7. Bố cục đề tài
2.1.4. Tài nguyên du lịch nhân văn
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tính đến hết năm 2011, thành phố Cẩm Phả có tổng số 22 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 3 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, 3 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng cấp tỉnh và 16 di tích lịch sử - văn hóa chưa được xếp hạng. Trong số này, một số di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng đã được khai thác phục vụ mục đích du lịch.
Các di chỉ khảo cổ
Cẩm Phả là một vùng đất có lịch sử lâu đời, ngay từ thời tiền sử con người đã có mặt và sinh sống ở nơi đây. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử những dấu ấn của người xưa vẫn còn để lại qua các di chỉ khảo cổ học. Đây cũng là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng cho phát triển du lịch.
Theo Tiến sĩ Sử học Hà Hữu Nga, vịnh Hạ Long - Bái Tử Long là một trong những cái nôi của người Việt cổ với ba nền văn hoá tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm, đó là: Văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long. Ngay từ năm 1938, nhà khảo cổ học người Thụy Điển là J.An-đéc-sơn phát hiện lần đầu tiên di chỉ văn hoá Hạ Long trên đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn và từ đó tới nay có 37 di chỉ đồng loại đã được phát hiện trên các đảo và ven bờ Vịnh Hạ Long và khu
vực vịnh Bái Tử Long. Tại các di chỉ hang Bái Tử Long và hang Đông Trong thuộc vịnh Bái Tử Long, các nhà khảo cổ học còn phát hiện được di cốt của người cổ - chủ nhân của nền văn hóa Hạ Long. Hiện nay, trong khu vực vịnh Bái Tử Long còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hoá quan trọng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng như: cụm di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Đình Quan Lạn (di tích cấp quốc gia), cụm di tích chùa Tháp tại xã Thắng lợi, di tích lưu niệm Hồ Chủ Tịch tại đảo Ngọc Vừng, chùa Cái Bầu, nghè Trần Khánh Dư và các di tích lịch sử văn hóa như: hang Quan, hang Soi Nhụ, hang Hà Giắt, hang Nhà Trò, hang Bản Sen, đặc biệt là hệ thống thương cảng cổ Vân Đồn có dấu tích ở hầu hết các vùng biển của huyện Vân Đồn mà tập trung chủ yếu ở xã Quan Lạn và xã Thắng Lợi.
Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đền Cửa Ông
Đền Cửa Ông là di tích cấp quốc gia nằm trên một ngọn đồi cao gần 100 mét ở phường Cửa Ông. Từ thành phố Hạ Long đi theo đường quốc lộ 18 về phía Đông Bắc khoảng 30 km rẽ phải vào khoảng 300 mét là tới đền Cửa Ông. Cửa Ông từ xưa là một bến thuyền cổ nằm trên chỗ thắt của các con đường giao thông thủy bộ quan trọng nối châu thổ sông Hồng với vùng biên cương Đông Bắc nên được xác định là một vị trí chiến lược.
Vào giữa đời Trần, khi thương cảng Vân Đồn trở lên phồn thịnh thì Cửa Ông là một trong những trạm hải quan quan trọng do nhà nước phong kiến Việt Nam lập ra để kiểm soát tàu bè ngoại quốc qua lại. Người được giao trấn giữ khu vực này chính là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Ông là con trai thứ ba của Quốc Công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, là một vị tướng có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp đánh giặc, giữ gìn đất nước, đặc biệt là mảnh đất vùng Đông Bắc của Tổ Quốc. Khi Trần Quốc Tảng mất (năm 1313) nhân dân địa phương lập miếu
thờ, trải qua nhiều lần tu bổ, nhất là từ năm 1994 đến nay, đền Cửa Ông trở thành một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh, lộng lẫy và khang trang.
Để khẳng định giá trị lịch sử văn hóa của di tích đền Cửa Ông, ngày 21 tháng 1 năm 1989, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra Quyết định số 100QĐ/VH xếp hạng đền Cửa Ông là di tích quốc gia.
