Về tổ chức bộ máy quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.PDF (Trang 52)

Thanh tra, kiểm tra chế độ tài chính – kế toán đối với các đơn vị sự nghiệp có thu

Ngoài nội dung kiểm tra về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng đối với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với các đơn vị sự nghiệp như đã trình bày ở trên, còn cần tập trung thanh tra các nội dung sau: Kiểm tra việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản của nhà nước; xác định thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động kinh doanh dịch vụ; kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ quy định về công tác quản lý tài chính kế toán hiện hành.

2.5. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÔNG NGHỆ

2.5.1. Về tổ chức bộ máy quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ nghệ

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của cơ quan quản lý ngành, trong thời gian qua, nhất là gần đây hoạt động nghiên cứu và triển khai ở nước ta đã có nhiều đổi mới và đã có những đóng góp quan trọng phục vụ sản xuất và đời sống. Tuy nhiên trong hoạt động này cũng còn nhiều vấn đề đáng phải bàn. Thông thường quá trình tổ chức và quản lý một nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai bao gồm bốn giai đoạn: Xây dựng, lựa chọn và xét duyệt nhiệm vụ; tổ chức chỉ đạo thực hiện; đánh giá nghiệm thu kết quả; công bố và ứng dụng kết quả. Tùy thuộc vào mỗi hoạt động nghiên cứu – triển khai, bốn giai đoạn trên có thể không hoàn toàn giống nhau. Dưới đây tác giả xin nêu một số vấn đề liên quan đến từng giai đoạn cụ thể của quá trình này ở nước ta, đặc biệt là đối với các đề tài, dự án..

2.5.1.1. Xây dựng, lựa chọn và xét duyệt nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai.

Đây là giai đoạn hình thành các mục tiêu và nội dung nghiên cứu, xác định được người và cơ quan chủ trì thực hiện, tổ chức xét duyệt đưa thành nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai chính thức ghi vào kế hoạch thực hiện của các đơn vị liên quan. Các công việc chính được tiến hành trong giai đoạn này là: Dự kiến nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai; lựa chọn và phê duyệt nhiệm vụ

nghiên cứu – triển khai; lựa chọn người và cơ quan chủ trì; phê duyệt đề cương chi tiết và bổ nhiệm người, đơn vị chủ trì.

Dự kiến nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai là khâu mở đầu cho quá trình nghiên cứu – triển khai, nó được tập hợp từ bốn nguồn: Do cấp lãnh đạo đề xuất; do cơ quan quản lý khoa học tổng hợp đề xuất; do các cơ sở, địa phương đề xuất; do các doanh nghiệp đặt hàng. Hoạt động nghiên cứu – triển khai có đáp ứng tốt những yêu cầu của thực tiễn hay không chính là do khâu dự kiến nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai có tiến hành tốt và hợp lý hay không. Dự kiến nội dung nhiêm vụ nghiên cứu – triển khai nghèo nàn, không rõ ràng sẽ gây nhiều khó khăn cho quá trình thực hiện và kết quả nghiên cứu đạt được sẽ khó có khả năng ứng dụng vào thực tế.

Lựa chọn và phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai được tiến hành trên nguyên tắc căn cứ vào mục tiêu, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ năm năm và hàng năm, cơ quan quản lý khoa học và công nghệ ở từng cấp thành lập hội đồng tư vấn lựa chọn nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai để xác định những nhiệm vụ cần đưa vào kế hoạch khoa học và công nghệ. Trên cơ sở các ý kiến của hội đồng tư vấn, cơ quan quản lý khoa học và công nghệ lựa chọn các nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai được đa số thành viên hội đồng bỏ phiếu đồng ý, lập thành kế hoạch khoa học và công nghệ trình lãnh đạo phê duyệt.

Việc lựa chọn người và đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai nên thực hiện theo hình thức tuyển chọn chứ không nên thông qua đấu thầu, bởi sau khi tuyển chọn còn có sự liên kết hợp tác giữa các tổ chức và cá nhân nhà khoa học với nhau để cùng thực hiện. Việc lựa chọn này được tiến hành thông qua các hội đồng tuyển chọn do cơ quan quản lý khoa học và công nghệ thành lập. Tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ, có thể đánh giá về tổng chỉ tiêu (cho điểm), sau đó đánh giá xếp loại theo tổng số điểm; hoặc nhận xét chi tiết về từng mặt, rồi đánh giá xếp loại tổng hợp chung.

Việc phê duyệt đề cương chi tiết, bổ nhiệm người và cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai do lãnh đạo cơ quan quản lý khoa học dựa trên những kiến nghị của hội đồng tuyển chọn và có tham khảo ý kiến của cơ quan chủ quản, để ra quyết định.

