3. Ý nghĩa của đề tài
3.1. Kết quả thí nghiệm xác định các tính chất của da cá tra
3.1.1. Thành phần hoá học
Thực hiện thí nghiệm theo sơ đồ 2.2 và 2.3 có được kết quả thành phần hoá học cơ bản của da cá tra đã xử lý cơ học như trình bày trong bảng 3.1.
Thành phần hoá học cơ bản của da cá tra có sự khác biệt so với một số loài cá như: cá rô sông Nile (có thành phần hoá học: ẩm, tro, protein, lipit lần lượt là 68,4 %, 6,0 %, 21,6 % và 6,8 % [12]), cá mập tre vằn (có thành phần hoá học: ẩm, tro, protein, lipit lần lượt là 61,96 %, 12,12 %, 24,75 % và 0,19 % [30]). Các loại da cá khác nhau có hàm lượng các thành phần khác nhau do đó ảnh hưởng của nó tới quá trình tách chiết collagen là khác nhau. Như vậy việc xác định hàm lượng các thành phần hoá học của da cá ban đầu giúp hiểu được một số tính chất cơ bản của nó, từ đó định hướng quá trình khử tạp chất cũng như quá trình chiết rút thu hồi collagen.
Bảng 3.1: Thành phần hoá học của da cá tra sau xử lý cơ học
Thành phần hoá học Hàm lượng (%)
Ẩm 67,37 ± 0,7
Tro 0,27 ± 0,1
Protein* 23,07 ± 0,9
Lipit 8,20 ± 0,3
*: Protein chiếm 23,07 %, trong đó bao gồm thành phần collagen chiếm 18,05 % theo khối lượng da cá tươi.
Da cá tra có thành phần protein chiếm 23,07 %, trong đó có bao gồm thành phần collagen có hàm lượng là 18,05 %. Hàm lượng collagen của da cá tra thấp hơn so với da cá bò một gai lưng (có hàm lượng 22,67 g/100 g) [26]. Xác định được hàm lượng collagen ban đầu trong da cá giúp kiểm soát được sự biến đổi của collagen trong công đoạn khử các thành phần tạp chất phi collagen.