2.2.2.1. Khám phá con người Hà Nội từ cảm quan hiện thực đời thường, phát hiện những tính cách đa dạng…
Tô Hoài vốn mang cảm quan nhân bản đời thường về con người, ông không có thói quen nhìn con người bằng cái nhìn lý tưởng hoá, phiến diện một chiều. Thế nên, ngay cả khi rất nhiều nhà văn cùng thời rơi vào “chủ nghĩa đơn giản, chủ nghĩa minh hoạ” thì nhân vật của Tô Hoài vẫn rất đời, tức là sinh động, bởi được nhìn một cách đa chiều, làm phát lộ những tính cách đa dạng, chân thực như bản chất thường ngày của nó. Trong Chuyện cũ Hà Nội, nhiều giai tầng của Hà Nội được mô tả, thượng lưu có, hạ lưu cũng nhiều,
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
nhưng đáng chú ý là, dù miêu tả tầng lớp quan Tây, đội sếp, đầm Tây, hay những ông chủ giang hồ, người soát vé trên tàu điện, đến ông đồ dạy học ở chốn quê, kẻ kéo xe nơi đường phố, người đàn bà điên dại đi ở mất con…cái nhìn của Tô Hoài vẫn giữ được sự khách quan, điềm đạm, không thiên kiến. Mỗi nhân vật, trong tính cách của họ, đều nhá nhem tốt xấu, đều hay dở lẫn lộn, đều sinh động đời thường, tức là đa dạng và đáng nhớ, không thể kết luận giản đơn trong chỉ một từ.
Thế nên, mới có một ông đồ, vào lúc “thời thế nhố nhăng, bút lông bút chì lẫn lộn, nhiều thầy đồ dạy cả chữ Nho và chữ quốc ngữ, vừa dạy chữ cho con trẻ rất oai phong, vừa “như con gà mái ấp xoè cánh” để che đi chai rượu trong vụ lính “đoan” trên sở về bắt rượu.
Ông không ngần ngại chỉ ra cái hạn chế của tầng lớp mình, những người vốn rất nghèo nhưng “cũng chưa ai đi làm mướn kiếm cơm thiên hạ”, đơn giản vì “người ta hay ra vẻ cho đẹp mặt, huống chi, ở đất Kẻ Chợ, bề ngoài thường hay mầu mỡ riêu cua” [14,423]. Ông càng không bao giờ vẽ lên một khung cảnh diễm tuyệt để ở đó nhân vật hiện lên trong bầu không khí vô trùng, mà trái lại, ông luôn để nhân vật hiện lên trong một không gian nghệ thuật đời thường, đôi khi “nhếch nhác”, nhưng chính vì thế mà sống động và chân thực. Đó là khung cảnh của một lớp học ở gian đầu hè, nơi mà “con gà mái dẫn cả đàn gà con lên bới xó luồn chạy qua cứt gà cuốn rác bụi bê bết, thế mà đến lúc có học trò sao mà sạch sẽ trật tự”. Ngay cả cái chiếu trải chõng cho thầy ngồi cũng là “cái chiếu lâu ngày bị hổng một lỗ to tướng ở giữa”. Tuy vậy, sự nhếch nhác không làm con người ta quên đi đạo lý và lễ nghĩa, nên lũ trẻ, lúc trải chiếu mời thầy ngồi dạy vẫn “phải ý tứ, mặc dầu mép chiếu đã đã rách lươm nhươm cũng xem mặt trái mặt phải, không được trải chiếu ngược” [14,424]. Vẫn theo cách đó, thầy đồ hiện lên vừa tề chỉnh, đạo mạo trước lũ học trò vừa “tinh quái” trong vụ trốn bắt rượu của quan trên. Ngay
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
trong sự tề chỉnh cũng có sự đời thường ở vẻ nghèo không thể nào che giấu: “Thầy đi giày mõm nhái da trâu sống vàng ệch xốn lên; vuông khăn nhiễu tam giang chít đỡ cái búi tóc hành; tấm áo the thâm dài đã bợt cả hai khuỷu tay mới thay được hai ống vải nâu” [14,424].
