Sinh sản

Một phần của tài liệu Nghiên cứu công nghệ và xây dựng mô hình ương cá chình (Anguilla spp) lên giống theo phương thức công nghiệp (Trang 33 - 36)

IV. TỔNG QUAN VỀ CÁ CHÌNH VÀ NGHỀ NUÔI CÁ CHÌNH

4.4.5Sinh sản

Cá chình hoa khi sống trong sông hồ tuyến sinh dục chưa phát triển (Rainboth, W.J. 1996). Khi đã trưởng thành nó tập trung xuôi dòng đến các cửa sông tuyến sinh dục mới bắt đầu phát triển. Sau đó ra vùng biển sâu đẻ trứng (Wang 1998). Ở sông Cửu Long thuộc tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc vào tháng 3 – 7 chúng sống trong hang ở các suối thượng nguồn. Đến tháng 10 – 11 khi bắt đầu có gió bắc, chúng di chuyển đến cửa sông, ra biển đẻ trứng (Lý Dục Bồi & Ctv 2008).

Người ta đã phát hiện vị trí bãi đẻ cá chình hoa ở khu vùng biển sâu nằm giữa miền nam Philippine đông Indonesia và Papua New Guinea (Wang 1998). Sau khi đẻ cá bố mẹ đều chết. Trứng trôi theo hải lưu. Cá con mới nở có mầu trắng, yếu ớt hình dạng như cái lá (Hình 3). Khi gặp bờ biển chúng biến thái thành cá chình con, thân ngắn tròn, còn gọi là chình chỉ. Sau đó vào sinh sống hẳn trong nước ngọt.

Ở cửa sông Đại Vũ phía đông Đài Loan vào trước rằm tháng tám phát hiện thấy cá chình con dài cỡ 70 mm. Ở sông Cửu Long thuộc Phúc Kiến tháng 3 – 4 phát hiện thấy cá chình con ở cửa sông. Còn ở đảo Hải Nam cá chình con vào cửa sông từ tháng 2 – 4 (Lý Dục Bồi & Ctv 2008). Người ta cho rằng cá chình hoa còn có bãi đẻ ở đông Madagascar (Bell-Cross et al. 1988; Louette, M. 2004).

Cá chình lá (Leptocephali) của loài A. marmorata hình dạng cũng giống chình lá của các loài cá chình khác (hình 5) và thích ứng với đoạn đường di cư dài. Nó trải qua khoảng 114 – 132 ngày sống trôi nổi cho đến khi tới được các cửa sông (Arai et al. 2002). Một báo cáo từ đảo Reunion ở Ấn Độ Dương (Robinet et al. 2003) xác nhận cá chình giống (elver) loài này đã đi vào sông ở đây có kích thước 80 – 140 mm. Budimawan (1997) cho rằng cá chình giống vào 4 cửa sông ở Thái Bình Dương có kích thước trung bình 40 – 50 mm sau khoảng 73 – 86 ngày sống ở biển.

Sau khi đi vào nước lợ hoặc nước ngọt, cá chình sinh sống ở đó khoảng 8 – 20 năm cho đến khi sinh sản thì di cư ra biển. Cá chình cái 15 tuổi đi ra biển dài 150 cm

nặng 11 kg (Williamson and Boëtius 1993). Loài chình hoa có tuổi thọ khá cao, nó có thể sống đến 40 tuổi (Froese and Pauly 2004).

Hình 5 Cá chình lá (Leptocephali) loài A. australis và loài A. marmorata

(Ảnh Michael Miller)

Cá chình hoa được người Trung Quốc rất ưa chuộng. Họ gọi cá này là chình vua vì kích thước to lớn, rất khỏe. Thời giá năm 1992 tại Hồng Kông cá cỡ 14 kg có giá 1000 USD (Williamson and Boëtius 1993). Ngày nay cá chình hoa tự nhiên được liệt vào danh sách bảo vệ cấp nhà nước nên việc đánh bắt cá chình tự nhiên làm thực phẩm đã bị cấm hoàn toàn ở Trung Quốc. Cũng vì vậy nghề nuôi cá chình hoa ở Trung Quốc khá phát triển. Người ta nhập cá chình giống từ Philippine, Úc, New Zealand về nuôi nhưng không đủ số lượng.

Ở Việt Nam nghề nuôi cá chình hoa mới được khởi động. Người dân chưa quen sử dụng loài đặc sản này nên giá còn thấp khoảng độ 300.000 đồng/kg. Tuy nhiên một số hộ ở đồng bằng sông Cửu Long đã nuôi thử và có lãi. Người dân tự phát mua cá giống từ các tỉnh miền Trung đem về nuôi trong ao sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Cá chình hoa nuôi và khai thác tự nhiên được các đại lý tại

Thành Phố Hồ Chí Minh thu mua và xuất bán qua cửa khẩu Quảng Ninh sang Trung Quốc. Lượng xuất hàng năm ước tính 600 – 700 tấn cá cỡ 1,5 kg trở lên.

Được biết cá chình hoa sau 2 năm nuôi có thể thu được cá thương phẩm 4 – 6 kg (hình 6). Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư thì hiện tại nghề nuôi cá chình phân bố hầu khắp khoảng 18 – 20 tỉnh ở miền Trung và miền Nam nước ta. Riêng các tỉnh miền Trung sản lượng cá chình nuôi ước đạt 25 – 30 tấn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu công nghệ và xây dựng mô hình ương cá chình (Anguilla spp) lên giống theo phương thức công nghiệp (Trang 33 - 36)