Những trải nghiệm và tâm tư của Đoàn Lê

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đoàn Lê luận án thạc sĩ (Trang 83 - 85)

Đoàn Lê viết bằng những trải nghiệm đời mình, nên từng trang văn của chị phảng phất bóng dáng cuộc đời chị. Truyện ngắn Mẹ và con và thánh thần

của chị viết về đứa con trai bất hạnh đã ra đi của chị. Chị viết bằng nỗi đau của người mẹ mất con, bằng những trải nghiệm thương đau của chính bản thân mình. Chị thương con mà không giữ được con lại với cuộc đời, là nỗi ân hận đau xót khôn nguôi của chị. Cũng bởi viết từ những trải nghiệm, từ những vết thương còn đang ứa máu của mình mà những tâm tình của chị rất thật, đọng lại trong lòng người đọc sự cảm thông, buồn thương vô hạn. Gia đình ly tán, đứa con trai duy nhất của chị vướng vào cái chết trắng ra đi để lại người vợ yếu đuối, đứa con thơ dại. Những đau đớn ấy chị đều viết, thể hiện rõ trong các tác phẩm của mình: Viên sỏi, Giường đôi xóm Chùa, Mẹ, và con và thánh thần,… Những tác phẩm ấy nói lên cuộc đời thực của chị nhưng được viết rất khách quan, chân thực không chỉ mang chất tự sự mà chất nghệ thuật, trữ tình cũng tràn đầy qua các trang văn. Đoàn Lê giữ cho mình bình thản để đối diện với sự thật đời mình. Sự bình thản đến nao lòng, đến xót xa của một người phụ nữ tài hoa mà đa đoan chịu nhiều bất hạnh. Những gì đau đớn uất ức trong lòng mình dường như Đoàn Lê mượn văn thơ và hội họa để thể hiện.

Trong tác phẩm Người đẹp xóm Chùa, chị đã mượn nhân vật họa sĩ trong tác phẩm để nói chính bản thân chị về hội họa. Những tranh nghệ thuật chân chính mà nhiều người chưa hiểu, chưa cảm nhận vẻ đẹp của nó. Truyện ngắn

Người khách đêm giao thừa, lại là những trải lòng của chị về nghiệp văn. Chị xót xa, thảng thốt khi những đứa con tinh thần của chị bị đối xử tàn nhẫn, bị coi như một vật giải trí phục vụ cho tiếng nói riêng của người viết. Chị đã can đảm phơi trải, tỏ lộ những chất liệu của cái tôi lên trang văn để nói lên những nỗi niềm và suy nghĩ của mình về cuộc sống quanh mình và về chính mình. Chuyện con trai chị chết vì nghiện ma túy là một nỗi đau, một sự “đả kích” lớn lao đối với chị, từng dòng từng chữ là nỗi ân hận vô vàn của chị đối với sự ra đi của con. Chị viết để lòng mình thanh thản và để những người làm cha, làm mẹ trên đời này đừng mắc phải sai lầm đáng tiếc như chị. Từng câu từng chữ còn đó, những nỗi đau nguyên khối khó thể nguôi ngoai. Nhưng khi phải chứng kiến con nghiện ngập không cách nào cứu chữa chị đã phải thốt lên: “Mẹ xót xa bất lực trước những ngày cuối cùng của con. Mẹ có cảm giác tựa hồ trái tim mình đang bị nhay bởi một lưỡi cưa cùn. Khi những nốt mụn se miệng lặn vào bên trong, mẹ lại ngỡ con sắp khỏi. Thật tội nghiệp. Mẹ đâu ngờ đó mới là dấu hiệu của sự chấm dứt. Cũng là lúc con không muốn mở miệng nói với ai một lời nào nữa, kể cả mẹ. Con đòi đưa con về nhà. Con nói không đủ can đảm chứng kiến hàng ngày chung quanh con cứ mỗi lúc một vợi dần những con bệnh lả đi sau vài đêm kêu la”. Đoàn Lê cố giữ cho ngòi bút của mình nhẹ nhàng, khách quan thanh thản nhưng đọc văn chị người đọc vẫn thấy nỗi đau cào xé đến tận tâm can, với cách thức dùng “giọng dịu mềm mà gào thét”.

Chương 3

MỘT SỐ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN ĐOÀN LÊ

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đoàn Lê luận án thạc sĩ (Trang 83 - 85)