Người Tày ở xã Tân Thanh

Một phần của tài liệu Biến đổi sinh kế của người Tày ở biên giới tỉnh Lạng Sơn từ đổi mới (1986) đến nay (nghiên cứu trường hợp thôn Bản Thẩu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng sơn (Trang 39)

6. Bố cục của luận văn

2.1.4. Người Tày ở xã Tân Thanh

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Tày là một cộng đồng tộc người thuộc khối Bách Việt xưa và tộc danh Tày đã xuất hiện từ rất lâu đời, họ có mối quan hệ gần gũi về nhiều mặt với các dân tộc khác trong nhóm ngôn ngữ Tày - Thái như Nùng, Sán Chay, Bố Y...và ngay cả với người Choang ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong số đó, trước hết phải kể đến mối quan hệ giữa người Tày và người Nùng. Hai dân tộc này thường cư trú xen kẽ với nhau và có không ít nét tương đồng kể cả trong hoạt động kinh tế, tổ chức xã hội cũng như trong đời sống văn hóa tinh thần, trong nếp sống và phong tục, tập quán.

Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, người Tày ở Việt Nam có 1.626.392 người, là dân tộc có dân số đông thứ 2 tại Việt Nam sau người Kinh. Tại tỉnh Lạng Sơn, người Tày có 259.532 người, chiếm 35,4% dân số

toàn tỉnh. Người Tày ở Tân Thanh chiếm 43% dân số toàn xã, đứng thứ hai sau người Nùng, cư trú ở hầu khắp các thôn vì vốn là cư dân bản địa có lịch sử lâu đời. Nền kinh tế của đồng bào cơ bản là một nền kinh tế nông nghiệp, nguồn sống chính là trồng trọt và chăn nuôi. Người Tày cũng sống thành làng bản như người Nùng, nhà ở của họ thường bố trí theo lối mật tập, lưng nhà dựa vào núi đồi. Ngôi nhà truyền thống của người Tày ở Tân Thanh là nhà sàn nhưng ngày nay do nguồn gỗ ngày càng cạn kiệt, họ đã chuyển sang ở nhà xây. Trang phục cổ truyền của người Tày ở Tân Thanh cũng như người Tày nói chung là mặc áo dài vải chàm, cài cúc bên phải, có thắt lưng và dùng nữ trang bằng bạc. Nhưng do bất tiện trong quá trình lao động sản xuất, hiện nay ở Tân Thanh cũng như cũng như các xã khác trong tỉnh, đồng bào đã mặc quần áo giống người Kinh. Bộ trang phục truyền thống chỉ được mặc vào những dịp lễ hội, văn nghệ và được các Bà Then mặc khi đi hành nghề.

Người Tày ăn cơm. Lương thực gồm có gạo nếp, gạo tẻ, ngô, khoai, sắn...Thực phẩm dùng trong bữa ăn hàng ngày chủ yếu là rau xanh tự trồng hay thu hái trên rừng và món ăn thường xào nhiều mỡ. Người phụ nữ Tày ở Tân Thanh rất đảm đang trong công việc nội trợ, họ biết làm nhiều loại bánh như bánh chưng Tày, bánh gio, bánh dợm, bánh ngải...Trong sinh hoạt hàng ngày cũng như vào dịp lễ tết, đồng bào thường uống rượu. Rượu của người Tày ở Tân Thanh được nấu từ gạo, sắn, ngô. Họ tự làm men bằng lá cây rừng nên gọi là men lá. Hiện nay, men lá ít được sử dụng mà chủ yếu dùng men mua tại chợ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Từ xa xưa, tín ngưỡng của người Tày là thờ đa thần, được xây dựng trên quan niệm “vạn vật hữu linh”, người sống thì có “khoăn” (hồn), khi chết thì thành “phi” (ma quỷ). Đồng bào Tày còn phân biệt 2 loại “phi” như “phi lành” và “phi dữ”. “Phi lành” gồm có “phi tổ tiên”, “phi bếp lửa”, “phi bản làng”. “Phi dữ” tìm đủ mọi cách hại người như “phi rừng”, “phi thuồng luồng”, “phi sấm sét”. Đồng bào chỉ thờ ma lành, tuy nhiên cũng có trường hợp phải cúng ma dữ khi phát hiện ra con ma ấy gây ra ốm đau cho con người.

Thờ cúng tổ tiên là hình thức thờ cúng quan trọng nhất của người Tày ở Tân Thanh. Trong gian thờ, tùy từng nhà có thờ Phật Bà Quan Âm, gia đình nào đặt bàn thờ Phật Bà đều kiêng đồ tạp uế vào nhà như thịt chó, thịt trâu. Những gia đình nào có người đi làm Tào, Mo, Then thì còn thờ thêm tổ sư của nghề cúng bái. Đồng bào Tày ở Tân Thanh còn thờ Bà mụ trong buồng ngủ để bảo vệ trẻ em, thờ Táo quân để làm công việc “quản lý hộ khẩu” trong gia đình. Họ còn thờ thần Thổ địa, thổ công...,đây là những vị thần công cộng có nhiệm vụ bảo vệ bản mường. Miếu thờ những vị này thường là một ngôi nhà nhỏ, sơ sài, bên trong có đặt bát hương trên bệ thờ. Miếu thường được xây dựng ở đầu làng, nơi có nhiều người qua lại. Vào dịp tết Nguyên Đán, các gia đình trong bản thường mang hương, hoa, lễ vật đến cúng thổ thần.

Gia đình của người Tày là gia đình phụ hệ. Vai trò của người bố, người chồng bao giờ cũng là trụ cột của gia đình, quyết định những vấn đề lớn. Cho đến nay, một số quy định khắt khe còn tồn tại trong một số gia đình người Tày ở Tân Thanh như con dâu không được ngồi ngang hàng với bố mẹ chồng, anh chồng. Đồng thời bố chồng và anh chồng tối kỵ chuyện vào buồng của con dâu.

Dòng họ của người Tày ở Tân Thanh chủ yếu là họ Hoàng, Chu, Nông, Lành,...Mỗi thôn, bản bao gồm nhiều dòng họ hợp thành. Những người trong cùng một dòng họ có nơi thờ cúng riêng và có những quy định họp mặt theo định kỳ và họ có mối quan hệ gắn bó với nhau.

Đơn vị cư trú nhỏ nhất của người Tày ở Tân Thanh cũng như các xã khác là thôn, bản, trong đó, trưởng bản hay trưởng thôn có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết các quan hệ xã hội của cộng đồng.

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH LẠNG SƠN

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH HUYỆN VĂN LÃNG

Một phần của tài liệu Biến đổi sinh kế của người Tày ở biên giới tỉnh Lạng Sơn từ đổi mới (1986) đến nay (nghiên cứu trường hợp thôn Bản Thẩu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng sơn (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)