Trong tư tưởng Nho giáo truyền thống, nghề buôn được xếp vào hạng thấp nhất. Như nhà Nho đậu đến Hoàng giáp là Trần Danh Án trong thư gửi cho con đã có lời khuyên: “Người ta nuôi được thân thể, nuôi được vợ con không đến nỗi đói rét khổ sở là phải có phương pháp: đọc sách, thi đỗ, yên
hưởng lộc trời là bậc nhất; cày cấy mà ăn, cần kiệm để lập cơ nghiệp là bậc thứ hai; làm thầy thuốc, thầy cúng, nghề thợ, nghề buôn được người ta nuôi mình là bậc thứ ba”.[3, tr.50]
Nghề buôn không đáng trọng : “Nhất nông vi bản” hoặc “trọng nông, ức thương” vẫn là quan niệm bất di bất dịch. Thậm chí cơ cấu xã hội vẫn còn duy trì trât tự “sĩ, nông, công, thương”. Quan niệm này đã tồn tại trong cấu trúc xã hội, trong tư duy của quốc dân hàng ngàn năm.
Đầu thế kỷ XX, khi đã nhận thức quan niệm cũ kỹ trên là một trong những thế lực cản trở bước tiến của xã hội, các nhà nho cấp tiến và các nhà trí thức Tây học đã khởi xướng phong trào Duy tân rầm rộ từ Nam chí Bắc, phát động đổi mới triệt để về mọi mặt. Không chỉ “khai dân trí, trấn dân khí, hậu dân sinh” mà còn kêu gọi “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích mọi người bước vào công thương nghiệp, dũng cảm kinh doanh, đầu tư cho sản xuất để cạnh tranh với ngoại bang.
Đặc biệt, quan niệm khinh rẻ nghề buôn của người Việt Nam đến giai đoạn này bị đả phá một cách rất mạnh mẽ. Trên Đăng cổ tùng báo số 796 năm 1907, Nghiêm Xuân Quảng khi đó đang là quan Án sát tỉnh Lạng Sơn đã nhận xét về tình trạng lạc hậu của kinh tế nước ta như sau:
“Biết bao nhiêu là đèn, là dầu, là vải, là vóc, là ô, nào giầy, nào bít tất, là đồ văn minh các nước chở vào nước mình; thế mà nước mình không có một cái gì để đổi lại, để thâu cho hết tiền bạc của ta, mang từng xe từng hòm đi. Các ông cũng biết rằng nước ta được bao nhiêu giọt máu bồ hôi, mà để đựng vào cái chén bốn mặt thấm hết đi, thì được bao lâu mà cạn hết.
Chết nổi ! Cả nước không có một cửa hàng nào lớn, một xưởng thợ nào đông, người trong nước thì không có nghề nghiệp gì mà trông cậy được ! Mấy mươi triệu người nhung nhúc mà chỉ khư khư trông nom vào một ít ruộng cũ troèn troèn, mà một người chưa làm, thì mười người đã chực ăn, nhẽ nào đến năm mất mùa mà chẳng chết đói...
Cuối cùng ông cho rằng : “Bây giờ chúng ta cũng đã biết rằng: không dám khinh rẻ sự buôn bán nữa...”
Trong giáo trình Quốc dân độc bản của trường Đông kinh nghĩa thục cũng đã mạnh dạn phê phán: “Phàm những kẻ biết đôi chút từ chương là đã vênh vang tự cho mình là sĩ, không thèm đứng cùng hàng với nông, công, thương, họ cho là hèn hạ, gọi là dân buôn, dân thợ, dân cúng, ngu dốt, thậm chí có kẻ không thèm nói đến vải vóc, thóc gạo nữa”.
