Tên gọi và hình thức tụ cư

Một phần của tài liệu Tổ chức xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo của người Dao ở Bắc Kạn (1986 đến 2010) (Trang 35 - 38)

Người Dao có hai hình thức cư trú chính là cư trú tập trung và cư trú phân tán. Trước đây do cuộc sống du canh du cư, đồng bào Dao thường ở thôn bản cư trú phân tán, mỗi thôn bản có trên dưới mười hộ, hộ nọ cách hộ kia khá xa. Cư trú phân tán như vậy mới thoả mãn được các nhu cầu về canh tác nương, rẫy và phát triển chăn nuôi [12,tr.187]. Vì vậy, hiện nay dù đại bộ phận người Dao Bắc Kạn đã có cuộc sống ổn định song hình thức cư trú này vẫn còn tồn tại trong quá trình tổ chức làng bản.Hình thức cư trú phân tán có nhiều thuận lợi cho việc chăm sóc, và cải tạo ruộng nương, đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là phát triển chăn nuôi, nhưng bên cạnh đó nó cũng gây khó khăn đối với công tác giáo dục và tổ chức các hoạt động văn hoá.

Hiện nay, người Dao đã xuống núi định cư, xây dựng thôn bản cố định, khang trang. Theo đó, kiểu thôn bản cư trú tập trung ra đời. Hình thức cư trú tập trung từ chục đến vài chục nóc nhà, mật độ nhà ở tương đối gần nhau, quây quần thành chòm xóm liên hoàn.

Người Dao Bắc Kạn luôn cư trú theo đơn vị bản, gọi là là láng hoặc lèng - đều có nghĩa là “làng”, nhưng do ảnh hưởng từ tiếng Tày nên trong thực tế nhiều làng Dao ở Bắc Kạn được gọi là bản, chỉ có đôi nơi gọi là xóm. Vì vậy, bản cũng có nghĩa là làng hoặc xóm. Việc gọi địa danh cư trú là bản như Bản Cuôn, Bản Tẩn Lùng là do ảnh hưởng của tiếng Tày trong việc định danh. Làng bản người Dao thường nhỏ và tách biệt. Ở một số nơi, dù cư trú trong cùng một bản với một số dân tộc khác như Tày, Nùng... nhưng họ vẫn có thói quen ở riêng một khu vực của bản ấy.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Cũng như ở nhiều dân tộc khác, mỗi thôn, bản người Dao đều có tên gọi riêng. Tên gọi của từng bản phụ thuộc vào đặc điểm địa lý, có thể tên gọi ấy cũng dựa theo theo tiếng Tày. Chẳng hạn như bản Nà Hin ở xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể có nghĩa là Ruộng Đá; bản Phia Khao ở xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể - làng Đá Trắng; Khuổi Lừa ở xã Phương Thông, huyện Bạch Thông – làng ở cạnh con suối Lừa.

Trong việc tạo lập làng bản, họ đặc biệt chú ý đến hai vấn đề đó là hướng cư trú và nguồn nước. Nguồn nước ở đây phải cơ bản đáp ứng được cả việc tưới tiêu cho đồng ruộng và phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày cho các hộ gia đình. Trung tâm bản thường được bố trí ở nơi hẻo lánh tại những địa hình phức tạp như thung lũng, sườn đồi, chân núi... Vì thế phạm vi bản tương đối rộng so với phạm vi của đa số bản Tày. Điều này không chỉ vì người Dao sống ở vùng sâu mà còn được quy định bởi tập quán canh tác cũng như nhu cầu khai thác các nguồn lợi tự nhiên. Trong mỗi bản thường chỉ có người Dao cùng nhóm sinh tụ với nhau, ít trường hợp sống xen kẽ với người Dao khác nhóm nhưng lại có trường hợp người Dao sống xen kẽ kẽ với người Tày hoặc người Nùng. Ví dụ trong huyện Ba Bể có các bản như Nà Săm (xã Thượng Giáo), Khuổi Tàu (xã Phúc Lộc) [19,tr.231].