Giai đoạn xây dựng, lựa chọn và xét duyệt nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai lần đầu tiên đã được Bộ Khoa học và Công nghệ áp dụng trong việc tuyển chọn các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ cấp nhà nước giai đoạn 2001-2005. Đây là một nỗ lực lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ trong công cuộc đổi mới quản lý hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng dân chủ, hiệu quả và phát triển. Qua thực tiễn đợt tuyển chọn này cho thấy các nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai đã tiếp cận sát hơn với những yêu cầu đòi hỏi của thực tế. Việc tuyển chọn đã mở ra cơ hội như nhau cho tất cả các tổ chức và cá nhân các nhà khoa học trong việc tham gia chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước, nó bảo đảm tính công khai, công bằng trong nghiên cứu khoa học. Hình thức này cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trẻ có tài năng nhiều cơ hội được làm chủ trì đề tài, dự án cấp nhà nước và đã thể hiện tính cạnh tranh trong khoa học, đòi hỏi các nhà khoa học phải thường xuyên phấn đấu, học hỏi nâng cao trình độ

Tuy nhiên do việc tuyển chọn mới được thực hiện lần đầu tiên, nên còn bộc lộ một số khiếm khuyết cần được cải tiến, đó là:

- Thành phần hội đồng tư vấn, hội đồng tuyển chọn hầu như chưa có sự tham gia của các nhà doanh nghiệp lớn. Thành viên hội đồng chủ yếu là các nhà khoa học hiện đang làm công tác lãnh đạo, nên không có đủ thời gian tìm hiểu chi tiết những vấn đề mà mình sẽ tham gia xét chọn và có khi không đúng chuyên ngành, do đó việc xác định tên, nội dung đề tài, mục tiêu đề tài và kết quả tuyển chọn chưa hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu bức xúc của thực tế và đôi khi chưa thật chính xác.

- Bảng điểm được xây dựng để xét chọn hồ sơ dự tuyển mặc dù đã tương đối tỉ mỉ song vẫn còn bất cập, như những điểm của thành viên hội đồng cho sai khác nhau quá lớn không bị loại bỏ sẽ dẫn đến không đảm bảo tính khách quan.

- Chưa có sự thống nhất chỉ đạo từ trung ương tới địa phương, cơ sở nên có tình trạng một đề tài khoa học có cùng nội dung, cùng mục đích nhưng lại được thực hiện ở nhiều nơi khác nhau trong cùng một thời gian.

2.5.1.2. Tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai

Việc tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai được thực hiện từ cơ quan quản lý. Nói chung trong thời gian qua, nhiều văn bản

pháp quy về khoa học và công nghệ đã được ban hành và hướng dẫn áp dụng thống nhất, do đó hoạt động nghiên cứu – triển khai đã dần dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, những văn bản quy định về thanh quyết toán kinh phí đề tài còn rất nhiều bất cập, gây nên không ít rắc rối cho các nhà khoa học trong quá trình thực hiện công việc (thường thường thời gian dành cho công việc này chiếm không dưới 35% tổng thời gian thực hiện đề tài). Việc quản lý, kiểm tra định kỳ, kiểm tra bất thường trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai trong những năm qua đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện khá nghiêm túc, có hiệu quả, nhưng đối với cấp sở, cấp ngành thì còn nhiều vấn đề cần phải cải tiến, trong đó đặc biệt là cần tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ quan quản lý khoa học với cơ quan thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai và khâu kiểm tra của cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai cần có trọng tâm trọng điểm, có nội dung rõ ràng và có hiệu quả.

2.5.1.3. Nghiệm thu kết quả.

Đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai và các đánh giá định kỳ là sự nối tiếp của đánh giá đề cương sau khi tác giả đã thực hiện các nhiệm vụ được giao. Mục đích của việc nghiệm thu kết quả là xác định mức độ thực hiện các cam kết và mức độ giải quyết các vấn đề đã được đặt ra từ đề cương ban đầu.

Cách đánh giá nghiệm thu trong thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tốt, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý như:

- Hội đồng nghiệm thu gồm phần lớn các thành viên là cán bộ lãnh đạo, nhiều khi không đúng chuyên ngành hẹp và không có thời gian nghiên cứu kỹ vấn đề, nhiều thành viên hội đồng còn vị nể, do đó kết quả đánh giá nghiệm thu đề tài có khi không hoàn toàn chính xác.

