Trong nông nghiệp

Một phần của tài liệu Hoạt động kinh tế của giai cấp tư sản Việt Nam đầu thế kỉ XX qua dòng báo chí kinh tế Hà Nội (Trang 47)

Trong thành phần giai cấp tư sản Việt Nam, có một số người xuất thân từ tầng lớp địa chủ giàu có, rõ nhất là một số địa chủ Nam Kỳ. Sự đòi hỏi của

một nền nông nghiệp hàng hóa đã khiến họ thay đổi tư duy và cách làm nông nghiệp truyền thống.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, các nhà tư bản Việt Nam đã nhận ra những hạn chế rất lớn của nghề nông trên đất nước ta. Theo các nhà tư sản Việt Nam, muốn có một nền nông nghiệp hiện đại phải hội đủ bốn cái yếu tố: Một là lao động, hai là tư bản, ba là cơ khí, bốn là hỗ trợ. Nhưng những yếu tố ấy ở nước ta đều yếu cả.

Về lao động: nước ta địa lợi tốt, nhân công nhiều – hai cái yếu tố để làm giàu đã có đủ, người lao động lại có tính cần nông, thức khuya dậy sớm, chăm chỉ làm căn, nằng dãi mưa dầu không nài khó nhọc, nhưng “xét ra chỉ dân Bắc kỳ là cái đặc tính ấy còn dư dự, còn ở Nam kỳ, xét về nông lợi là hơn nhất, vì người Nam kỳ thường hay có tính lười biếng, dẫu có nhiều ruộng tốt nhưng không chịu làm, cho nên thu lợi không được mấy”. Cho nên đã bỏ hoài, bỏ phí một mối địa lợi.

Về tư bản: yếu tố tư bản rất mờ nhạt, phần lớn là sở hữu nhỏ, chỉ có một số ít người là có quy mô sở hữu lớn “trừ những nhà đại phú gia không kể, còn nông gia tiếng gọi là thế, nhưng chỉ người một vài mẫu, kẻ năm ba sào, những mùa cày cấy phải đi vay lãi về lấy vốn mà làm, mà trâu bò cũng không có, lại phải đi thuê, đi mượn...”

Về cơ khí: điền khí còn thiếu thốn, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, việc nông hoàn toàn phó mặc cho mệnh trời “đến như hạt giống cũng không biết lựa chọn lấy thứ tốt, thổ chất cũng không biết thay đổi cho thêm mầu, thủy hạn không biết phòng bị, tích trữ không có phương pháp, trăm sự toàn nhở trời cả”.

Về hỗ trợ: hết sức thiếu thốn “phàm các công việc ở trong xã hội, tất phải có đoàn thể để cùng giúp đỡ lẫn nhau thì cơ sở mới được vững bền chắc chắn, nhất là về làm ruộng lại cần phải có cái sức hỗ trợ, nhất là những việc

khai kênh xẻ ngòi, đắp bờ đặt cống...phải hợp sức nhiều nhà điền chủ mới làm được. Nhưng việc công ích ấy còn rất nhiều khuyết điểm” [75]

Một trong những biện pháp được giới tư sản đưa ra để chấn hưng nông nghiệp là cải lương nông giới.

Muốn cải lương nông giới, có những việc cần thi hành ngay, trước hết là phải có nông báonông học.

Nông báo – báo về nông nghiệp là phương tiện hữu hiệu có tác dụng truyền bá khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn cách làm kinh tế nông nghiệp được hiệu quả, truyền bá cho nông dân biết những tiến bộ trong nghề nông ở trên thế giới để có thể cập nhật những cái hay, cái thuận tiện trong khi sản xuất, để định hướng sản xuất, tạo ra những sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, từ đó mới tạo ra thế mạnh cạnh tranh trong nông nghiệp.

Nông học: là một môn học rất rộng bao gồm những khoa học quan hệ đến nghề nông như thực vật học, động vật học, hóa học, vật lý học, thiên văn học, tạo tác học, kinh tế học, toán học...Có nắm vững nông học thì nông nghiệp mới phát triển bền vững. [66]

Trong nông nghiệp, nông cụ nước ta về cơ bản vẫn sử dụng các phương tiện kỹ thuật cổ truyền, thô sơ. Về sức kéo, chủ yếu vẫn sức kéo trâu bò, vì vậy cần chú ý cải thiện chế độ dinh dưỡng trong chăn nuôi trâu bò để đảm bảo cho sản xuất “trong những việc nên thi hành dần dần ta nên kể ngay đến việc lập nơi giồng cỏ cho trâu bò ăn”. Mặt khác muốn cải lương nông giới cần phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng để phục vụ cho nền nông nghiệp mang tính chất hàng hóa. Bên cạnh những cây trồng truyền thống, du nhập nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, lai tạo giống làm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp “Việc đem cây ngoại quốc vào trong nước cũng là một việc quan trọng cho nghề nông”. Lại cần phải biết kết hợp nông nghiệp với kỹ nghệ, làm sao

cho nơi sản xuất gần với nơi chế biến “như là nơi trồng cỏ nuôi bò phải có kỹ nghệ làm bơ sữa; nơi giồng bông, giồng gai phải có nhà máy dệt...”

