Tưởng tượng – một cách nhận thức về thực tại

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đoàn Lê luận án thạc sĩ (Trang 80 - 81)

Tưởng tượng là tạo ra trong trí não hình ảnh của những sự vật đã tác động vào các giác quan, hoặc trên cơ sở những sự vật này, hình ảnh của những sự vật xa lạ xuất hiện. (Từ điển Tiếng Việt).

Đoàn Lê đã có tưởng tượng về ngón tay út trong Người khách đêm giao thừa, về một cõi nữ quyền trong Cô Khịt,… Thông qua tưởng tượng người đọc thấy được sự kết hợp nhiều kênh thể hiện trong bút pháp Đoàn Lê. Tưởng tượng là một cách giải quyết sự việc khi con người đang bế tắc và trước khi vào cõi mơ tưởng họ hiểu rõ hoàn cảnh của mình hơn ai hết, đến khi thoát khỏi ám ảnh ấy, họ càng cay đắng nhận ra thực tại đau đớn của bản thân.

Trước hết các nhân vật trong truyện không ý thức mình đi vào sự tưởng tưởng mà chỉ muốn nhìn nhận sự việc dưới một góc cạnh khác. Họ không tin người thân mình đã ra đi, muốn trốn chạy những hiện thực nghiệt ngã tìm đến những điều họ mong muốn. Trong Người khách đêm giao thừa, nhân vật phó tổng biên tập tưởng tượng ngón tay mình trở thành một người khách để đối thoại, để nhìn nhận lại mình sau một năm làm việc. Ngón tay út là phần thẳm sâu trong tâm hồn mà ông phó tổng biên tập cất giấu không muốn ai biết về

nó. Đó là những phần đau đớn nhưng chân thật nhất về con người ông. Cô Khờ nhận thức bản thân mình xấu xí không lấy được chồng, không ai quý trọng cô nên trong tiềm thức cô đã tưởng tượng ra cõi nữ quyền để mình được tôn trọng, yêu thương hết mực. Đó là thế giới hạnh phúc mà Khờ ước ao muốn có, tương phản với hiện thực cay đắng, bất hạnh của thân phận cô. Trong tư duy sáng tạo của mình Đoàn lê sử dụng yếu tố tưởng tưởng để giải quyết những ngăn cách cố hữu của cuộc đời, những ngăn cách mà thực tại con người không thể vượt qua được như: sự sống - cái chết; cái đẹp - cái ác; cái thực - cái mơ. Nhà văn dùng tưởng tượng để hình dung ra những kết quả nhân vật của mình phải lãnh nhận với những việc làm đã qua. Như khi nhân vật Song tưởng tượng ra cảnh hãm hại Đối bằng việc sẽ bố trí để Quai xăm rớt trên đầu anh (Quai xăm).

Những điều tưởng tượng của các nhân vật, có khi là trái ngược với thực tại, không phải là điều họ mong muốn nhưng cũng có khi là những mong ước không thể thành hiện thực của nhân vật. Yếu tố tưởng tượng làm cho câu chuyện có những diễn biến mới đặc sắc tinh tế, gây ấn tượng với người đọc bởi những suy nghĩ riêng của chính họ.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đoàn Lê luận án thạc sĩ (Trang 80 - 81)