Nhà trong bản không làm theo một hướng nhất định, thông thường nhà dựa lưng vào núi. Mỗi thôn bản đều có địa giới riêng và có quyền sở hữu, quản lí, bảo vệ và sử dụng, rừng, ruộng nương, nguồn nước cũng như muông thú, tài nguyên trong phạm vi của mình. Ranh giới giữa các thôn bản thường là đường mòn, khe núi, dòng suối... được dân bản công nhận không theo quy ước không thành văn. Ngoài một số ruộng nương đã có người sở hữu, còn tất cả rừng, núi, sông, suối đều thuộc quyền sở hữu chung của mọi nhà trong bản. Đồng bào hạn chế những người ở nơi khác đến làm ruộng, nương hoặc lấy gỗ ở phạm vi thôn bản mình.

Mỗi thôn bản Dao đều có những nghi lễ chung, những nghi lễ có liên quan đến nghề nông, chăn nuôi, săn bắn. Nhóm Dao Dụ Kùn ở Na Rì có tục

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

thờ thổ công của bản chung trong “Lèng tàn”. Lèng tàn là một chiếc lều tạm đặt ở lưng chừng núi nơi bản đó cư trú, trong lều có đặt bát hương. Việc dựng lèng tàn cũng được các thầy tào xem ngày giờ cẩn thận. Mỗi khi tạo lập thôn bản mới để sinh sống, làm ăn, nhóm Dao Dụ Kùn đều dựng lèng tàn với quan niệm là cầu thần phù hộ độ trì, trông coi cho cuộc sống thôn bản được bình yên. Xuất phát từ mục đích ấy nên lèng tàn thường được dựng trên lưng chừng núi, tại các rừng già nhiều cây to và quay mặt về bản, về phía nhà ở của các hộ gia đình. Tuy nhiên, trước khi chuyển khỏi nơi cư trú cũ họ cũng phải phá bỏ lèng tàn bởi quan niệm không còn người trông coi, thờ cúng nữa thần sẽ đói và theo về bản mới để quấy phá [15,tr.186]. Việc cúng lễ tại lèng tàn do cộng đồng thôn, bản tự quy định và thường được giao cho một người giỏi chữ nghĩa, thạo cúng lễ để trông nom, cai quản, cúng tế.

Do đặc điểm địa hình Bắc Kạn nên đồng bào thường cư trú ở vùng giữa, một bộ phận cư trú ở vùng thấp thuộc các huyện Na Rì, Bạch Thông, Chợ Mới, Chợ Đồn. Hiện nay chỉ còn một số ít khu vực thuộc các huyện Pác Nặm, Ba Bể, Bạch Thông... là có một số thôn bản cư trú tại địa bàn núi cao như Và Nài, Nà Hai (Quảng Khê – Ba Bể), Tẩn Lùng, Lủng Mình (Đồng Phúc – Ba Bể)...

Việc tổ chức làng bản, hình thức tổ chức làng bản theo dòng họ hoặc theo nhóm còn tồn tại khá phổ biến. Chẳng hạn, ngành Thanh Phán - nhóm Dụ Kùn cư trú tại thôn Khuổi Ít, xã Kim Lư, huyện Na Rì; ngành Dao Tiền cư trú tại một số bản như Phiêng Lèng, Cốc Moòng, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn. Về mặt xã hội, dân cư trong bản quần tụ chủ yếu theo một dòng họ hay từ hai đến ba dòng họ. Ví dụ như họ Đặng, họ Triệu hầu hết cư trú tại Bản Cuôn; họ Bàn, họ Triệu cư trú tại Phiêng Lèng, Cốc Moòng... [15,tr.187].

Như vậy, có thể gọi đây là một thói quen từ lâu đời của tất cả các nhóm Dao. Hiện nay rất ít các thôn, bản có nhiều dòng họ, nhiều ngành, nhóm cùng chung sống. Cũng bởi vậy, nên mối quan hệ theo dòng tộc, huyết thống của

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

người Dao trước hết là mối quan hệ cộng đồng theo nhóm, ngành, phong tục... điều này còn phản ánh khá rõ trong một số nhóm Dao khi nghiên cứu đến quan hệ ứng xử làng bản.

Một phần của tài liệu Tổ chức xã hội và tín ngưỡng, tôn giáo của người Dao ở Bắc Kạn (1986 đến 2010) (Trang 35 - 38)