Một trong những nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến tư duy kinh tế nói chung và về việc buôn bán nói riêng chính là ảnh hưởng trực tiếp từ nước Pháp. Trong thời gian đầu cai trị, thực dân Pháp thường xuyên tổ chức các đoàn “khảo sát chính trị” từ Đông Dương sang Pháp để học tập. Các đoàn này được tuyển chọn trong số quan lại cấp tỉnh và học sinh trường Hậu bổ. Đến Pháp, họ được đi thăm nhiều nơi nhưng tập trung khảo cứu hai lĩnh vực quan trọng nhất là giáo dục và kinh tế sau đó về nước diễn thuyết về những điều mắt thấy tai nghe. Tri phủ Hoài Dức Trần Tán Bình sau chuyến khảo sát vào tháng 2-1906 đã tổ chức các buổi diển thuyết tại Nam Định và Hà Nội. Qua các bài đăng trên Đăng cổ tùng báo, chúng ta thấy được những nhận thức rất mới của ông về nghề buôn bán:
“Bên Đại Pháp, sự buôn bán không những là đổi chác từ làng nọ sang làng kia mà thôi, lại còn đem đồ đi các nước khác nữa. Khắp các mặt địa cầu, đâu đâu cũng có mặt nhà buôn người Đại Pháp, trên các mặt biển đều chi chít các tàu buôn; nơi này đại công ty, nơi nọ tiểu công ty, như thế làm cho dân nhiều người có việc làm...ở nước Đại Pháp người ta trọng nghề buôn hơn nghề làm quan. Có sự buôn thì người cày ruộng mới có việc, người thợ khéo mấy có công, người tài mấy nghĩ ra máy nọ máy kia; hơi nước điện khí đều do sự buôn bán mà ra cả; vì buôn xe lửa mới chạy vùn vụt; vì buôn tàu bè mới xoáy nước; buôn là cái hồn thiên hạ làm cho các mạch máu thế gian mấy xoay chuyển...” [119]
Khi giai cấp tư sản Việt Nam ra đời thì nghề buôn đã được đặt vào đúng vai trò của nó. Điều này thể hiện rất rõ qua các bài bình luận trên báo chí kinh tế lúc bấy giờ.
Đầu tiên là quan niệm coi trọng sự bình đẳng giữa các nghề như một sự phân công lao động xã hội:
“Trong đời có bốn việc chính là sĩ, nông, công thương; người ta sinh ra ở đời phải mỗi người làm một việc. Nguyên không có nghề nào trọng, nghề nào khinh.... [65]
“Người mà tay cầm cuốn sách, bút cài mái tai cũng không thể hơn được người vai đeo cái cày, tay giắt con trâu là một nhà điền dã, hay chú lái buôn, bác phó thợ, vì người học trò có chức nghiệp của người học trò, người làm ruộng có chức nghiệp của người làm ruộng, người đi buôn có chức nghiệp người đi buôn, người làm thợ có chức nghiệp người làm thợ; không thể phân biệt nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ cổ được [114]. Từ những hạn chế của nền kinh tế tự cung, tự cấp thiếu sự giao thương giữa các vùng:
Nước Việt Nam đất rộng mười ba vạn dặm, dân số hơn hai mươi trăm vạn mà trong số ấy chỉ thi nhau vào nghề làm ruộng không mấy người đi buôn. Vậy thời chắn hẳn thóc rẻ mà dân đói, nơi được mùa thừa thóc bỏ đấy; nơi mất mùa nhịn đói nằm meo, ai mua cho mà ai bán cho, trong nước ấy không thể nào mà khỏi nghèo khổ được.
Chính vì vậy mà cần phải có nghề thương để đem sản vật của mình đi bán nơi khác, đem sản vật nơi khác về trong mình, hàng hóa mới bán được giá cao. Nếu người mình không nắm lấy nghề buôn thì “tất người nước ngoài người ta sẽ thay chân mình vì cái cơ quan môi giới ấy tất thế nào cũng có mà đến khi đã giao cho người ta rồi thời bấy giờ người ta bắt bí mình mua phải chịu, sản vật mình người ra mua rẻ, đồ cần dùng mình người ta bán đắt, thành ra chỉ làm giầu cho người còn mình thời chỉ cạnh tranh nhau trong đầu bờ xó
ruộng, dằng xé nhau từ một nhát cuốc giở đi, còn nói già đến sự giàu mạnh nữa” [95]
Để nền thương mại và công nghệ nước nhà phát triển phải xóa bỏ tư tưởng khoa cử, biết tôn trọng nghề buôn và thương nhân: “Ôi ! Làm một chú lái tuy cái tiếng không được sang bằng một tiếng quan, song chú lái mà biết lái cái giỏi thì cái nguồn lợi giàu thịnh của nước tất ở như những tay chú lái cả” [48]
Có thể nói, tiếp nối tư tưởng của tầng lớp sĩ phu tiến bộ, giai cấp tư sản Việt Nam đã tích cực tuyên truyền thông qua báo chí về những tư duy kinh tế hiện đại. Đây được coi là một bước tiến dài trong tư tưởng kinh tế của Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Từ việc tuyên truyền để thay đổi tư duy, giai cấp tư sản Việt Nam đã sử dụng báo chí như “cẩm nang” để cung cấp những kiến thức và những cách làm mới trong từng ngành kinh tế.
