Trong xã hội truyền thống, trong việc cưới hỏi, người Dao cũng có những quy định cụ thể. Trước đây, hôn nhân của người Dao chủ yếu là tảo hôn và mua bán, tuổi kết hôn thường dưới 18 tuổi. Khi gả bán, thịt, rượu, bạc trắng là những vật “thách cưới” để định giá người con gái. Số lượng rượu, thịt, bạc trắng được ghi vào hôn thư rồi cắt đôi, mỗi bên giữ một nửa. Trong lễ cưới, hôn thư được ghép lại và kiểm tra trước mặt hai họ những thứ nhà trai đem đến. Sự thành hôn của đôi trai gái Dao thường do cha mẹ sắp đặt dựa trên cơ sở mệnh hợp nhau của đôi trai gái, mệnh cô dâu hợp với mệnh mọi người trong nhà trai. Khả năng kinh tế gia đình của hai bên cũng có tính quyết định đến sự thành hôn, vì nhà gái muốn có rể giàu, còn nhà trai muốn có con dâu nhiều của hồi môn.
Nhiều đôi trai gái yêu thương nhau mà không lấy được nhau cũng chỉ vì những luật tục quá nặng nề trong việc chọn tuổi, chọn ngày, kiêng kỵ khi đi xem mặt, nhắn tiếng, ăn hỏi. Ví dụ khi xem mặt, nhắn tiếng, ăn hỏi mà gặp rắn, cầy hoặc nghe thấy tiếng hươu, nai kêu là phải quay về hoặc huỷ bỏ, làm nhỡ thời cơ kết hôn của đổi trai gái. Trước đây, đường từ nhà trai đến nhà gái
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
thường rất xa, đoàn đi đưa, đón dâu phải ăn cơm dọc đường. Ngày nay, nhiều khi hai gia đình nhà trai, nhà gái cùng trong một thôn cũng nhất thiết phải ăn bữa cơm dọc đường. Nhiều khi vừa ra khỏi cổng nhà gái hoặc đến cổng nhà trai cũng phải trải lá xuống lề đường ăn bữa cơm phong tục.
Quan hệ hôn nhân được quy định chặt chẽ, những người cùng dòng họ tuyệt đối không được kết hôn với nhau, nếu ai bất chấp những quy định của dòng họ thì phải chịu hình phạt vô cùng nghiêm khắc, hoặc sẽ bị đuổi đi nới khác hoặc sẽ bị dòng họ phạt gấp 3 lần số tiền thách cưới, gọi là tiền “rửa mặt” [13,tr.142]. Do vậy, muốn khỏi sai lầm trong hôn nhân, người Dao quy định phải sau một vòng tên đệm mới được kết hôn với nhau. Hệ thống tên đệm không chỉ là dấu hiệu để anh em họ hàng nhận biết nhau, mà qua đó người ta còn biết đến mức độ và khung thời gian cấm kết hôn trong dòng họ mình.
Đối với người Dao Bắc Kạn không có tục hôn nhân con cô - con cậu; hôn nhân chị - em vợ và hôn nhân anh - em chồng. Có lẽ chính vì thế mà hình thành nên tập quán hôn lễ của đôi trai gái Dao thường do sự sắp đặt của các bậc cha mẹ.
Trong lĩnh vực tang ma, người Dao quan niệm rằng trong con người ai cũng có hồn. Khi người chết, hồn hoá thành ma ở một thế giới khác và cũng như hồn, khi người chết là lìa khỏi cõi trần cũng sang ở một thế giới khác cùng với tổ tiên [8,tr,217]. Xuất phát từ quan niệm về hồn và thể xác đó, người Dao có hai lễ trong đám tang: làm ma chôn cất người chết và làm chay đưa hồn người chết về với tổ tiên.
Khi gia đình có người chết thì con trai cả hoặc con rể đã lấy họ vợ đứng ra làm ma, chủ trì tang lễ. Con gái lấy chồng xa phải về chịu tang và đóng góp tiền của. Dân bản đến viếng có tục lệ giúp gia đình áo tang gạo, rau, củi, gà, rượu và sẵn sàng làm giúp nhiều công việc. Chủ gia đình có tang lạy mỗi người ba lạy để tạ ơn.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Trước giờ đưa người chết ra nghĩa địa, thầy cả làm lễ cúng chia của, chia đất, chia rừng và ruộng nương cho người chết. Giờ khiêng quan tài ra cửa, người Dao quy định kiêng trùng với giờ sinh của con cháu trong nhà. Đa số người Dao không có tục lệ cải táng, không làm cúng cơm 3 ngày, không làm các ngày giỗ 49 ngày, 100 ngày, một năm, ba năm như một số dân tộc khác [8,tr.220].