Khu di tích lịch sử “Nơi mở đầu cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ ngày 12 tháng 11 năm 1936” (Ngã tƣ đƣờng lên mỏ Đèo Nai)
Di tích “Nơi mở đầu cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ ngày 12 tháng 11 năm 1936” nằm tại cổng của công ty vật tư vận tải và xếp dỡ tổng công ty than Việt Nam, cạnh ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai, thuộc phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh, cách thủ đô Hà Nội 195km. Đây là loại hình di tích lịch sử và thuộc loại lưu niệm sự kiện. Là di tích có ý nghĩa, giá trị lịch sử vô cùng to lớn như chính tên gọi của nó. Di tích được gắn liền với sự kiện lịch sử, ghi dấu chiến công và thắng lợi rực rỡ của cả tập thể quần chúng công nhân mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại bọn chủ mỏ thực dân Pháp và bọn tay sai của chúng. Cuộc đấu tranh này đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và do đó có tác dụng thúc đẩy lịch sử phát triển. Di tích có tác dụng giáo dục, tuyên truyền sâu sắc cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau lòng yêu nước, niềm tin về sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của cách mạng Việt Nam, niềm tự hào về tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất và truyền thống vẻ vang của công nhân mỏ. Ngày 05 tháng 11 năm 1997, Bộ Văn hóa Thông tin đã có Quyết định số 3457 - VH/QĐ, xếp hạng khu Di tích “Nơi mở đầu cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ ngày 12 tháng 11 năm 1936” là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cụm Di tích lịch sử cách mạng của Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông
Cụm di tích lịch sử cách mạng Xí nghiệp tuyển than Cửa Ông gồm ba điểm: Nhà sàng Cửa Ông; Cầu Pooc - tích số 1; Hầm chỉ huy và trận địa pháo cao xạ 37 ly của tự vệ xí nghiệp bến Cửa Ông - đơn vị anh hùng.
Bằng những tư liệu, những sự kiện và những hiện vật gốc còn lại minh chứng cho cho chiến công oanh liệt của tự vệ xí nghiệp tuyển than Cửa Ông trong kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc mỹ, đồng thời nhằm giữ lại cho các thế hệ muôn đời sau một dấu ấn lịch sử đáng tự hào trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên đất Cửa Ông và khu mỏ Quảng Ninh, ngày 05 tháng 11 năm 1997, Bộ Văn hóa Thông tin đã có Quyết định số 3457 - VH/QĐ, xếp hạng cụm Di tích của xí nghiệp tuyển than Cửa Ông là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Di tích Hang Núi Đá Chồng
Dãy Núi Đá Chồng thuộc loại đá vôi, nằm cách trung tâm thành phố Cẩm Phả 5km, cạnh quốc lộ 18A. Núi có 17 hang với tổng diện tích khoảng 317.529,36 m2. Trong núi có nhiều hang động vừa đẹp, vừa thuận tiện cho việc lắp đặt thiết bị máy móc, đảm bảo an toàn cho công nhân sản xuất dưới làn bom đạn hủy diệt của giặc Mỹ. Di tích hang Núi Đá Chồng là chứng tích sống động cho tinh thần lao động, sản xuất và chiến đấu kiên cường, anh dũng của cán bộ công nhân nhà máy cơ khí Cẩm Phả. Đây là nơi ghi dấu chặng đường vẻ vang của nhà máy, gắn liền với những thắng lợi oanh liệt của quân và dân vùng mỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, là di tích có giá trị to lớn về nhiều mặt: tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào về truyền thống anh hùng của giai cấp công nhân vùng mỏ trong các thế hệ trẻ; có khả năng phục vụ nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là phục vụ tham quan du lịch. Di tích hang Núi Đá Chồng đã được UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết
định số 413 QĐ - UB, ngày 27 tháng 2 năm 1999 xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Cụm Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Vũng Đục
Cụm Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Vũng Đục là một quần thể di tích bao gồm: Vũng Đục, đền Vũng Đục, động Long Vân, động Thiên Đăng, nằm ở khu vực ranh giới giữa thành phố Cẩm Phả - khu công nghiệp lớn ở vùng Đông Bắc Tổ quốc và vịnh Bái Tử Long xinh đẹp.