- Trong đánh giá chất lượng chuyên môn của nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai cũng còn nhiều lúng túng, việc xét đoán công sức hao phí của nhà khoa học trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu – triển khai nhiều khi đành dựa vào số trang, số chữ được viết ra.

- Kết quả nghiệm thu mặc dù đã được quy định xếp loại theo các mức độ: Xuất sắc, khá, đạt và không đạt, nhưng trên thực tế, ranh giới giữa các loại không rõ ràng và hầu như các đề tài đều được đánh giá xuất sắc hoặc khá. Cách đánh giá, nghiệm thu như vậy đã tạo ra tâm lý không tốt trong giới khoa

học, không động viên khuyến khích được các nhà khoa học có trình độ, có tinh thần làm việc nghiêm túc và có lòng ham mê khoa học.

2.5.1.4. Công bố và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học

Công bố và ứng dụng kết quả nghiên cứu là thực hiện xã hội hoá kết quả ngghiên cứu – triển khai mà trong đó quan trọng nhất là ứng dụng rộng rãi kết quả nghiên cứu đó vào thực tế sản xuất và đời sống.

Trong những năm qua hoạt động khoa học và công nghệ ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước. Tuy vậy, trên thực tế khoa học và công nghệ chưa thật sự đóng vai trò then chốt trong công cuộc phát triển nền kinh tế quốc đân. Điều này do nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân mang tính quyết định là kết quả nghiên cứu khó ứng dụng được vào thực tế sản xuất và đời sống. Theo tác giả sở dĩ có tình trạng này là do mấy nguyên nhân chính sau:

- Cơ chế chính sách cho việc ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa thỏa đáng. Hiện nay chúng ta chưa có cơ chế ràng buộc về trách nhiệm của các cơ quan trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu để đưa lại hiệu quả kinh tế - xã hội mà chỉ là vận động chung chung, muốn ứng dụng cũng được, không ứng dụng cũng không sao. Không ai bắt lãnh đạo các cơ quan phải ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phải đổi mới công nghệ trong quá trình đầu tư.

- Ngay đối với những người có kết quả nghiên cứu được ứng dụng, người ứng dụng thành công kỹ thuật tiến bộ, sáng kiến cải tiến vào sản xuất thì chế độ đãi ngộ cũng chưa thoả đáng, họ chỉ được thưởng tối đa 30% thu nhập tăng thêm sau thuế do áp dụng công nghệ mới đem lại, và trong thực tế điều này vẫn chưa thực hiện được.

- Đề tài nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi bức xúc của thực tế cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn tới nhiều kết quả nghiên cứu của chúng ta trong thời gian qua chưa đưa được vào ứng dụng trong sản xuất.

- Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là vốn dành cho thử nghiệm kết quả nghiên cứu quá ít, trong khi đó các cơ sở, địa phương lại không muốn dùng công trình sản xuất của mình làm thử nghiệm.

2.5.1.5. Về đánh giá và nghiệm thu kết quả nghiên cứu – triển khai

Thực tiễn quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ nhiều năm qua cho thấy, ở trung ương cũng như các địa phương, hoạt động đánh giá

và nghiệm thu kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nói chung, các kết quả nghiên cứu khoa học nói riêng còn nhiều hạn chế. Những hạn chế này thể hiện rõ nhất ở sự mâu thuẫn giữa kết quả của hoạt động đánh giá với giá trị thực sự của kết quả nghiên cứu. Biểu hiện cụ thể là các kết quả nghiên cứu được xếp loại “xuất sắc” rất nhiều, trong khi chất lượng nghiên cứu, hiệu quả của đề tài, dự án trên thực tế lại rất thấp. Nguyên nhân của những hạn chế trên có thể là:

- Tiêu chí để đánh giá không rõ ràng, thiên về định tính hơn định lượng. - Chất lượng chuyên môn của các hội đồng đánh giá chưa đồng đều, trong một số trường hợp còn thiếu tính khách quan.

- Một số chủ nhiệm đề tài chưa thật sự đi sâu vào những vấn đề về phương pháp luận nghiên cứu khoa học.

- Những quy định về quy trình và thủ tục đánh giá, nghiệm thu còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phù hợp với thực tế.

Quá trình đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học xét dưới góc độ quản lý, liên quan đến 4 nhóm vấn đề: Các tiêu chí đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học; các chuẩn mực đối với chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học; các chuẩn mực về hội đồng đánh giá và các chuẩn mực về quy trình, thủ tục đánh giá. Thực chất 4 nhóm vấn đề này là một trong những nội dung quan trọng của cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học. Do đó, nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý trong đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học cần đặt trong bối cảnh, điều kiện, yêu cầu và nội dung của đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ nói chung.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.PDF (Trang 52)