9. Cấu trúc của Luận văn
2.3.4. Rào cản về chất lượng nguồn nhân lực
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn nông thôn mới tỷ lệ lao động ở nông thôn được đào tạo từ cấp độ công nhân kỹ thuật đến cao đẳng, đại học chỉ đạt khoảng 16,8%, còn lại 83,2% chưa được qua đào tạo.
Tỷ lệ nông dân qua tập huấn về khuyến nông, lâm, ngư nghiệp chỉ đạt 17,6%. Đối với bộ máy quản lý chỉ có 31% cán bộ cấp thôn, bản, xã có trình độ sơ cấp đến trung cấp và 0,3% có trình độ đại học. Hạn chế về nguồn nhân lực cũng là một rào cản cản trở quá trình tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật và hạn chế nhiều nguồn lực khác trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Tỷ lệ dân số không biết chữ còn khá cao, trong đó vùng Trung du và miền núi phía Bắc có khoảng 12,7% dân số, đặc biệt đối với khu vực nông thôn miền núi là 14,7%, cao nhất cả nước (toàn quốc là 6,5%, trong đó khu vực nông thôn là 8,0%). Vùng Tây Nguyên có 11,73% dân số không biết chữ, khu nông thôn miền núi là 14,5%, cao thứ hai cả nước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 8,4% dân số không biết chữ, khu nông thôn là 9,1%, cao thứ 3
cả nước. Đối tượng không biết chữ chủ yếu rơi vào những người có độ tuổi cao (trên 40 tuổi), một số địa phương có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động (từ 15 trở lên) không biết chữ cao như: Lai Châu - 42,6%, Hà Giang - 34,5%, Điện Biên - 32,4%, Gia Lai - 19,5%, Kon Tum - 15,5%...
Đối với trình độ học vấn của lực lượng lao động trong độ tuổi. Tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 58,6% dân số độ tuổi từ 15 trở lên chỉ có trình độ từ tiểu học trở xuống (10,3% chưa đi học, 22,7% chưa tốt nghiệp tiểu học; 25,6% đã tốt nghiệp tiểu học); 23,1% tốt nghiệp trung học cơ sở và 18,3% tốt nghiệp trung học phổ thông. Vùng Tây Nguyên: 65,5% dân số có độ tuổi từ 15 trở lên chỉ có trình độ từ tiểu học trở xuống (8,9% chưa đi học, 25,7% chưa tốt nghiệp tiểu học; 30,9% đã tốt nghiệp tiểu học; 20,8% tốt nghiệp trung học cơ sở và 13,7% tốt nghiệp trung học phổ thông. Vùng đồng bằng sông Cửu Long: 75,0% dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ từ tiểu học trở xuống (6,6% chưa đi học, 32,8% chưa tốt nghiệp tiểu học; 35,6% đã tốt nghiệp tiểu học); 14,3% tốt nghiệp trung học cơ sở và 10,7% tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong khi đó, toàn quốc là: 5,1% chưa đi học, 22,7% chưa tốt nghiệp tiểu học; 27,6% tốt nghiệp tiểu học; 23,7% tốt nghiệp trung học cơ sở và 20,8% tốt nghiệp trung học phổ thông; khu vực đồng bằng sông Hồng là: 2,2% chưa đi học, 15,8% chưa tốt nghiệp tiểu học; 18,9% tốt nghiệp tiểu học; 33,0% tốt nghiệp trung học cơ sở và 30,1% tốt nghiệp trung học phổ thông.
Trình độ học vấn của nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi nhìn chung thấp, song trình độ học vấn của nguồn nhân lực dân tộc thiểu số lại càng thấp hơn. Ngoài 2 dân tộc Tày và Mường có dân số từ 10 tuổi trở lên không biết đọc biết viết chiếm tỷ lệ thấp (Tày - 5,1%, Mường - 5,5%), các dân tộc thiểu số còn lại tỷ lệ dân số từ 10 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết rất cao: Thái - 18,1%, Khmer - 24,4%, Mông - 54%, các dân tộc thiểu số còn lại là 22,4%. Tỷ lệ này của dân tộc Kinh chỉ có 3,8%.
Đối với học vấn của nguồn nhân lực dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động cũng có diễn biến tương tự. Ngoài 2 dân tộc có tỷ trọng dân số chưa đi học thấp là Mường - 4.3% và Tày - 4,2 %, các dân tộc thiểu số còn lại có tỷ lệ
cao hơn rất nhiều lần so với mặt bằng chung và với dân tộc Kinh (3,2%) như: Thái - 17,8%, Khmer - 23,9%, Mông - 61,4%, các dân tộc thiểu số khác - 23,3%. Nguồn nhân lực chưa tốt nghiệp tiểu học cao (Khmer - 30,0%, Thái - 20,7%...), chủ yếu là tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở (Tày - 57%, Thái 50,8%, Mường - 47,7%, Mông - 21,71%, các dân tộc thiểu số khác - 44,0%); trong khi tỷ trọng có học vấn trung học phổ thông rất thấp (Mường - 8,7%, Thái - 5,3%, Khmer - 2,5%, Mông - 1,4%, các dân tộc thiểu số khác - 5,3%).
Về trình độ được đào tạo, vùng dân tộc và miền núi có 43.766.913 người, chiếm tỷ lệ 86,21% lao động trong độ tuổi chưa được đào tạo. Như vậy số lao động được đào tạo chỉ có 13,79%, trong đó 2,54% được đào tạo với trình độ sơ cấp; 4,8% trình độ trung cấp; 1,43% trình độ cao đẳng và 4,81% trình độ từ đại học trở lên. Nếu theo vùng kinh tế - xã hội thì Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là 2 vùng có tỷ lệ lao động trong độ tuổi chưa qua đào tạo cao nhất trong cả nước với tỷ lệ trên 90%. Có 17/51 tỉnh có tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo lên đến trên 90%, trong đó có tỉnh trên 94% như Trà Vinh, Sóc Trăng...
Đối với trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực dân tộc thiểu số cho thấy: tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo cao và rất cao, có đến 98,7% dân số dân tộc Mông chưa qua đào tạo, trong khi đó dân tộc Khmer - 97,7%, Thái - 94,6%, Mường 93,3%, một số dân tộc thiểu số khác - 95,95%. Tỷ trọng dân số đã qua đào tạo ở các bậc sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học thấp, trong đó tốt nghiệp cao đẳng, đại học rất thấp: Thái - 1,6%; Mường 2,0%, Khmer 1,0%; Mông - 0,3%, các dân tộc thiểu số khác cũng chỉ đạt 1,5%. [2;97]