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Vũng Đục có ý nghĩa sâu sắc trong phong trào đấu tranh của chính quyền và nhân dân khu mỏ trong thời kỳ chống Pháp và xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử sau này. Sự kiện Vũng Đục năm 1948 là bài học về sự cảnh giác trước kẻ thù của giai cấp công nhân và nhân dân khu mỏ; khẳng định tinh thần “thà đấu tranh chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”; bóc trần được bản chất dã man của bè lũ tay sai và bọn thực dân xâm lược; hun đúc lòng căm thù giặc Pháp đã gieo bao đau thương cho người dân khu mỏ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, qua đó giáo dục truyền thống cho con cháu mai sau.
Với các giá trị về nhiều mặt, Cụm Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Vũng Đục đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 413, ngày 27 tháng 2 năm 1999, xếp hạng là Cụm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Di tích lịch sử văn hóa Lò Giếng Đứng - Mông Dƣơng
Di tích lịch sử văn hóa Lò Giếng Đứng - Mông Dương nằm ở phía bên trái quốc lộ 18 từ Hạ Long đi Móng Cái. Từ thành phố Hạ Long đi theo đường quốc lộ 18, qua trung tâm thị xã Cẩm Phả và thị trấn Cửa Ông là đến di tích.
Lò Giếng Đứng Mông Dương là lò nằm ở độ sâu nhất trong các mỏ than ở Việt Nam. Phương pháp khai thác bằng Lò Giếng Đứng là phương
pháp được áp dụng lần đầu tiên và cũng là duy nhất tại mỏ than Mông Dương.
Toàn bộ hệ thống di tích lịch sử văn hóa Lò Giếng Đứng - Mông Dương được xác định là những di tích nguyên gốc, chưa có sự biến dạng kể từ khi phục hồi và xây dựng năm 1967. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa Lò Giếng Đứng - Mông Dương có tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ là 42.913.070m2, gồm 5 bộ phận cấu thành di tích: khối Giếng đứng chính; khối Giếng đứng phụ; trạm quạt thông gió; kho chứa than; nhà điều hành sản xuất.
Di tích Lịch sử văn hóa Lò Giếng Đứng Mông Dương là sản phẩm của sự phát triển về khoa học công nghệ, là sự kết tinh trí tuệ của biết bao lớp thợ mỏ, thể hiện sự kiên trì, lao động sáng tạo, dù mọi khó khăn thử thách, bị ảnh hưởng của chiến tranh, của thiên tai nhưng thợ mỏ Mông Dương vẫn vượt qua để đưa Lò Giếng Đứng Mông Dương - một lò sâu nhất ở Việt Nam vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Di tích lịch sử văn hóa Lò Giếng Đứng Mông Dương khác hoàn toàn với các di tích lịch sử văn hóa khác bởi nơi đây vẫn đang là một công trường sản xuất, là nơi mà ngày ngày thợ mỏ Mông Dương vẫn đang nỗ lực sản xuất thật nhiều than cho Tổ Quốc, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. Di sản Lò Giếng Đứng Mông Dương cần và nên trở thành nơi tham quan du lịch, nơi tìm hiểu lịch sử về ngành than, về những quá khứ vẻ vang, hào hùng và rất đỗi tự hào của nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.
Di tích lịch sử văn hóa Lò Giếng Đứng Mông Dương đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 4575/QĐ - UBND, ngày 10 tháng 12 năm 2007, công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Lễ hội Đền Cửa Ông
Từ năm 1996, Lễ hội đền Cửa Ông được tổ chức hàng năm, tuy nhiên vào năm chẵn thì Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn hơn những năm lẻ. Thời gian chính thức mở hội vào ngày 3 tháng 2 âm lịch và kéo dài cho đến hết tháng 3, nhưng thông thường từ đêm 30 và sáng mồng Một Tết đã nườm nượp người dân trong vùng và du khách từ khắp mọi miền đến lễ Đền.
Lễ hội đền Cửa Ông mang ý nghĩa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, hướng về cội nguồn; tưởng nhớ và suy tôn Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng cùng những nhân thần có công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ đất nước. Lễ hội đền Cửa Ông là đỉnh điểm tâm thức tín ngưỡng của cả cộng đồng, có giá trị nhân văn sâu sắc và mang nhiều ý nghĩa xã hội.