7. Bố cục đề tài
2.1.2. Đặc điểm lịch sử văn hóa, kinh tế xã hội
2.1.2.1. Lịch sử - văn hóa
Khoảng đầu thế kỷ XIX về trước, Cẩm Phả là một xã thuộc tổng Hà Môn, Châu Tiên Yên. Từ năm 1884, Cẩm Phả nằm trong vùng đất chiếm
đoạt (theo văn tự bán đất của triều đình Huế) của Công ty than Bắc kỳ thuộc Pháp. Đầu thế kỷ XX, Cẩm Phả là một huyện thuộc tổng Hoành Bồ. Năm 1936, chính quyền thực dân phong kiến tách 3 tổng, trong đó có Cẩm Phả. Năm 1940 đổi thành Châu Cẩm Phả, thuộc tỉnh Quảng Yên. Ngày 22 tháng 2 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập khu Hồng Quảng, Cẩm Phả trở thành thị xã Cẩm Phả trực thuộc khu Hồng Quảng. Từ đó, vị trí hành chính của thị xã Cẩm Phả được giữ nguyên cho đến nay.
Hình 1. Bản đồ hành chính thành phố Cẩm Phả (Nguồn Phòng Văn Hóa - Thông tin TP Cẩm Phả)
Trong lịch sử, Cẩm Phả là vùng cửa ngõ hiểm yếu ghi dấu nhiều chiến công giữ nước. Các đoàn thuyền binh xâm lược phương Bắc vào sông Bạch Đằng đều phải qua vùng biển Bái Tử Long - Hạ Long. Nhiều lần các toán giặc cướp tràn qua từ biên giới hoặc từ biển đổ bộ lên đã bị chặn đánh ở nơi
này. Chiến công đánh đuổi giặc của Hoàng Cần và sứ mệnh trấn ải của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng vẫn được truyền tụng như huyền thoại.
Đến thời Pháp xâm lược, giữa năm 1883, quân Pháp đánh chiếm Cẩm Phả, ép triều đình Huế ký văn tự nhượng bán vùng mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả trở thành cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam. Bị bọn thực dân chủ mỏ bóc lột và đàn áp tàn bạo, công nhân mỏ liên tục đấu tranh, đỉnh cao nhất là cuộc đình công của hơn ba vạn thợ mỏ diễn ra vào tháng 11 năm 1936. Ngày 22 tháng 4 năm 1955, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Cửa Ông. Cẩm Phả - Cửa Ông được hoàn toàn giải phóng. Lúc này, Đảng bộ và nhân dân thị xã tiến hành tiếp quản khu mỏ, hàn gắn vết thương sau chiến tranh.
Ngày 5 tháng 8 năm 1964 Cẩm Phả lại phải đối đầu với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ. Trong 8 năm liền, dù khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân thị xã Cẩm Phả vẫn duy trì được sản xuất, ổn định đời sống, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu huy động lực lượng sức người, sức của vì miền Nam ruột thịt.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân thị xã Cẩm Phả đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường của đội ngũ công nhân mỏ, đạt nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cẩm Phả xưa lầm than, tăm tối, nay là vùng sôi nổi các hoạt động văn hóa, thể thao và phát triển giáo dục. Cẩm Phả không chỉ có than như bấy lâu nay người ta vẫn nghĩ, mà thành phố trẻ này còn sở hữu rất nhiều những tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch.
2.1.2.2. Kinh tế - xã hội
Trong những năm gần đây, trước tình hình nền kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng, giá cả thị trường lạm phát, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh, cấp ủy, chính quyền và người dân Cẩm Phả đã nỗ lực phát huy những lợi thế sẵn có, vượt qua khó khăn thách thức hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn, đặc biệt năm 2012, năm “bản lề” với dấu mốc quan trọng thị xã được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh. Bằng những giải pháp hữu hiệu và thiết thực, Thành phố Cẩm Phả hiện đang là địa phương có số thu chiếm tỷ trọng cao của tỉnh, là một trong 3 địa phương có thể tự cân đối được ngân sách địa phương. Năm 2012, thu ngân sách thành phố được 877,172 tỷ đồng, tăng 16,52% so với cùng kỳ. Trong đó nguồn thu từ hoạt động công nghiệp - xây dựng (khai thác-chế biến than, nhiệt điện, vật liệu xây dựng, chế tạo thiết bị điện, công nghiệp cảng biển, đóng tàu), giữ vai trò chủ đạo, chiếm 68,34%, dịch vụ, thương mại chiếm 30,82%, nông - lâm - thủy sản chiếm 0,84%. Đây là kết quả của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng của địa phương trong thời gian qua. Cẩm Phả hôm nay đang sôi động trong không khí khẩn trương thi công, đẩy nhanh tiến độ của dự án công nghiệp lớn phục vụ sản xuất của nhà máy nhiệt điện Mông Dương I và Mông Dương II. Nhiều dự án công nghiệp lớn phục vụ sản xuất trên địa bàn đã được đưa vào sử dụng: nhà máy xi măng Cẩm Phả, nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả I và II. Trong giai đoạn hiện nay, thành phố đang triển khai quy hoạch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư khai thác có hiệu quả qua cảng, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế cảng biển, công nghiệp sửa chữa, đóng tầu, phục vụ các ngành kinh tế trong tương lai. Bên cạnh sự phát triển của công nghiệp, bức tranh kinh tế của Cẩm Phả đã và đang hình thành đa sắc hơn: du lịch, dịch vụ và thương mại bước đầu đã được quan tâm đầu tư, hệ thống chợ và siêu thị không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân, hệ thống di tích văn
hóa, di tích lịch sử được quan tâm tu bổ, sửa chữa, các lễ hội truyền thống được duy trì và giữ vững. Một trong những thành công quan trọng mà thành phố đã đạt được trong năm 2012 đó là đã triển khai quy hoạch tổng thể di tích lịch sử - văn hóa đền Cửa Ông. Bên cạnh đó, đầu tháng 1 năm 2012, đền thờ liệt sĩ Vũng Đục tại khu di tích Vũng Đục, phường Cẩm Đông đã được khánh thành ngay tại nơi mà các liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống.
Trong năm 2012, thành phố cũng đã tập trung chỉ đạo triển khai các quy hoạch trọng điểm như: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050... Bên cạnh đó, thành phố cũng lựa chọn, xem xét nhiều đơn vị tư vấn nước ngoài triển khai thi công một số dự án trọng điểm: dự án đô thị Hòa Lạc (phường Cẩm Trung), dự án hoàn nguyên môi trường tại khu vực mỏ Khe Sim, mỏ Đèo Nai, mỏ Lộ Trí... Cẩm Phả hôm nay mang dáng dấp của một thành phố công nghiệp - cảng biển hiện đại. Từ những vùng nông thôn đến những khu đô thị mới đều mang một màu sắc tươi sáng. Diện mạo này không chỉ tạo ra sức sống mới cho thành phố trẻ mà còn là chất xúc tác quan trọng thu hút các nhà đầu tư tìm đến.