Nắm bắt nhanh các trạng thái tâm lý nhân vật

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đoàn Lê luận án thạc sĩ (Trang 90 - 93)

Tâm lý con người muôn đời vẫn là điều bí ẩn và khó khám phá ngay cả đối với chính bản thân mỗi người. Vì tính chất phức tạp đó nên các nhà văn khi miêu tả và khắc họa tâm lý của nhân vật thường phải vận dụng rất nhiều thủ pháp: khi thì trực tiếp miêu tả, khi thì gián tiếp miêu tả, có lúc mượn hành động để khắc họa tâm lý nhân vật, có lúc dùng lời đối thoại hoặc độc thoại nội tâm để nhân vật tự mình bộc lộ những điều tâm can nhất. Khắc họa tâm lý qua những biểu hiện bên ngoài cũng là một trong những thủ pháp tiêu biểu để khám phá tâm lý nhân vật. Như chúng ta đều biết, mỗi nhân vật cũng như mỗi con người đều là một vũ trụ đầy bí ẩn, mỗi cá thể tồn tại là một tiểu thế giới với tất cả sự phức tạp và phong phú khôn lường của nó. Vậy thì căn cứ vào đâu chúng ta có thể đoán định được hoặc nắm bắt được phần nào những suy tư thầm kín và chân thật của nhân vật? Đoàn Lê miêu tả tâm lý nhân vật một cách trực tiếp. Tâm lý của các nhân vật được nhà văn nắm bắt một cách tinh tế, sát thực và nhanh chóng. Đoàn Lê có một cái nhìn mẫn cảm và tinh tế đối với các sự việc đang diễn ra. Chị có thể hiểu những diễn biến tâm lý của một đứa trẻ nhỏ về hình ảnh người bà: “Tôi háo hức với chuyến đi còn vì một lẽ:

tôi chưa hình dung cụ ngoại như thế nào. Tôi chỉ biết cụ đồng nghĩa với cái di động của bà nội. Mỗi khi chuông điện thoại bà nội đổ hồi, tôi áp máy vào tai, lắng nghe giọng cụ dịu dàng rất mực âu yếm hỏi han”. Hình ảnh người bà trong đứa trẻ chỉ là hình ảnh thông qua trí tưởng tượng non nớt của nó kết hợp với giọng nói dịu dàng ngọt ngào âu yếm của bà. Tâm lý trẻ thơ cũng không phải đơn giản như mọi người thường nghĩ. Qua truyện ngắn Cụ ngoại và tôi,

ta thấy Đoàn Lê đã miêu tả một cu Dế hai tuổi rất ngây thơ, rất trong sáng nhưng sớm nhận biết mọi điều xung quanh bằng những suy nghĩ và kinh nghiêm riêng của bản thân người đã từng là trẻ nhỏ trong quá khứ. Bé quý cụ ngoại nhưng khi gặp mặt thật thì không tin đó là cụ, không quý mến đến chơi với cụ nữa. Em cho rằng cụ không giống trong trí tưởng tượng của em. Đến khi dùng điện thoại khơi gợi xác nhận lại giọng cụ nói Dế mới tin là sự thật. Đoàn Lê miêu tả khắc họa tâm lý nhân vật rất độc đáo và sáng tạo. Chị nắm bắt những tâm tư tình cảm nhân vật nhanh nhạy và thể hiện một cách tinh tế trên trang văn. Những biến đổi nội tâm, những góc khuất trong tâm hồn cũng được chị soi rọi để nhận ra và hiểu rõ tâm tư tình cảm của nhân vật, để thấy được tâm lý diễn biến nội tâm của nhân vật. Chị dùng nhiều độc thoại để nhân vật tự khám phá ra chính bản thân mình: “Dầu anh phụ bạc em nhưng không đời nào em làm thế với anh. Em không thể xóa bỏ hình bóng con người em đã nguyện trọn đời yêu anh. Nếu giời bắt em phải mất anh cho con vẹo mũi, em sẽ ở vậy suốt đời. Em chả lòng dạ nào đổi anh lấy mười lăm anh chàng không quen biết kia. Ới anh Khờ ơi…” [42, tr.66]. Nhà văn luôn dõi theo sự diễn biến tâm lý để khắc họa những trạng thái tâm lý mà nhân vật trải qua. Đó là những lúc nhân vật hoài niệm về quá khứ, nhớ lại hạnh phúc của mình, niềm hạnh phúc vỡ òa cùng với nỗi đau của thực tại, sự nhớ thương với dày vò trách móc,… cùng nhiều trạng thái tâm lý đan xen trong một thời điểm. Nhân vật có lúc oán giận, lúc lại biết ơn, lúc căm ghét, lúc lại yêu thương,… Các trạng thái tâm lý luôn biến chuyển đối với những hiện thực sự vật mà họ đang

