Vị trí truyện ngắn trong sáng tác của Đoàn Lê

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đoàn Lê luận án thạc sĩ (Trang 37 - 41)

Đoàn Lê thử nghiệp của mình trên nhiều loại hình nghệ thuật và ở lĩnh vực nào chị cũng có những tác phẩm tiêu biểu. Nhưng có lẽ nói đến sự nghiệp sáng tác của Đoàn Lê , là người ta nghĩ đến các sáng tác văn chương của nhà văn. Đoàn Lê đã có những thành tựu thật sự với văn chương. Một giọng văn được nhớ, nền nã dung dị nhưng bao giờ cũng kèm theo chất hài hước ngầm. Những tập truyện: Thành hoàng làng xổ số, Nghĩa địa xóm Chùa, Trinh tiết xóm Chùa; những tiểu thuyết: Lão già tâm thần, Cuốn gia phả để lại,... đã đoạt giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, báo Văn Nghệ,...

Đoàn Lê viết văn từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Nhưng khoảng 20 năm gần đây chị mới nổi lên sau bao nhiêu thăng trầm nổi nênh của cuộc đời và thân phận. Người viết văn xuôi thường vẫn vậy. Cuộc đời làm nhà văn điên đảo đau đớn, nhưng bù lại qua đó ta mới thấy yêu quý đời hơn, và văn của ta mới đằm thắm hơn, bao dung hơn. Vốn liếng văn chương của Đoàn Lê nay đã khá dày dặn.

Văn học vốn là thứ bùa mê đối với nhiều người. Đoàn Lê cũng bị thứ bùa mê ấy hút hồn từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong các loại hình văn học như đã nói trên, dường như truyện ngắn còn có “mối nhân duyên” đặc biệt với Đoàn Lê. Chị thấy mình thoải mái hơn cả khi viết truyện ngắn. Nó vừa đủ độ thời gian người viết dành cho nó, không kéo dài quá.

Nhà văn Đoàn Lê thực sự là một cây bút viết truyện ngắn đặc sắc. Truyện ngắn của chị xuất hiện liên tục, đều đều trên nhiều tờ báo. Truyện của Đoàn Lê lúc thì đằm thắm, trữ tình, lúc thì hiện thực sắc sảo. Có lúc lại táo bạo, hiện đại bất ngờ, rồi có lúc lại trẻ trung thổn thức như một cô gái mới lớn.

Vậy những tiền đề mang đến thành công cho Đoàn Lê ở thể loại truyện ngắn là gì? Và cũng thật chân tình, Đoàn Lê thú nhận: “Tôi rất mê truyện ngắn của Nam Cao. Có thể nói, tôi chịu nhiều ảnh hưởng của nhà văn tiền bối ấy trong nghề viết văn xuôi”.

Ở ngay hai truyện ngắn đầu tiên của tập truyện Thành hoàng làng xổ số, người đọc dễ dàng nhận ra hai khuynh hướng, hướng nội và hướng ngoại mà Đoàn Lê đã tìm thấy trong bậc tiền bối được ưa thích của mình. Đêm ngâu vào báo hiệu một khuynh hướng sáng tác của Đoàn Lê. Khuynh hướng hướng nội, phân tích tâm lý, đào sâu vào cái ẩn khuất của tâm hồn con người, cảm thông với những thân phận bất hạnh. Truyện viết khá tinh tế về một mối tình tay ba. Thành hoàng làng xổ số là một truyện ngắn viết theo xu hướng ngược lại. Nó hướng ngoại. Trong truyện có chuyện, đầy sự kiện và chi tiết, nói về những con người nghèo khổ, chỉ muốn đổi đời bằng xổ số, số đề. Xu hướng hướng ngoại ấy của Đoàn Lê nổi lên rõ ràng và đặc sắc nhất là seri truyện ngắn viết về xóm Chùa. Chúng ta bắt gặp Đất xóm Chùa, Nghĩa địa xóm Chùa, Người đẹp xóm Chùa, Trinh tiết xóm Chùa, Xóm Chùa thời ung thư. Trước đây Nam Cao viết về một làng quê thời Pháp thuộc – làng Vũ Đại với sự khốn cùng thê thảm của nó. Còn Đoàn Lê thì vẽ ra cho chúng ta xem một