Những việc về sau sẽ thi hành: nên lập hội nông nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau “ lập ra những hội để bảo trợ nghề làm ruộng, như là hội bảo hiểm khi trâu bò chết dịch, hoặc tương bảo tương trợ trong khi hạn hán, thủy lạo, hội khai khẩn thượng du, hội xuất nhập cảng các đồ nông sản, hội hợp vốn tư cấp nông dân...”

Theo các nhà tư sản Việt Nam, một trong những yếu tố làm cho nông nghiệp nước ta kém phát triển là vì thiếu vốn sản xuất “nghề nông xứ ta sở dĩ không chấn hưng lên được là vì cách sinh hoạt của nông dân quá đỗi ngặt nghèo mà muốn cho có đủ tư bản để kinh doanh nghề nghiệp mình thì tất phải đi vay, mà đi vay lại bị lãi nặng, nên càng ngày càng bị ngặt nghèo thêm” [79]. Vì vậy, để chấn hưng nông nghiệp, nhất thiết phải thành lập nông nghiệp ngân hàng để hỗ trợ vốn cho người nông dân. Và họ đã đi sâu phân tích về khái niệm nông nghiệp ngân hàng.

Nông nghiệp ngân hàng “tức cũng như các ngân hàng khác, tức là cũng góp những cái tư bản linh tinh, vô dụng họp thành cái cự bản để mưu phát triển về đường thực nghiệp và lại để phân phối giúp sức cho những người muốn kinh doanh các nghề mà không đủ vốn. Song nông nghiệp ngân hàng thì chỉ có một cái mục đích là giúp đỡ cho nông dân mà thôi”. Như vậy nông nghiệp ngân hàng lập ra để cho nông dân vay vốn thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, các nhà tư sản Việt Nam thấy rằng muốn cải cách nông giới, cần phải truyền bá và phổ biến kỹ thuật canh nông trong nông dân. Đó là công cụ, thủy lợi.

Về công cụ: mối quan hệ giữa điển khí với nông nghiệp thể hiện ở chỗ “điền khí của ta lợi, tức là nghề nông phố lợi, điền khí của ta kém, tức là nghề nông phố của ta kém. Nghề nông phố của ta có rất lâu mà tiến bộ rất chậm,

dẫu cũng bởi có nhiều lẽ khác, mà điền khí không được lợi cũng là một phần ngăn trở cho nông nghiệp khá to” [74]. Cho nên muốn khoáng trương nông nghiệp, cần thiết phải cải cách điền khí. Bên cạnh những nông cụ thô sơ được nhà nông sử dụng lâu đời như “cầy, bừa, liềm, hái, đòn càn, ống mạ, cùng là cuốc làm bờ, vồ đập đất, dao phát cỏ, vồ tát nước”, đã trang bị cơ khí máu móc hiện đại “nghề nông của ta đã hơi thấy tấn tới, đã có ít nhiều cơ khí như là máy dẫn thủy nhập điền máy tán xương vun ruộng...” [74]

Về công tác thủy lợi: là một trong những vấn đề quan trọng trong ngành nông nghiệp nhưng cũng chưa được chính quyền thực dân thực hiện nhiều, nhân dân thường xuyên bị thiên tai hoành hành, kéo theo đó là bị mất mùa, đói kém. Nhằm mục đích chấn hưng nông nghiệp, đem lại quyền lợi cho người nông dân, giới tư sản Việt Nam yêu cầu chính quyền thuộc địa phải tập trung vào vấn đề trị lũ song Hồng để giúp nông dân thoát khỏi nạ thủy lạo : “Việc trị lụt và giúp người bị lụt [27] , Xin giảm thuế thân cho dân bị lụt [90], Xin đặt một cái chương trình nhất định cho việc trị lụt ở Bắc kỳ, Việc đắp đê với việc cứu dân bị lụt [30] , Xin đặt một cái quỹ riêng để giúp dân bị lụt ...

Phải đặt trong bối cảnh đương thời khi nước ta vẫn đang chìm đắm trong một nền sản xuất tiểu nông với quan hệ sản xuất phong kiến mới thấy hết được những cách làm hết sức tiến bộ của giai cấp tư sản Việt Nam. Họ đã thấy được những hạn chế cố hữu của của một nền nông nghiệp tự cung tự cấp và vạch ra những đường hướng và bước đi cho một nền nông nghiệp hàng hóa. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực tài chính cũng như bị phụ thuộc chặt chẽ vào chính quyền cai trị bản xứ nên những phương pháp tiến bộ này chưa được áp dụng nhiều trong thực tế.

Một phần của tài liệu Hoạt động kinh tế của giai cấp tư sản Việt Nam đầu thế kỉ XX qua dòng báo chí kinh tế Hà Nội (Trang 47)