2.2. Hoạt động chấn hƣng thực nghiệp trong từng ngành kinh tế
Trong báo chí kinh tế Việt Nam giai đoạn này, chúng ta thấy lặp đi lặp lại hai chữ “thực nghiệp” và kêu gọi “chấn hưng thực nghiệp”. Giai cấp tư sản Việt Nam họ coi thực nghiệp “là cái nguyên liệu để làm cho thân mình được no ấm, nước mình được giàu có”[84], là thước đo của sự tiến hóa và phát triển của xã hội : “thế giới tiến bộ còn dữ dội, cái phong trào cạnh tranh còn bành trướng đếu đâu đâu, xã hội ta nay đang lúc sinh hoạt còn khiếm khuyết, kinh tế còn ít kém, cái lẽ cố nhiên là phải lấy thực nghiệp làm yếu tố trong sự tiến hóa về vật chất, và trong cuộc sinh hoạt ở đời [84].
Cụ thể hơn, giai cấp tư sản Việt Nam nhận định “sự làm giàu không gì bằng chấn hưng thực nghiệp, thực nghiệp là gì, tức là nông công thương vậy, trong ba nghề cốt yếu ấy, ta phải tìm cách mà khoáng trương”.[83]
2.2.1. Trong nông nghiệp
Trong thành phần giai cấp tư sản Việt Nam, có một số người xuất thân từ tầng lớp địa chủ giàu có, rõ nhất là một số địa chủ Nam Kỳ. Sự đòi hỏi của
một nền nông nghiệp hàng hóa đã khiến họ thay đổi tư duy và cách làm nông nghiệp truyền thống.
Ngay từ đầu thế kỷ XX, các nhà tư bản Việt Nam đã nhận ra những hạn chế rất lớn của nghề nông trên đất nước ta. Theo các nhà tư sản Việt Nam, muốn có một nền nông nghiệp hiện đại phải hội đủ bốn cái yếu tố: Một là lao động, hai là tư bản, ba là cơ khí, bốn là hỗ trợ. Nhưng những yếu tố ấy ở nước ta đều yếu cả.
Về lao động: nước ta địa lợi tốt, nhân công nhiều – hai cái yếu tố để làm giàu đã có đủ, người lao động lại có tính cần nông, thức khuya dậy sớm, chăm chỉ làm căn, nằng dãi mưa dầu không nài khó nhọc, nhưng “xét ra chỉ dân Bắc kỳ là cái đặc tính ấy còn dư dự, còn ở Nam kỳ, xét về nông lợi là hơn nhất, vì người Nam kỳ thường hay có tính lười biếng, dẫu có nhiều ruộng tốt nhưng không chịu làm, cho nên thu lợi không được mấy”. Cho nên đã bỏ hoài, bỏ phí một mối địa lợi.
Về tư bản: yếu tố tư bản rất mờ nhạt, phần lớn là sở hữu nhỏ, chỉ có một số ít người là có quy mô sở hữu lớn “trừ những nhà đại phú gia không kể, còn nông gia tiếng gọi là thế, nhưng chỉ người một vài mẫu, kẻ năm ba sào, những mùa cày cấy phải đi vay lãi về lấy vốn mà làm, mà trâu bò cũng không có, lại phải đi thuê, đi mượn...”
Về cơ khí: điền khí còn thiếu thốn, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, việc nông hoàn toàn phó mặc cho mệnh trời “đến như hạt giống cũng không biết lựa chọn lấy thứ tốt, thổ chất cũng không biết thay đổi cho thêm mầu, thủy hạn không biết phòng bị, tích trữ không có phương pháp, trăm sự toàn nhở trời cả”.
Về hỗ trợ: hết sức thiếu thốn “phàm các công việc ở trong xã hội, tất phải có đoàn thể để cùng giúp đỡ lẫn nhau thì cơ sở mới được vững bền chắc chắn, nhất là về làm ruộng lại cần phải có cái sức hỗ trợ, nhất là những việc
khai kênh xẻ ngòi, đắp bờ đặt cống...phải hợp sức nhiều nhà điền chủ mới làm được. Nhưng việc công ích ấy còn rất nhiều khuyết điểm” [75]
Một trong những biện pháp được giới tư sản đưa ra để chấn hưng nông nghiệp là cải lương nông giới.
Muốn cải lương nông giới, có những việc cần thi hành ngay, trước hết là phải có nông báo và nông học.
Nông báo – báo về nông nghiệp là phương tiện hữu hiệu có tác dụng truyền bá khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn cách làm kinh tế nông nghiệp được hiệu quả, truyền bá cho nông dân biết những tiến bộ trong nghề nông ở trên thế giới để có thể cập nhật những cái hay, cái thuận tiện trong khi sản xuất, để định hướng sản xuất, tạo ra những sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, từ đó mới tạo ra thế mạnh cạnh tranh trong nông nghiệp.