làng quê trong quá trình đô thị hóa. Thời gian đô thị hóa là thời gian bản lề, nó là thời gian quá độ chuyển sang đời sống công nghiệp cho nên hiện thực xảy ra vô cùng khắc nghiệt. Các giá trị truyền thống của một xã hội nông nghiệp đang mất đi, và các giá trị mới chưa được hình thành. Chúng ta chứng kiến văn hóa làng cổ truyền đang bị biến đổi hay là đang tan rã. Ở chùm truyện ngắn này, những bi kịch về tranh chấp đất đai trong làng xóm xảy ra. Đạo đức xuống cấp (Đất xóm Chùa). Rồi những cô gái đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc (Trinh tiết xóm Chùa), thậm chí người ta bán cả mồ mả ông cha đi mà không biết (Xóm Chùa thời ung thư).

Đoàn Lê chả phải đi thực tế đâu xa. Khi ở làng Lủ quê chồng, chị sống chan hòa với người dân chung quanh, quan sát những con người và sự việc hàng ngày quanh mình mà viết nên những truyện ngắn này. Nam Cao có một làng quê mà ông cắm rễ rất sâu để làm chất liệu cho nghề văn của mình. Đoàn Lê cũng làm như vậy. Có khác chăng giữa hai người, thì chỉ là hiện thực diễn ra mỗi thời mỗi khác, và tâm hồn mỗi nhà văn mỗi khác. Hiện nay, nhà văn nữ đang sống ở một xóm núi Đồ Sơn. Một cái xóm gần núi, gần biển. Đã thấy những truyện ngắn Chốn sơn khê, Rồi Bụt hiện lên, mang hơi thở của cái thị xã du lịch biển này, cái xóm ven biển cũng đang thay đổi từng ngày. Một loạt truyện xóm Chùa của Đoàn Lê đem lại cho người đọc cảm giác chúng có dáng dấp của một cuốn tiểu thuyết thời hậu hiện đại. Cuốn tiểu thuyết gồm những truyện ngắn, tức là kết cấu của nó lỏng. Cái gắn kết các truyện đó lại là chủ đề văn hóa làng thời hiện đại. Một cái gì đó quý giá đang mất đi và ta đang cố níu giữ nó lại.

Phong cách truyện ngắn của Đoàn Lê ngày càng đa dạng. Ngoài những truyện thiên về tả thực và phân tích tâm lý ta còn thấy nhiều truyện mang yếu tố ảo hơn như : Lên ruồi, Nhân bản hoặc mang yếu tố hiện đại như Sex hoặc sử dụng nhiều đến trí tưởng tượng tổng hợp hơn (immagination synthétique),

nghĩa là tác giả dùng hư cấu bịa đặt tổng hợp những trải nghiệm của cả đời mình ra để viết như Chờ nhật thực, Cổ tích Manơcanh, Tình Guột.

Tóm lại truyện ngắn đã mang đến cho Đoàn Lê nhiều thành công và được độc giả ghi nhận. Theo tạp chí nghiệp đoàn xuất bản về Tuyển tập Đoàn ở Mỹ đã khẳng định: “… Đoàn Lê được ghi nhận ở phong cách đa dạng và sức sáng tạo tươi mới” [73]. Còn nhà văn Hồ Anh Thái thì nhận xét “… Đoàn Lê U70 lại viết như U30” [60].

Nhà văn Đoàn Lê chứng tỏ một phong cách mới trong đời sống văn học đương đại Việt Nam. Một phong cách dịu dàng, táo bạo, tỉnh táo nhưng rất nền nã, nhẹ nhàng, và đặc biệt hài hước. Chị là nhà văn kế thừa và tiếp nối dòng văn học nữ Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Đoàn Lê phát huy ưu thế của ngòi bút trong thể loại truyện ngắn, và thực sự nó đã chiếm một vị trí đáng kể trong sự nghiệp viết văn của chị. Khi nói tới Đoàn Lê là người đọc nghĩ tới một “thương hiệu” Đoàn Lê trong văn xuôi nói chung và truyện ngắn của chị nói riêng.

Chương 2

BỨC TRANH HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG TRONG TRUYỆN NGẮN ĐOÀN LÊ

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đoàn Lê luận án thạc sĩ (Trang 37 - 41)