2.2.2.1. Thu thập tài liệu thứ cấp
Đây là các số liệu từ các công trình nghiên cứu trước được lựa chọn sử dụng vào mục đích phân tích, minh họa rõ nét về nội dung nghiên cứu. Nguồn gốc của các tài liệu này đã được chú thích rõ trong phần “Tài liệu tham khảo”.
Nguồn tài liệu này bao gồm:
- Các sách, báo, tạp chí, các văn kiện Nghị quyết, các chương trình nghiên cứu đã được xuất bản, các kết quả nghiên cứu đã công bố của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các tài liệu trên internet...vv.
- Tài liệu, số liệu đã được công bố về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ, các số liệu này thu thập từ Cục Thống kê, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và các Sở, Ban, ngành có liên quan thuộc UBND tỉnh Phú Thọ. Trên cơ sở đó tiến hành tổng hợp các thông tin cần thiết phục vụ cho công tác nghiên cứu.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
2.2.2.2. Thu thập tài liệu sơ cấp (sử dụng phương pháp thang đo Likert)
Số liệu được thu thập trực tiếp từ các cá nhân chủ chốt như tổng giám đốc, giám đốc... của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo phiếu lập sẵn (song ngữ Việt - Anh) gồm những nội dung nghiên cứu đã được xác định thông qua các tiêu chí về lợi thế cạnh tranh của địa bàn, thông tin về môi trường đầu tư, lý do đầu tư vào ngành kinh doanh hiện tại ...vv. (Theo mẫu phiếu điều tra đính kèm).
a. Phương pháp thang đo Likert.
Trong phiếu điều tra, tác giả sử dụng thang đo Likert để đo độ quan trọng hay mức độ hài lòng của người trả lời về vấn đề đặt ra. Thang đo Likert là thang đo nhiều chỉ báo được sử dụng phổ biến nhất trong nghiên cứu khoa học xã hội. Nó được áp dụng cho một hay nhiều chỉ báo có tính đa hướng bao gồm nhiều tập hợp mục hỏi, mỗi tập hợp mục hỏi sẽ phản ánh một yếu tố khái niệm. Thang đo này thường được sử dụng với 5 mức độ khác nhau, ví dụ:
1 2 3 4 5
Rất không đồng ý Không đồng ý Bình thường Đồng ý Rất đồng ý
b. Các bước xây dựng thang đo Likert:
(1) Nhận diện và đặt tên biến muốn đo mức độ đánh giá. (2) Lập ra một danh sách các câu hỏi có tính biểu thị theo mục tiêu nghiên cứu. (3) Xác định số lượng mẫu và đối tượng thu thập thông tin. (4) Kiểm tra toàn bộ các mục hỏi và thông tin đã khai thác từ những người được phỏng vấn. (5) Phân tích từng mục hỏi để tìm ra một tập hợp các mức độ cấu thành một thang đo về biến số mà chúng ta muốn đo lường. (6) Sử dụng thang đo đã xây dựng được trong nghiên cứu.