Cơ sở hình thành đời sống tín ngưỡng tâm linh

Một phần của tài liệu Tổ chức xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo của người Dao ở Bắc Kạn (1986 đến 2010) (Trang 64 - 67)

Tín ngưỡng bao trùm của người Dao là “vạn vật hữu linh” vì người Dao cũng như những tộc người khác từ xa xưa không vượt ra ngoài khuôn khổ của tư duy đa thần, họ không thể giải thích được thế giới bằng tư duy khoa học, cuộc sống của con người bị thiên nhiên chi phối, phải nương dựa vào núi rừng, hang động để tồn tại, trước mọi sự biến đổi của tự nhiên con người lúc đó ngoài việc thích ứng và chế ngự thì không thể hiểu được và cũng không thể giải thích được tại sao lại có những hiện tượng như vậy, nên trong tâm thức của họ đã hình thành quan niệm mọi vật đều có linh hồn, đều có thần làm chủ tức là “vạn vật hữu linh”.

Đồng bào Dao tin rằng tất cả mọi vật đều có linh hồn mà họ gọi là “vần”. Khi thực thể bị chết hay bị huỷ hoại thì hồn biến thành ma mà họ gọi là “miên”. Cho nên, theo quan niệm của đồng bào, bất kì nơi nào trên trái đất này đều cũng có hồn và ma, bởi đồng bào quan niệm rằng thế giới ma quỷ thần thánh và thế giới vật chất mà chúng ta sống kết hợp với nhau thành một khối cũng như từng hồn nằm ngay trong thực thể tồn tại vậy [7,tr.246].

Người Dao chia tất cả ma quỷ thần thánh ra làm hai loại là ma lành và ma dữ. Ma lành bao gồm các ma tổ tiên, ma bếp, ma Bàn Vương, Thần nông, Thổ công thổ địa, Ngọc Hoàng thượng đế... Đây là những ma và thần thánh giáng phúc lành, bảo vệ cuộc sống của con người. Tuy nhiên nếu không cúng bái cẩn thận thì các loại ma, thần thánh ấy cũng có thể quấy rầy, làm cho người ta ốm đau, chết chóc. Còn ma dữ là những loại ma sông, ma suối, ma vất vưởng không có người chăm sóc. Những ma này thường gây tai họa cho con người, làm hại gia súc và mùa màng cho nên cũng phải tổ chức cúng bái

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

cho các loại ma ấy, nhất là khi có tai họa xảy ra như trong thôn, xóm có bệnh dịch, người ốm đau, gia súc chết, mất mùa...

Đồng bào Dao tin rằng con người có 12 hồn, được phân bố trong thân thể của con người như sau:

- Hồn ở đầu gọi là “đào vần” - Hồn ở mắt gọi là “ngạn vần - Hồn ở mũi gọi là “pi vần” - Hồn ở tai gọi là “nhị vần” - Hồn ở miệng gọi là “hấu vần” - Hồn ở ngực gọi là “hiốc vần” - Hồn ở bụng gọi là “tủ vần” - Hồn ở tay gọi là “sláo vần” - Hồn ở chân gọi là “kióoc vần” - Hồn ở lưng gọi là “hiáo vần”

- Hồn ở hậu môn gọi là “thuốt vần” [7,tr.247].

Trong số mười hai hồn đó có một hồn chính quyết định sự sống của con người. Mỗi nhóm Dao đều có quan niệm riêng của mình về hồn chính. Chẳng hạn như nhóm Dao Quần Trắng cho rằng hồn chính là ở mắt, khi người chết thì mắt không nhìn thấy gì nữa; nhóm Dao Đỏ lại cho rằng hồn chính ở đầu, cũng bởi nó ở vị trí cao nhất trong thân thể người ta, nên người Dao rất kỵ việc người lạ xoa đầu trẻ em của họ vì làm như thế có nghĩa là đụng chạm đến hồn chính, rất nguy hiểm cho số phận của đứa trẻ [8,tr.176]. Do tin rằng, hồn là yếu tố quyết định sự sống và mọi hoạt động của con người, nên khi đau ốm là do không có đủ số hồn trong người - hồn đi chơi lạc lối về hoặc bị ma quái bắt giam giữ ở chỗ khác. Do vậy, muốn khỏi ốm phải nhờ thầy bói hoặc thầy cúng để tìm chuộc về. Khi các hồn nhất là hồn chính lìa khỏi xác sẽ làm cho người bị chết thì phải làm ma, làm chay để đưa hồn người chết về quê tổ Dương Châu đại điện đoàn tụ với tổ tiên [7,tr.249].