Người Dao Bắc Kạn cũng có tục để tang cho người chết. Con trai, cháu đích tôn, con rể đã theo họ vợ thì mặc áo tang, đội khăn, mũ tang màu trắng. Đồng bào quy định đồ tang màu trắng sau bốn tháng, màu đen sau một tháng mới được giặt. Vợ chồng để tang nhau ít nhất 120 ngày mới được tái giá. Bố mẹ chết, con cháu kiêng ăn thịt động vật, kiêng giết gia súc... trong thời gian 40 ngày sau khi mai táng.
Ngoài làm ma, người Dao còn có tục bắt buộc là làm chay hay còn gọi là làm ma khô để nhập hồn người chết vào bàn thờ tổ tiên. Lễ làm chay được thực hiện sau khi làm ma một tuần hay một năm đối với gia đình khá giả và có thể sau 3 đến 5 năm, có khi 10 năm hoặc lâu hơn đối với gia đình nghèo. Lễ làm chay được thực hiện cho một người nhưng cũng có thể cho vài người là anh em họ hàng trong gia đình, tông tộc [ 13,tr.221].
Bên cạnh đó, trong xã hội người Dao cũng còn có một số quy định như trong nhà, trong làng xóm có phụ nữ sinh nở, có người ốm đau phải cúng bái kiêng kỵ. Ví dụ, phụ nữ Dao khi mang thai, kiêng không được ăn cay, không được lấy vật quá tầm với, không đi ăn cưới, không đi đám ma, kiêng không trèo cây hái quả, kiêng không bước qua trạc trâu, bò vì sợ sau này đứa trẻ sẽ bị tràng hoa quấn cổ và khó đẻ. Những ngày lễ hội không cho người lạ, người ngoại tộc vào dự. Khi hiện tượng đó mới chỉ là phong tục không đủ sức ngăn cấm, người Dao đã biến những phong tục ấy thành luật tục, hiệu báo cấm là những cành lá hoặc vỉ tre đan cắm ở cổng hay đầu làng, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt vạ rất nặng... [13,tr.56]
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Qua đây có thể thấy, tất cả những quy định cụ thể đó, dù chỉ là truyền miệng nhưng đã trở thành luật tục, là cơ sở của bộ máy tự quản. Điều đó nó làm cho đồng bào sống có quy tắc hơn, có trách nhiệm gắn bó với nhau hơn, tạo nên sức mạnh của thôn, bản. Bên cạnh những yếu tố mang tính văn hoá, nhân văn như: răn dạy mọi người không nên làm những việc xấu, việc ác, không trộm cắp, không uống rượu say, không loạn luân... thì luật tục còn bảo lưu nhiều yếu tố lạc hậu, không phù hợp với sự phát triển của xã hội và đời sống tộc người. Những luật tục như vậy đã hạn chế sự phát triển của xóm làng, tộc người.
Từ khi thực hiện chính sách định canh, định cư, đất nước đổi mới đến nay, đặc biệt từ khi thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá, xóm làng, khu phố văn hoá, người Dao đã mở rộng giao lưu trao đổi, học tập, sinh hoạt, canh tác sản xuất, phát triển kinh tế. Hệ thống chính trị, xã hội được thiết lập phát huy được sức mạnh tổ chức và tinh thần đoàn kết cộng đồng.
Những luật tục cũ không còn phù hợp đã dần dần loại bỏ. Nghệ thuật ca nhạc, nhảy múa trước đây cấm không được đưa ra khỏi các lễ hội, trong gia đình, làng xóm thì nay thanh, thiếu niên, nghệ nhân và các thầy cũng đã đưa ca nhạc, nhảy múa tộc người, phong tục, lễ hội ra ngoài trời, sân vận động và sân khấu của huyện, tỉnh và các tỉnh khác để biểu diễn. Các lễ hội dân tộc, người ngoài xóm, ngoại tộc đã có thể đến dự và tham gia hành lễ. Việc hôn nhân, lễ cưới cũng có nhiều đổi mới. Đặc biệt trong tang lễ, gia đình, đoàn thể, cộng đồng làng xã đã cùng gia đình tổ chức lễ tang, thân tình, linh thiêng theo bản sắc tộc người. Nhiều gia đình đã đưa người chết vào nghĩa trang của làng, xã và cũng đã xây mồ mả vững chắc, đẹp đẽ cho người thân quá cố của mình.
Như vậy, có thể thấy khi đường lối, chính sách dân tộc, xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng xóm làng văn hoá mới của Đảng và Nhà nước thấm đến lòng dân, từng cá thể, cả cộng đồng tộc người đã nhanh chóng tiếp nhận và có sự tiến bộ nhanh, cơ bản và bền vững.
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
Chương 3
TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO CỦA NGƯỜI DAO Ở BẮC KẠN (1986 – 2010)