trải qua. Cách thể hiện các trạng thái ấy ta có thể bắt gặp trong tất cả các truyện ngắn của nhà văn. Mỗi tác phẩm chị đều thể hiện được những trạng thái tâm lý riêng của nhân vật. Trong câu chuyện Quai xăm, khi Song ghen ghét vì Đối lúc nào cũng lợi thế hơn anh về công việc, cuộc sống và lấy được Dâng người anh hằng yêu mến nên trạng thái tâm lý của Song diễn biến rất phức tạp. Đó là lúc Song thấy ghét Đối vì hắn luôn nổi trội hơn nhưng lại không phủ nhận Đối luôn bênh vực, bảo vệ anh. Song căm hận Đối vì Đối lấy mất Dâng - người con gái anh thầm yêu hết mực nên nảy sinh ý định trả thù, anh nảy sinh ý định một cách tức thời, không phải là chuẩn bị trước nên có sự e ngại do dự nên anh không dám ra tay với bạn. Lần thứ hai khi đi cột quai xăm trong lúc nhiều gió nhiều sóng và cá tép nặng lưới anh lại tìm được cách hại Đối và anh đã thực hiện bởi lúc này rượu cho anh thêm sức mạnh. Con người đố kỵ trong anh muốn hành động trả thù. Các diễn biến ấy rất hợp lý bởi tâm tư tình cảm của Song đã quá dồn nén, và hơn thế nữa nỗi đau về Dâng như giọt nước tràn ly.

Đoàn Lê thường nắm bắt những trạng thái tâm lý đan xen rất nhạy bén. Chị thể hiện tài năng của mình thông qua những trạng thái tâm lý sâu sắc soi rọi từ sự nửa tỉnh nửa mơ của nhân vật. Để nhân vật hoàn toàn bộc lộ mình. Ngày nhớ đêm mong nên khi nhìn bức tranh Mỹ nhân mèo, anh họa sĩ lại nhớ thương người con gái anh thầm yêu, đau đớn tiếc nuối. Anh nhìn thấy người yêu qua bức tranh con mèo có bộ ngực của cô gái, khiến anh thể hiện hết các trạng thái tâm lý của mình, bộc lộ hết những nhớ nhung, khắc khoải trong anh với người yêu.

Đoàn Lê đã khắc họa khá tài tình các trạng thái tâm lý phức hợp khi nhân vật đang trăn trở để quyết định có ra tay hay không với người bạn và là tình địch của mình (Quai xăm), có ly hôn hay không với người đàn ông đã gắn bó gần nửa đời người với mình (Giường đôi xóm Chùa),… Tâm trạng nhân vật cũng có những biến chuyển trong những lúc họ nhớ về qúa khứ: nhớ

lại cảnh cô gái đón nhật thực (Chờ nhật thực), nhớ lúc còn chung sống với nhau (Ngôi nhà gỗ), nhớ về thời thơ ấu đầy đau khổ (Nhân bản), nhớ về người mình đã yêu thương chăm sóc (Tình Guột),… Nhà văn đã thể hiện sự đan xen tâm lý một cách nhuần nhuyễn, thể hiện rõ khả năng nắm bắt tâm lý nhân vật của mình.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đoàn Lê luận án thạc sĩ (Trang 90 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)