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Cũng do quan niệm con người có hồn và cho rằng khi người ta ngủ say, hồn tạm thời lìa khỏi thân thể đi chơi làm người ngủ nằm mơ, từ đó đồng bào sinh ra việc đoán mộng, tin vào mộng theo cách đoán ngược lại giấc mơ. Chẳng hạn mộng thấy khóc là sắp có niềm vui, thấy cười vui là sắp có điều buồn, thấy chết sẽ được trường thọ... Bên cạnh đó còn có những mộng mà người Dao cho là do thần thánh báo cho biết. Ví dụ khi mộng thấy lửa cháy là cong việc làm ăn gặp may, phát đạt; thấy mưa lũ là sắp được của rơi... Ngoài ra, người Dao còn tin có sự linh cảm và điềm báo: khi máy môi là sắp được ăn thịt cá, tai trái nóng là người ngoài mong, khi bồn chồn, lo lắng là có điềm dữ...

Do quan niệm người ta có 12 hồn nên khi nhận trẻ con về làm con nuôi, đồng bào thường dùng 12 đồng bạc trắng để biếu bố mẹ đẻ của đứa trẻ, ý nghĩa để trẻ có 12 hồn. Người Dao còn tin có một số người biết phép thuật có thể thả âm binh làm hại người khác. Cách làm phép thuật phổ biến là niệm thần chú vào dấu tay chân của đối phương hoặc vào hòn đá, ngọn cỏ, dây leo trên đường đi để đối phương đi qua chạm vào vật đó sẽ bị phép thuật làm hại.

Bên cạnh những hình thức ma thuật trên, người Dao còn có những ma thuật phòng thủ, dùng phép thuật để hộ thân như niệm thần chú, đeo bùa hộ mệnh... để trừ đuổi hồn xấu, vía độc, tà ma. Đặc biệt là trẻ em thường đeo những chiếc bùa hộ mệnh và những vật kỵ tà ma; những người đi đường xa hoặc hoặc đến các địa phương khác thường mang trong mình những chiếc bùa bằng giấy bản để hộ mệnh.

Mỗi khi làm lễ cúng lớn như đám ma, đám chay, cấp sắc, cúng Bàn Vương... thầy cúng thường phải làm phép, niệm thần chú để đuổi tà ma, đề phòng ma thuật của người khác muốn làm hại gia chủ.

Bên cạnh ma thuật làm hại, đồng bào Dao còn có một loại ma thuật khá phổ biến nữa là ma thuật chữa bệnh. Các thầy cúng thường dùng ma thuật để đuổi ma tà, niệm thần chú để chữa bệnh cho người ốm hoặc để trợ lực cho thuốc thang, có khi thầy lang vừa bốc thuốc, vừa niệm thần chú, có khi thuộc phải cúng trước cho bệnh nhân uống.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Ngoài ra, người Dao còn có một hình thức ma thuật khác là ma thuật tình yêu. Thanh niên nam nữ thường dùng những lời chài hoặc niệm phép vào thức ăn, đồ uống của đối phương để chài người mà mình say mê. Trong đám cưới, cũng có một số nghi lễ có tính chất ma thuật như lễ tơ hồng, lễ hợp cẩn để gắn hồn của hai vợ chồng trẻ lại với nhau hay nghi lễ cô dâu khi bước chân vào nhà chồng phải bước qua chiếc thuyền làm bằng bẹ chuối có cắm hình nhân và qua thau nước đã để sẵn ở cửa, thầy cúng dùng dao chém xuống giữa bước chân của cô dâu ba lần...

Như vậy, có thể thấy ma thuật chỉ là một hình thức mê tín dị đoan phổ biến trong người Dao cũng như trong nhân dân các dân tộc miền núi. Nó đã gây tác hại trong nhiều cộng đồng, thôn xóm, đặc biệt nó làm mất đi sự đoàn kết nội bộ, gây thù hằn giữa các dòng họ, giữa các cá nhân với nhau. Ngày nay được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc vận động đồng bào dân tộc thực hiện nếp sống mới cho phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, ma thuật cũng như nhiều tập tục mê tín dị đoan đang dần mất đi, cùng với đó là việc nâng cao mức sống vật chất và văn hoá của nhân dân.

Một phần của tài liệu Tổ chức xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo của người Dao ở Bắc Kạn (1986 đến 2010) (Trang 64 - 67)