7. Kết cấu của luận văn
3.1. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu
Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa, được Thủ tướng chính phủ Việt Nam công nhận là đô thị loại 1 vào ngày 22 tháng 4 năm 2009.
Thành phố Nha Trang có diện tích khoảng 251 km². Phía Bắc giáp thị xã Ninh Hòa, phía Nam giáp thành phố Cam Ranh, phía Tây giáp huyện Diên Khánh, phía Đông giáp Biển Đông.
Theo điều tra dân số năm 2009 thì dân số toàn thành phố có 392.279 người, trong đó dân số thành thị chiếm 74,6%, dân số nông thôn chiếm 25,4%, nam chiếm 48,5% và nữ chiếm 51,5%. Mật độ dân số trung bình khoảng 1.562 người/km2. Dân cư phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các phường nội thành. Khu vực trung tâm thành phố thuộc các phường Vạn Thắng, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Tân, Phước Tiến, Tân Lập có mật độ dân cư cao với gần 30.000 người/km². Còn một số xã như Vĩnh Lương, Phước Đồng với địa hình chủ yếu là núi cao thì có mật độ dân số thấp, vào khoảng 320-370 người/km2.
Thành phố Nha Trang gồm 27 đơn vị hành chính, gồm có:
19 phường nội thành là: Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Xương Huân, Vạn Thắng, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phương Sơn, Ngọc Hiệp, Phước Hòa, Phước Tân, Phước Tiến, Phước Hải, Lộc Thọ, Tân Lập, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Phước Long và Vĩnh Hòa.
8 xã ngoại thành là: Vĩnh Phương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Lương và Phước Đồng.
Nhìn chung, Nha Trang là thành phố có nền kinh tế tương đối phát triển ở khu vực miền Trung. Năm 2011, GDP bình quân đầu người của thành phố đạt 3.184 USD, tốc độ tăng trưởng GDP tăng bình quân hàng năm từ 13- 14% [47].