Tình huống giả tưởng – hài hước

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đoàn Lê luận án thạc sĩ (Trang 86 - 88)

Giả tưởng là tưởng tượng ra; được tạo ra nhờ trí tưởng tượng, câu chuyện giả tưởng (Từ điển tiếng Việt).

Hài hước là có tính gây cười hoặc có tác dụng giáo dục (Từ điển tiếng Việt). Tình huống giả tưởng - hài hước được Đoàn Lê miêu tả trong các tác phẩm: Con bướm nhựa cánh xanh, Mỹ nhân mèo, Cô Khịt,... Tình huống truyện này thường nhằm mục đích giải quyết những sự việc bế tắc của một nhân vật đáng cảm thông, nhà văn dùng tình huống này để thỏa mãn ước mơ của nhân vật. Trong truyện Cô Khịt, thông qua tình huống giả tưởng, nhà văn đưa nhân vật vào giấc mơ lấy được chồng và được yêu chiều không bị coi thường. Cô lạc vào thế giới mà ở đó đàn ông là “thê thiếp” của phụ nữ, được phụ nữ lựa chọn, phục vụ hết mình cho phụ nữ… Cô mơ như vậy vì cô rất nghèo, rất xấu không ai để ý đến cô. Ngay cả anh chàng mà cô thầm yêu mến là anh Khờ cũng không thèm lấy cô làm vợ. Tình huống truyện tiếp nối bằng

việc cô lạc vào một cánh rừng. Mọi việc ở đó trái ngược hiện thực cuộc sống của cô. Ở đó người đàn ông phải nhường nhịn tất cả cho phụ nữ, làm mọi việc từ nhẹ nhàng đến nặng nhọc . Ở đó người đàn ông lớn tuổi không được nói chuyện với cô gái trẻ nếu không sẽ: “bị đuổi khỏi nhà với hàng chữ thích vào trán”. Và may mắn đến với Khịt vì cô là con gái, những người được quý hơn vàng ở xứ này. Ở vương quốc này: “đã hơn bảy năm nay chưa có thêm một ổ mới, chúng tôi sốt ruột, tưởng phát điên lên. Xem nào, chúng tôi sẽ làm lễ nạp chồng cho em ngay ngày mai mới được”. Thế là Khịt sẽ thoát cảnh đơn côi bị mọi người khinh chê, coi thường. Ở nơi đây thân phận của Khịt cao quý biết chừng nào. Tình huống hài hước nhẹ nhàng giản dị gỡ một lối thoát cho nhân vật, để nhân vật thực hiện được những điều mình mong muốn, dù chỉ là trong giấc chiêm bao.

Tình huống hài hước còn thể hiện qua truyện Con Mốc. Tình huống truyện ở đây mang yếu tố hài hước châm biếm mỉa mai. Mở đầu truyện là hình ảnh: “Người ta bảo: chó chết, hết chuyện. Xem ra con Mốc xóm Chùa đã chết cho hết chuyện. Mốc, tên con chó cái lai của lão kép cải lương. Nó đẻ được ba lứa rồi ốm lay lắt như người đàn bà hậu sản, hôm nay chết còng queo ở xó vườn. Nguyên nhân dẫn đến cái chết có thể do nó bị đói khát kinh niên. Bởi từ dạo bà vợ đi theo tiên tổ, lão kép cải lương sống trơ thân cụ, rất coi khinh cái sự ăn uống. Gặp gì ăn nấy, bốc bải cho xong bữa, chỉ rượu là tài. Lão bảo rượu đích thị tinh gạo, lại chả bổ. Con chó không uống được rượu, không nốc được chút tinh gạo vào ruột, do vậy gầy trơ xương. Giống chó, nó giữ đúng câu: chó không chê chủ. Đói quá không nhịn được, nó lang thang tha thẩn các bãi rác khắp làng sục sạo, rồi lại về phủ phục dưới chân lão già”. Nhưng không phải câu chuyện nói về con chó mà là câu chuyện về một người mẹ hơn tám mươi tuổi như một bộ xương héo khô lại bị con cháu giành giựt như một món đồ. Hai số phận ấy như bị cuộc đời trêu đùa, họ bị

hành hạ cho đến chết. Con chó già Mốc bị đám đi đón bà cụ của nhà giáo Nhất đạp vào tường rào đau đớn, còn bà cụ bị người nhà giáo Nhất và chủ tịch Nhì đánh nhau tranh giành: “Ối làng nước ơi, chúng nó đang xé xác tôi ra đây làng nước ơi. Gẫy tay tôi rồi!”. Thân phận của người mẹ già nua ấy được so sánh với con chó già nhà lão kép cải lương. Đó là một tình huống hài hước khiến cho câu chuyện dở khóc dở cười, mang đậm sắc thái bi hài, mỉa mai, lên án những thói hiếu thảo bề ngoài để lấy tiếng khen thiên hạ. Tình huống hài hước thể hiện trong các tác phẩm nhằm phê phán một cách nhẹ nhàng những sự việc có tính chất vênh lệnh, trái ngược với đạo đức xã hội.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đoàn Lê luận án thạc sĩ (Trang 86 - 88)