Thế giới nhân vật của Tô Hoài, mỗi người một tính cách, rất nhiều khi, người ta thấy những con người ấy dường như nhạt nhoà quá. Thiết nghĩ, đó chẳng phải là một điểm yếu của Tô Hoài. Vì khi đã nhìn đời bằng con mắt đời thường, phải sòng phẳng mà thấy rằng, nhạt nhoà cũng là một trong những đặc điểm của tồn tại nhân sinh. Biết bao người sống rồi tan biến trong cuộc đời này đã tồn tại nhạt nhoà như thế. Nhưng, ám ảnh người đọc không phải bao giờ cũng phải cần những tính cách điển hình, bản thân sự nhạt nhoà cũng là một cách gây ám ảnh và gợi nỗi xót xa. Điều đáng nói là, cái nhạt nhoà của nhân vật Tô Hoài cũng vô cùng đa dạng, đó là sự đa dạng nảy sinh từ chính cuộc sống bộn bề lấm láp này. Thế nên, người đọc mới bắt gặp một người bà vừa nhân hậu, giàu đức tin vừa như đánh mất lòng tự trọng (khốn khổ, vì lòng tự trọng là một điều đôi khi quá xa xỉ với kẻ nghèo); một ông Ấm hết thời vừa buồn nản vừa cố ra oai, một anh điên “như con bướm lượn, nhưng là con bươm bướm ma” vì chỉ quen đi đòi nụ cười của những cô con gái chưa chồng, một Mợ Hai bệ vệ lạnh lùng, một đám đông ồn ào, ưa nịnh nọt và hay khôn lỏi…
Nguyễn Vinh Phúc, trong lời giới thiệu Chuyện cũ Hà Nội đã khẳng định rằng: “Cả một nội thị Hà Nội dàn trải trong tập sách: Băm sáu phố phường, Cái tàu điện, Phố Mới, Phố Hàng Đào, Phố Hàng Ngang, Phố Nghề, Hội Tây, Bà Ba Tý, Tiếng rao đêm, Cơm đầu ghế, Chiếc áo dài, Ông Hai Tây…Chỉ nêu vài tên bài như thế càng thấy sự hiện diện của cái nội thành đa đoan lắm chuyện” [14;5]. Quả đúng vậy, phố Hàng Đào với những mợ Hai khinh khỉnh, vàng ngọc đầy cổ đầy tay, Phố Hàng Ngang với những chú Tây đen thờ lợn, chủ hiệu vải, sinh hoạt bí hiểm song cũng đa tình, Phố Mới có
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn
nhà cầm đồ Vạn Bảo “lột da” dân nghèo, có cả chợ đưa người, một thứ chợ môi giới thuê mướn - cả mua bán - những vú em, thằng nhỏ, con sen, những thân phận nghèo hèn đem thân làm nô bộc cho thiên hạ…
Tô Hoài không thi vị hóa người ở tầng lớp trên trong xã hội cũ như Khái Hưng, Nhất Linh, nhưng cũng không đem họ biếm họa đến mức khủng khiếp kiểu Vũ Trọng Phụng, hay cường điệu về họ với giọng ngả sang hoạt kê kiểu Nguyễn Công Hoan. Cùng miêu tả với tình thương người ở tầng lớp dưới, nhưng Tô Hoài thủ thỉ chứ không ồn ào như Nguyên Hồng, hóm hỉnh chứ không tinh quái như Nam Cao, tinh tế chứ không mộc mạc như Ngô Tất Tố, cũng không đề cập đến những biến động xã hội lớn như Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng... ông chỉ kể những câu chuyện hàng ngày trong đời sống bình thường của những con người bình thường, không khoa trương, tô vẽ để thu hút người đọc, không phóng đại, dồn ép nhằm hiệu quả giật gân. Cái cười của ông cũng là cái cười nhẹ nhàng, từ tốn chứ không cay độc.