Vài nét về chính sách giáo dục tiểu học của Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xây dựng từ điển học sinh tiểu học (Trang 43)

1.2.1.1. Chính sách giáo dục tiểu học của Việt Nam

Luật Giáo dục (số: 38/2005/QH11) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều điều khoản liên quan đến chính sách khuyến khích các ngành, các cấp cùng chung tay đóng góp vào việc giáo dục các cấp, trong đó có cấp Tiểu học.

Về ngôn ngữ chính thức, Chương 1, Điều 7 quy định: “Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác”.

Về phương pháp giáo dục, Chương 1, Điều 5 quy định: “Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên.”

Về việc phối hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy, Điều 18 chương này quy định rõ: “3. Nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến khoa học giáo dục. Các chủ trương, chính sách về giáo dục phải được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.

Để người học có được năng lực tự học và đúng với chủ trương phối hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy, việc nghiên cứu để hình thành các cơ sở khoa

46

học của việc biên soạn Từ điển giải thích tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học là một việc phù hợp với chính sách giáo dục của nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra ở Chương 2, Mục 2 (giáo dục phổ thông), Điều 27 về Mục tiêu của giáo dục phổ thông quy định cụ thể về mục tiêu của giáo dục tiểu học như sau: “Giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.”

Cụ thể hơn, Điều 28 (Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục phổ thông) quy định: “1. Nội dung giáo dục phổ thông phải bảo đảm tính phổ thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và có hệ thống; gắn với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục ở mỗi cấp học. Giáo dục tiểu học phải bảo đảm cho học sinh có hiểu biết đơn giản,

cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người; có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết ...”. (do chúng tôi nhấn mạnh -HTN)

Như vậy, những yêu cầu được quy định trong các điều luật về nội dung, phương pháp giáo dục cũng chính là những định hướng mà một cuốn từ điển dành cho học sinh cần vươn tới, nhằm đáp ứng mục tiêu là một công cụ đắc lực cho học sinh trong quá trình học tập của các em.

1.2.1.2. Sách giáo khoa Tiểu học

Chương trình Tiểu học ở Việt Nam kéo dài 5 năm. Trong thời gian đó, các em được tiếp xúc với các khái niệm, các kiến thức cơ bản của cuộc sống thông qua các môn học như Tiếng Việt, Toán, Thủ công, Mĩ thuật, Âm nhạc, Tự nhiên và Xã hội (hay Khoa-Sử-Địa ở những năm cuối cấp). Qua các môn học này, vốn từ ngữ được cung cấp dần dần một cách có hệ thống theo mức độ tăng dần, năm sau cao hơn năm trước.

47

Theo tác giả Nguyễn Thị Hạnh [7], các chuyên gia về lĩnh vực đánh giá kết quả học tập của học sinh trên thế giới đã phân chia nhận thức của các em thành 6 cấp độ. 6. Đánh giá 5. Tổng hợp 4. Phân tích 3. Vận dụng 2. Hiểu 1. Biết

Sự phân cấp độ của Bloom

Ở Tiểu học, nội dung đánh giá kết quả học tập của học sinh chủ yếu theo ba cấp độ đầu: biết, hiểuvận dụng do đặc điểm về sự phát triển tư duy và khả năng làm việc của HSTH chỉ mới phát triển đến trình độ này. Theo thang đánh giá đó, trong tài liệu [Nguyễn Thị Hạnh, 2008], tác giả trình bày những yêu cầu về vốn từ học sinh cần đạt được như sau:

Lớp Một: Học sinh cần biết nghĩa khoảng 300-400 từ dùng trong giao tiếp với người trong gia đình, bạn bè, thầy cô giáo. Đó là những từ chỉ người, đồ vật, con vật; những từ chỉ hoạt động, trạng thái; những từ chỉ đặc điểm, tính chất; một số đại từ xưng hô và cặp từ xưng hô.

Lớp Hai: Biết nghĩa của khoảng 300-350 từ mới thuộc các chủ đề bài học theo chương trình và sách giáo khoa; biết nghĩa của một số yếu tố gốc Hán thông dụng để chỉ màu sắc, chỉ thứ tự, chỉ người và vật gần gũi; biết cách giải nghĩa từ bằng mô tả trực tiếp hoặc bằng cách thay thế từ cần giải nghĩa bằng một từ đồng nghĩa quen thuộc

Lớp Ba: Học sinh cần đọc và tập tra cứu một số sách công cụ như: sổ tay chính tả, sổ tay từ ngữ, ngữ pháp dùng cho học sinh tiểu học để phục vụ cho việc học tiếng Việt và các môn học khác; có khoảng 400-450 từ mới thuộc các chủ điểm do chương trình và sách giáo khoa quy định; biết các từ láy, từ ghép và mở rộng vốn từ trên cơ sở tạo từ láy và từ ghép; biết nghĩa của một số

48

yếu tố gốc Hán thông dụng; yếu tố chỉ màu sắc, số đếm, chỉ một số vật gần gũi trong tự nhiên.

Lớp Bốn: Học sinh có khoảng 500-550 từ mới thuộc các chủ đề về nhà trường, về học sinh, về truyền thống dân tộc, về tình cảm và khả năng của con người; biết nghĩa của một số yếu tố gốc Hán và từ Hán-Việt chỉ cảnh vật gần gũi trong tự nhiên, chỉ phẩm chất của con người. Biết cách dùng từ Hán-Việt đã học; nghĩa bóng của một số từ trong văn bản đọc được tạo ra bởi các biện pháp tu từ, so sánh, nhân hóa, ẩn dụ.

Lớp Năm: Học sinh có khoảng 600-650 từ mới thuộc các chủ đề về đất nước và bảo vệ đất nước, về truyền thống dân tộc, về các vấn đề bức xúc được quốc tế quan tâm: bảo vệ văn hóa, bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, bình đẳng và hợp tác giữa các quốc gia và dân tộc; biết nghĩa của một số yếu tố gốc Hán và từ Hán Việt về cảnh vật gần gũi của con người, về một số khái niệm gần gũi. Biết cách dùng từ Hán Việt đã học; biết nghĩa bóng của một số từ trong văn bản nghệ thuật; nghĩa của một số thành ngữ, tục ngữ gần gũi dễ hiểu; nghĩa sắc thái của từ láy gợi hình, gợi âm thanh, gợi tâm trạng.

Như vậy, trong chương trình tiểu học, học sinh được cung cấp các từ ngữ thuộc vốn từ cơ bản, đã có khái niệm về các lớp từ như danh từ, động từ, tính từ, đại từ….Về nghĩa, các em cũng đã biết một từ có thể có nghĩa đen và nghĩa bóng, v.v…Và từ lớp 3, các em được yêu cầu phải tập tra cứu một số loại sách công cụ. Đây là những cơ sở quan trọng định hướng cho việc nghiên cứu xây dựng từ điển giải thích dành cho học sinh ở lứa tuổi này.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xây dựng từ điển học sinh tiểu học (Trang 43)