Thực nghiệp dân báo ra đời là sự hợp sức của ba nhà tư sản dân tộc lớn thời đó là Nguyễn Hữu Thu, Bùi Huy Tín và Bùi Đình Tá. Nguyễn Hữu Thu là một chủ tàu lớn. Năm 1921, ông đã có hơn một chục tàu chở khách chạy trên đường sông và ven biển Bắc Kỳ, sang tận Nam Hải, Bắc Hải, Hương Cảng. Ngoài ra, ông còn bỏ vốn đầu tư vào khai thác mỏ, có mỏ than Mùa xuân ở Quảng Yên. Bùi Huy Tín là một nhà kinh doanh, một chủ thầu có nhiều đồn điền ở Phú Thọ, Thanh Hoá, Quảng Ninh, có nhà in Thực nghiệp ở Hà Nội. Bên cạnh đó còn có sự ủng hộ của Bùi Đình Tá, giám đốc công ty Đông Ích Hội. Một điều đáng lưu ý là cả Nguyễn Hữu Thu và Bùi Huy Tín đều đã từng tham gia hoạt động chính trị, từng giữ các chức vụ trong Hội đồng thành phố Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ, Viện Dân biểu Bắc Kỳ và Viện Dân biểu Trung Kỳ…[3, tr.206].
Được sự cho phép của Toàn quyền Đông Dương, Thực nghiệp dân báo
ra số đầu tiên vào ngày 12-2-1920. Báo ban đầu mỗi tuần ra hai kỳ, sau ra hàng ngày, mỗi số có 4 trang, khổ 61cm x 45,5cm, in tại nhà in riêng của Bùi Huy Tín. Toà soạn đặt ở 43 phố Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bùi Huy Tín đồng thời là chủ nhiệm kiêm quản lý, sau này là Mai Du Lân. Chủ bút là Trần Văn Quang, sau là Bùi Đình Tá. Thực nghiệp dân báo đã tồn tại trong 13 năm với trên 3000 số. Số cuối cùng ra ngày 24-9-1933 rồi đình bản.
Giống như tên gọi của mình, trên Măng-sét của tờ báo có ghi “ Cơ quan hữu ích về đường phổ thông, về việc truyền bá học thuật, tư tưởng và âm tín. về việc nghiên cứu, việc tổ chức mọi việc của vạn gia thực nghiệp”.
Tuy nội dung chính của tờ báo là hô hào thực nghiệp, chấn hưng kinh tế như trong bài Mấy lời thỏ thẻ cùng bạn tri ânđãmói đến:
“ Tâm sự của bản báo là cái gì, tức là cái chủ nghĩa, cái phương châm, cái mục đích của bản báo vậy. Chủ nghĩa của bản báo là thế nào ? Bản báo muốn đem sức mọn giúp quốc dân về đường nông thương kỹ xảo, mong sao cho cái thế giới thực nghiệp của nước nhà nhờ được có thầy hay bạn tốt là nước Đại Pháp dạy bảo giúp dựng cho mà ngày thêm rạng vẻ gấm hoa sán lạn...” [104]
Tuy vậy, nội dung của thực nghiệp cũng không chỉ bó hẹp về đường kinh tế. Trên báo có rất nhiều chuyên mục hết sức phong phú bao gồm: Phần thông tin về thị trường hàng hoá (Thương trường cận tín), tin tức từ nước Pháp (Điện tín tổng thuật), tin tức về Trung Hoa (Tin Trung Hoa), Nhật Bản (Tin Nhật Bản) và các nước khác trên thế giới (Thế giới thực nghiệp). Phần văn học nghệ thuật với các mục “Thi đàn”, “Truyền ảnh tiểu thuyết”...Một chuyên mục chuyên về phụ nữ với tiêu đề “Phụ nữ thời bàn” hay “ Lời đàn bà”. Đặc biệt những vấn đề thời sự về kinh tế, chính trị, văn hoá của Việt Nam cũng như thế giới được đăng tải trên trang nhất với những lời bình luận sâu sắc, đa chiều thể hiện quan điểm, thái độ của tờ báo.
Đội ngũ tác giả của Thực nghiệp dân báo hết sức đa dạng. Trong đó có các nhà tư sản lớn, các Nghị viên Viện dân biểu Bắc Kỳ như Hoàng Quang Hương, Đặng Đình Điền, Trần Văn Quang, Mai Du Lân...., các nhà Nho, các trí thức Tây học như Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Nhượng Tống...