Nhóm các yếu tố thuộc môi trường ngành có tác động trực tiếp đến việc nhập khẩu và phân phối dầu mỡ nhờn, trong đó các nhân tố nhà cung cấp, sự cạnh tranh và khách hàng là các yếu tố cần được xem xét kỹ lưỡng.
Trước đây, Công ty là một trong hai nhà phân phối chính thức tại miền Bắc Việt Nam của Exxon Mobil – tập đoàn dầu khí quốc gia của Hoa Kỳ - là một trong sáu tập đoàn dầu lớn nhất thế giới với sản lượng dầu thô khai thác lên tới 7 triệu thùng một ngày. Exxon Mobil bắt đầu xâm nhập thị trường miền Bắc Việt Nam từ năm 1995. Trước đây, trong số các hãng dầu nhờn nước ngoài đang có mặt tại thị trường Việt Nam, Exxon Mobil có số lượng nhà phân phối trên cả nước ít nhất (năm nhà phân phối gồm hai tại miền Bắc, một tại miền Trung và hai ở miền Nam) và theo đuổi chính sách phân phối khác biệt hẳn so với các hãng khác. Tại thị trường miền Bắc, Vinantranco là một trong hai nhà phần phối chính thức của hãng và được coi là đối tác chiến lược, tức là không chỉ đơn thuần đóng vai trò phân phối và hưởng các ưu đãi như các hãng khác mà Công ty còn nhận được hỗ trợ đặc biệt từ các chương trình hỗ trợ xúc tiến, hỗ trợ phát triển marketing và đào tạo nhân lực.
Tuy nhiên, ngày 1/10/2009, Total và Exxonmobil kí kết một thỏa thuận theo đó Total sẽ mua lại mảng kinh doanh dầu nhờn và sản phẩm chuyên dụng của Exxonmobil ở Việt Nam (bao gồm cả nhà máy pha trộn dầu nhờn ở tỉnh Đồng Nai, Miền Nam Việt Nam và mạng lưới phân phối dầu nhờn trên cả nước). Việc thay đổi chính sách này đã khiến Công ty không còn là nhà phân phối chính thức của Exxon Mobil cũng như không được nhận những hỗ trợ từ phía hãng này. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nhập khẩu và phân phối dầu nhờn của Vinatranco. Hiện nay, nhà phân phối chủ yếu các sản phẩm dầu mỡ nhờn cho Công ty là các nhà sản xuất Thái Lan bao gồm tập đoàn PTT và Total Thái Lan cùng với tập đoàn CPC của Đài Loan.
Như vậy, việc thay đổi chính sách của nhà sản xuất sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp sản phẩm, qua đó tác động đến hoạt động nhập khẩu và phân phối dầu mỡ nhờn của Công ty.
Sự cạnh tranh đối với Công ty hiện nay có thể chia thành cạnh tranh nội bộ và cạnh tranh từ bên ngoài:
• Cạnh tranh nội bộ
Cạnh tranh nội bộ đầu tiên chính là cạnh tranh giữa các đại lý của Công ty. Tuy Công ty không đặt nhiều đại lý tại một vùng, thường là mỗi vùng chỉ có một đại lý, nhưng không phải không có tình trạng đại lý ở địa phương này sang địa phương khác kinh doanh. Sự cạnh tranh này một mặt thúc đẩy các đại lý nâng cao hiệu quả kinh doanh, qua đó thúc đẩy hoạt động nhập khẩu và phân phối dầu mỡ nhỡn của Công ty, nhưng nếu không có sự điều chỉnh hợp lý sẽ dẫn đến việc các đại lý sử dụng nhiều cách để lôi kéo khách hàng của nhau làm xảy ra xung đột, tác động xấu đến hiệu quả kinh doanh.
Một hình thức cạnh tranh nội bộ khác là cạnh tranh giữa các nhân viên kinh doanh của Công ty. Cũng như cạnh tranh giữa các đại lý, việc cạnh tranh giữa các nhân viên sẽ thúc đẩy việc kinh doanh hiệu quả hơn, tuy nhiên nếu Công ty không có sự thu xếp giải quyết hợp lý sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây mất đoàn kết nội bộ công ty, khiến cho hoạt động kinh doanh dầu mỡ nhờn bị gián đoạn.
• Cạnh tranh từ bên ngoài: đối thủ cạnh tranh của Công ty sẽ là các hãng dầu có mặt trên thị trường miền Bắc Việt Nam cũng như các nhà phân phối của họ trên cùng đoạn thị trường. Các đối thủ này được chia làm hai nhóm, gồm có các hãng dầu nhờn nước ngoài và các hãng dầu nhờn trong nước.
Các hãng dầu nhờn trong nước tại thị trường miền Bắc bao gồm PLC, Vilube, Indo Petro, APP hay Mekong Lube, trong đó PCL là nhãn hiệu mạnh nhất. Mặt khác, các hãng này đều có các nhà phân phối đặt tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là PCL là hãng có hệ thống phân phối khá mạnh do có ưu thế trong hệ thống sẵn có của rất nhiều chi nhánh và công ty của Petrolimex có mặt trên khắp các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, lại chỉ phân phối duy nhất sản phẩm của PLC. Các hãng này chủ yếu tập trung vào sản phẩm cấp chất lượng thấp, giá
rẻ, phù hợp với thị trường nông thôn cũng như các sản phẩm cho xe máy. Tuy nhiên, hiện nay, các hãng này cũng bắt đầu chuyển hướng đến sản phẩm dầu công nghiệp – cũng là sản phẩm trọng tâm của Vinatranco, đặc biệt là PLC. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thị phần của Công ty trong thị trường dầu công nghiệp tại miền Bắc, qua đó, tác động trực tiếp đến lượng sản phẩm này nhập khẩu và phân phối tại thị trường này.
Các hãng dầu nhờn nước ngoài đang chính thức có sản phẩm tại thị trường Việt Nam hầu hết là các hãng lớn – các tập đoàn đa quốc gia có hàng trăm năm kinh nghiệm và là những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới về dầu nhờn như Castrol, BP, Shell, Chevron, Caltex. Do có thế mạnh về tiềm lực tài chính và thương hiệu nổi tiếng, các hãng dầu nhờn này đều tập trung vào nhóm các sản phẩm chất lượng cao có giá cao. Castrol và BP tham gia thị trường Việt Nam từ rất sớm nên sản phẩm của hai hãng này định vị được trong tâm trí của khách hàng về sản phẩm cao cấp và cũng là hai hãng chiếm thị phần cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Các hãng khác như Caltex, Shell tuy thâm nhập thị trường sau nhưng với tiềm lực sẵn có và kinh nghiệm cũng chiếm được một thị phần nhất định. Hầu hết các hãng dầu nhờn nước ngoài tại Việt Nam đều chưa đầu tư nhà máy sản xuất ở cái hai miền Bắc Nam, do đó các hãng có ưu thế cạnh tranh khác nhau ở mỗi vùng thị trường. Caltex có lợi thế ở miền Bắc trong khi Castrol, BP và Shell thì có lợi thế chủ yếu ở miền Nam. Do vậy, bất kỳ thay đổi về chính sách hay cơ cấu của các đối thủ cạnh tranh này cũng sẽ tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh dầu mỡ nhờn, bao gồm nhập khẩu và phân phối sản phẩm, của Công ty.