Nông học: là một môn học rất rộng bao gồm những khoa học quan hệ đến nghề nông như thực vật học, động vật học, hóa học, vật lý học, thiên văn học, tạo tác học, kinh tế học, toán học...Có nắm vững nông học thì nông nghiệp mới phát triển bền vững. [66]
Trong nông nghiệp, nông cụ nước ta về cơ bản vẫn sử dụng các phương tiện kỹ thuật cổ truyền, thô sơ. Về sức kéo, chủ yếu vẫn sức kéo trâu bò, vì vậy cần chú ý cải thiện chế độ dinh dưỡng trong chăn nuôi trâu bò để đảm bảo cho sản xuất “trong những việc nên thi hành dần dần ta nên kể ngay đến việc lập nơi giồng cỏ cho trâu bò ăn”. Mặt khác muốn cải lương nông giới cần phải chuyển dịch cơ cấu cây trồng để phục vụ cho nền nông nghiệp mang tính chất hàng hóa. Bên cạnh những cây trồng truyền thống, du nhập nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, lai tạo giống làm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp “Việc đem cây ngoại quốc vào trong nước cũng là một việc quan trọng cho nghề nông”. Lại cần phải biết kết hợp nông nghiệp với kỹ nghệ, làm sao
cho nơi sản xuất gần với nơi chế biến “như là nơi trồng cỏ nuôi bò phải có kỹ nghệ làm bơ sữa; nơi giồng bông, giồng gai phải có nhà máy dệt...”
Những việc về sau sẽ thi hành: nên lập hội nông nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau “ lập ra những hội để bảo trợ nghề làm ruộng, như là hội bảo hiểm khi trâu bò chết dịch, hoặc tương bảo tương trợ trong khi hạn hán, thủy lạo, hội khai khẩn thượng du, hội xuất nhập cảng các đồ nông sản, hội hợp vốn tư cấp nông dân...”
Theo các nhà tư sản Việt Nam, một trong những yếu tố làm cho nông nghiệp nước ta kém phát triển là vì thiếu vốn sản xuất “nghề nông xứ ta sở dĩ không chấn hưng lên được là vì cách sinh hoạt của nông dân quá đỗi ngặt nghèo mà muốn cho có đủ tư bản để kinh doanh nghề nghiệp mình thì tất phải đi vay, mà đi vay lại bị lãi nặng, nên càng ngày càng bị ngặt nghèo thêm” [79]. Vì vậy, để chấn hưng nông nghiệp, nhất thiết phải thành lập nông nghiệp ngân hàng để hỗ trợ vốn cho người nông dân. Và họ đã đi sâu phân tích về khái niệm nông nghiệp ngân hàng.
Nông nghiệp ngân hàng “tức cũng như các ngân hàng khác, tức là cũng góp những cái tư bản linh tinh, vô dụng họp thành cái cự bản để mưu phát triển về đường thực nghiệp và lại để phân phối giúp sức cho những người muốn kinh doanh các nghề mà không đủ vốn. Song nông nghiệp ngân hàng thì chỉ có một cái mục đích là giúp đỡ cho nông dân mà thôi”. Như vậy nông nghiệp ngân hàng lập ra để cho nông dân vay vốn thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, các nhà tư sản Việt Nam thấy rằng muốn cải cách nông giới, cần phải truyền bá và phổ biến kỹ thuật canh nông trong nông dân. Đó là công cụ, thủy lợi.
Về công cụ: mối quan hệ giữa điển khí với nông nghiệp thể hiện ở chỗ “điền khí của ta lợi, tức là nghề nông phố lợi, điền khí của ta kém, tức là nghề nông phố của ta kém. Nghề nông phố của ta có rất lâu mà tiến bộ rất chậm,
dẫu cũng bởi có nhiều lẽ khác, mà điền khí không được lợi cũng là một phần ngăn trở cho nông nghiệp khá to” [74]. Cho nên muốn khoáng trương nông nghiệp, cần thiết phải cải cách điền khí. Bên cạnh những nông cụ thô sơ được nhà nông sử dụng lâu đời như “cầy, bừa, liềm, hái, đòn càn, ống mạ, cùng là cuốc làm bờ, vồ đập đất, dao phát cỏ, vồ tát nước”, đã trang bị cơ khí máu móc hiện đại “nghề nông của ta đã hơi thấy tấn tới, đã có ít nhiều cơ khí như là máy dẫn thủy nhập điền máy tán xương vun ruộng...” [74]