4. Các yếu tố vĩ mô tác động đến ngành dược Việt Nam:
4.5. Cam kết WTO trong ngành dược:
Từ 01/01/2007, các doanh nghiệp dược nước ngoài được quyền mở chi nhánh nhưng không được tham gia phân phối trực tiếp tại Việt Nam.
01/01/2008, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (chiếm dưới 51%) được quyền kinh doanh xuất nhập khẩu dược phẩm.
01/01/2009, các doanh nghiệp nước ngoài được quyền kinh doanh (xuất nhập khẩu) trực tiếp dược phẩm ở Việt Nam được quyền bán lại cho các doanh nghiệp trong nước có chức năng phân phối.
Mức thuế áp dụng chung cho dược phẩm sẽ giảm từ 0-0,5% so với mức thuế 0- 10% như trước đây. Sau 5 năm khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, mức thuế sẽ giảm còn 2,5%; mức thuế trung bình đối với mỹ phẩm giảm từ 44% xuống còn 17,9% vào thời điểm Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết.
Việt Nam gia nhập WTO có những ảnh hưởng to lớn đến ngành dược. Bên cạnh những thuận lợi ngành dược phải đối đầu với không ít khó khăn.
# Thuận lợi:
- Môi trường đầu tư:
Việt Nam gia nhập WTO sẽ mang lại cho các ngành kinh tế nói chung và ngành dược nói riêng một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thuận lợi hơn; được tiếp cận với nhiều thị trường lớn, đa dạng với các điều kiện kinh doanh, cạnh tranh công bằng.
- Công nghệ:
Ngành dược Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi trong tiếp cận với các đối tác kinh doanh để hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ do các doanh nghiệp dược nước ngoài được phép mở chi nhánh tại Việt Nam kể từ 01/01/2007.
- Vốn:
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, công nghiệp dược phẩm là một lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng mạnh. Do vậy, ngành dược sẽ đón một lượng vốn đầu tư lớn từ sự gia nhập của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài vào Việt Nam.
- Nguồn nguyên liệu:
90% nguyên liệu của ngành dược được nhập khẩu từ nước ngoài chỉ để sản xuất các loại thuốc thông thường. Do vậy, sự biến động của giá nguyên liệu,
bất ổn về chính trị,…ở nước ngoài sẽ tác động đến giá thuốc, từ đó ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản xuất và khả năng sinh lời của các công ty dược. Do vậy, khi Việt Nam mở cửa, các doanh nghiệp dược phẩm trong nước có cơ hội lựa chọn nguồn nguyên phụ liệu dược với chi phí hợp lý.
# Khó khăn:
- Năng lực cạnh tranh:
Năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam còn thấp, đang ở cấp độ 2,5 – 3 theo cấp độ phân loại ngành dược của WHO. Cấp độ cao nhất theo phân loại này là 4 (Sản xuất được nguyên liệu và phát minh thuốc mới), ngành dược Việt Nam chỉ mới sản xuất được thuốc gốc, xuất khẩu được một số dược phẩm, đa số phải nhập khẩu.
- Các quy định về sở hữu trí tuệ:
Sở hữu trí tuệ cũng là một thách thức cho ngành dược khi Việt Nam gia nhập WTO. Tự do hóa sẽ làm gia tăng các nguy cơ tranh chấp pháp lý về quyền sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài. Khi gia nhập WTO, ngành dược Việt Nam phải cam kết bảo mật dữ liệu thử nghiệm lâm sàng có trong hồ sơ đăng ký của các thuốc mới trong thời hạn 5 năm.
- Vốn:
Tiền thân của các doanh nghiệp dược là các xí nghiệp với quy mô vừa và nhỏ. Khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp này sẽ phải đối đầu với các tập đoàn dược phẩm nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh. Tuy nhiên, trong năm 2006-2007, thị trường chứng khoán phát triển, một số doanh nghiệp dược nội địa đã nắm bắt cơ hội huy động được một lượng vốn lớn từ kênh này để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất.
- Kỹ thuật công nghệ:
Trình độ kỹ thuật công nghệ sản xuất thuốc của Việt Nam còn thấp, vẫn dựa vào bào chế các thuốc gốc là chủ yếu, chưa có khả năng sản xuất thuốc có hàm lượng công nghệ cao. Máy móc thiết bị sản xuất nhiều nguồn gốc, nhiều thế hệ; bên cạnh những dây chuyền, thiết bị mới một số máy móc thiết bị thuộc thế hệ những năm 1960-1970. Thêm vào đó, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) chưa được chú trọng và đầu tư hợp lý.
- Hàng rào thuế quan:
Khi chính thức gia nhập WTO sẽ có 3 dòng thuế mức thuế suất nhập khẩu giảm, mức giảm 5% với thời gian cam kết thực hiện từ 3-5 năm. Do trước và sau khi gia nhập WTO, thuế suất nguyên liệu chủ yếu là 0% nên sẽ không có ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất phải nhập khẩu nguyên liệu tuy nhiên sẽ gây ảnh hưởng lớn tới một số doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu của Việt Nam. Sau khi gia nhập WTO sẽ có 47 dòng thuế có mức thuế xuất thuế nhập khẩu giảm, đó là các dòng thuế hiện có mức thuế nhập khẩu là 10% và 15%, thời gian cam kết thực hiện từ 2-5 năm (trung bình là 3 năm), mức giảm từ 2-7% (trung bình là 3%), một số dòng thuế chính đó là nhóm kháng sinh (18/29 dòng thuế), nhóm vitamin (4/9 dòng thuế). Việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu một số dòng thuế sẽ là thách thức cho các doanh nghiệp sản
xuất dược phẩm trong nước trong việc cạnh tranh với thuốc nhập khẩu từ nước ngoài.