không còn hộ gia đình người Tày nào giữ được bộ trang phục hay cách dựng ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc mình nữa. Những yếu tố văn hóa tinh thần như phong tục, lễ nghi, tín ngưỡng, tri thức dân gian...thì có sự biến đổi chậm hơn. Có nhiều yếu tố tác động đến sự thay đổi trong đời sống văn hóa của người Tày hiện nay, trước hết đó là sự phát triển trong đời sống kinh tế của đồng bào. Bên cạnh nông nghiệp thì sự xuất hiện các nguồn sinh kế mới đã làm cho cơ hội tìm kiếm việc làm của người dân ngày một nhiều (như bốc vác thuê, buôn bán, dịch vụ...), đặc biệt là đội ngũ thanh niên. Trong nhịp sống đó, việc giản tiện hóa các lễ nghi trong cuộc sống là điều tất yếu. Trên nền tảng của kinh tế thị trường, của mạng xã hội thông qua bạn bè, hôn nhân, việc giao lưu văn hóa Tày - Kinh, Tày - Nùng, Tày -Hoa ngày càng được thúc đẩy. Trong quá trình giao lưu ấy, các yếu tố văn hóa vật chất như nhà cửa, trang phục, ăn uống, phương tiện đi lại của người Tày ở thôn Bản Thẩu đang bị “Kinh hóa” khá mạnh mẽ. Sự biến đổi văn hóa của người Tày còn chịu ảnh hưởng của quy luật đào thải và thích nghi. Những yếu tố nào không phù hợp hoặc không có điều kiện phát triển trong bối cảnh mới sẽ bị mất đi và thay vào đó là những yếu tố mới được du nhập.
Biến đổi trong văn hóa của người Tày ở thôn Bản Thẩu, xã Tân Thanh vừa mang những yếu tố tích cực và tiêu cực. Điểm tích cực đó là một số
phong tục, tập quán không còn thích hợp với đời sống hiện nay đã bị loại bỏ (những kiêng kỵ trong sinh đẻ, tục quàn xác chết lâu ngày trong nhà, con dâu không được ăn cơm cùng mâm với bố mẹ chồng...). Tuy nhiên, sự biến đổi này cũng làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống tồn tại lâu đời trong đời sống của người Tày. Đó là sự mai một trong cách ứng xử nhân văn trong gia đình và cộng đồng, những di sản về thơ đám cưới và dân ca cũng đang dần mất đi. Để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Tày ở thôn Bản Thẩu hiện nay, trước hết chúng ta cần tiến hành nghiên cứu có hệ thống những khía cạnh văn hóa ở địa phương và tư liệu hóa nó bằng sách, báo, phim ảnh. Cần xây dựng các chương trình, dự án để phát huy những giá trị văn hóa đó vào thực tiễn đời sống hiện nay. Thường xuyên đánh giá mức độ, xu hướng biến đổi văn hóa của người Tày để có sự điều chỉnh trong chính sách văn hóa tại địa phương, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, hội nhập. Bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển du lịch vùng dân tộc và miền núi theo hướng bền vững.