Trong chăn nuôi

Một phần của tài liệu Biến đổi sinh kế của người Tày ở biên giới tỉnh Lạng Sơn từ đổi mới (1986) đến nay (nghiên cứu trường hợp thôn Bản Thẩu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng sơn (Trang 69)

6. Bố cục của luận văn

3.1.2.Trong chăn nuôi

Thay đổi về giống vật nuôi

Trước đây, việc chăn nuôi trâu, bò là một thế mạnh trong kinh tế của người Tày, gia đình nào ít vốn, không có công trông nom cũng nuôi một vài con để cày kéo. Những gia đình khá giả có thể nuôi hàng chục con để khi cần giải quyết những công việc lớn như làm nhà, cưới xin, tang ma thì có thể bán trâu. Tuy nhiên, hiện nay việc nuôi trâu ở các hộ gia đình người Tày ở thôn Bản Thẩu, xã Tân Thanh rất ít do hạn chế về bãi chăn thả như đồi, rừng vì Bản Thẩu là một trong hai thôn (cùng với thôn Nà Lầu) thuộc xã Tân Thanh bị thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh. Hơn nữa, do kinh tế ngày càng phát triển nên các gia đình đều đã sử dụng máy móc trong nông nghiệp như máy cày, máy tuốt lúa giúp cho quá trình sản xuất tiện lợi hơn rất nhiều. Vì thế hầu như hiện nay người Tày ở đây không còn nuôi trâu nữa. Như trường hợp của thôn Bản Thẩu, tính đến tháng 12 năm 2011, trong số 81 hộ người Tày chỉ có 5 con trâu.

So với các gia súc lớn thì gia súc nhỏ và gia cầm như lợn, gà, vịt lại được người Tày ở thôn Bản Thẩu đầu tư nuôi nhiều hơn và chu đáo hơn. Cách thức nuôi cũng mang tính công nghiệp hơn, chuồng trại được làm cao ráo, thoáng mát, thức ăn không còn phụ thuộc vào tự nhiên như trước đây mà chăn nuôi bằng cám công nghiệp kết hợp với một số sản phẩm trồng trọt như bột ngô, bột sắn. Do đó, thời gian chăn nuôi được rút ngắn, lợn, gà, vịt đã trở thành sản phẩm hàng hóa đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình. Trước đây, đồng bào thường nuôi giống lợn nái nhưng do khó nuôi vì phải có đất rộng mới nuôi được nên hiện nay người Tày ở thôn Bản Thẩu đã chuyển sang giống lợn lai kinh tế mua ở thị trấn Na Sầm. Trung bình 1 năm nuôi được 2 lứa lợn, khoảng 6 - 7 tháng cho một lứa. Hàng kỳ, Phòng Thú y của xã vào tuyên truyền cho người dân phòng chống dịch bệnh.

Gà và vịt là những gia cầm được các gia đình người Tày ở đây nuôi phổ biến nhất vì đây là nguồn thực phẩm cung cấp thịt, trứng cho gia đình trong các bữa ăn hàng ngày. Trước đây đồng bào nuôi giống gà ri và vịt đàn nhưng hiện nay để mua giống mới, người Tày ở thôn Bản Thẩu, xã Tân Thanh trực tiếp lên các trại giống ở Lạng Sơn mua. Bên cạnh đó, họ còn mua giống gà, vịt Trung Quốc được người dân bên đó mang qua đường tiểu ngạch vì nếu sang cửa chính thì phải qua trạm kiểm dịch. Qua phỏng vấn được biết, các giống vịt này rẻ hơn và phát triển nhanh hơn so với giống Việt Nam.

Bảng 3.4: Thực trạng chăn nuôi của thôn Bản Thẩu năm 2011

STT Loại con Số lƣợng

(con)

1 Trâu 5

2 Lợn 200

3 Gà, vịt 1.200

(Nguồn: Tài liệu điền dã tháng 2/2011)

Rõ ràng, so với tập quán cổ truyền, tư duy và cách thức chăn nuôi hiện nay của Tày ở thôn Bản Thẩu, xã Tân Thanh đã có sự thay đổi nhiều trên cơ sở gắn với cơ chế thị trường và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, họ đã chuyển đổi giống vật nuôi nhằm thích ứng với điều kiện, nhu cầu của thị trường và tình hình thực tiễn ở địa phương.

Một phần của tài liệu Biến đổi sinh kế của người Tày ở biên giới tỉnh Lạng Sơn từ đổi mới (1986) đến nay (nghiên cứu trường hợp thôn Bản Thẩu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng sơn (Trang 69)