Sự nghiệp sáng tác phong phú

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đoàn Lê luận án thạc sĩ (Trang 34 - 37)

Khi nghĩ tới một nhà văn Đoàn Lê là người đọc thường nhắc đến giải thưởng Hội nhà văn năm 1990 với tiểu thuyết Cuốn gia phả để lại, hoặc gần đây nhất là giải thưởng tập truyện ngắn Trinh tiết xóm Chùa, năm 2005. Và khi nhắc đến một Đoàn Lê điện ảnh, người xem không thể quên bộ phim

Làng Vũ Đại ngày ấy. Còn ở lĩnh vực hội hoạ, đó dường như là một sự quay về với một Đoàn Lê trẻ trung dịu dàng của một thời con gái. Bước vào thế giới hội họa, sự run rẩy của cảm xúc luôn luôn như mới bắt đầu mỗi khi Đoàn Lê cầm cây cọ để giải toả những ẩn ức trong tâm hồn mình. Mỗi bức tranh của chị như một ẩn dụ, thông qua hình tượng để bày tỏ những xúc động sâu thẳm trong con tim. Có lẽ, trái tim thi sĩ đa cảm hiện lên qua mầu sắc, đường nét và được chắt lọc bởi bố cục khá tiết chế. Trong cõi sắc màu này, cái thuở dậy thì thơ ca cách đây nửa thế kỷ với bài thơ Bói hoa của nữ sĩ Đoàn Lê đã trở lại. Cái kiếp hoa ấy sau này nhập hồn vào giá vẽ của Đoàn Lê với các tên khác nhau như Hoa bèo, Hoa lan tiêu, Hoa hồng,... Nhưng có thể nói, ngoài những đề tài tập trung về phụ nữ và phong cảnh, thì mảng tranh “nuy" của chị có một sức thu hút đặc biệt. Đây thật sự là một nét phá cách của một thân phận đầy gian truân, trần ai với cuộc sống mà Đoàn Lê đã trải nghiệm. Nhiều đau khổ đến mức chị đã định tìm đến thiền với một nguyên tắc sống: "Không nói , không nhìn, không nghe, không tình dục!?". Nhưng cuộc đời lại không cho chị được toại nguyện, nên giờ đây, với văn chương lại có một Đoàn lê nghiệt ngã hơn với tập truyện Trinh tiết xóm Chùa, còn với giá

vẽ xuất hiện một Đoàn Lê thi sĩ hơn khi gắn bó tinh tế trong hội hoạ "nuy". Cái nhìn, cái nghe, cái tình dục qua toan với mầu sắc, đường nét mang thương hiệu Đoàn Lê luôn luôn nhân ái và thật sự nồng ấm. Tác phẩm Hoa bèo của chị là một ẩn dụ sâu sắc, giàu tính biểu đạt, thể hiện lòng thương với thân phận của các cô gái trôi dạt về bãi biển Đồ Sơn như những cánh bèo lênh đênh, bị sóng đánh tả tơi trên mặt cát. Hình tượng ấy qua bức tranh ‘nuy" đã làm xúc động lòng người, nó không còn gây ấn tượng ở sự trần trụi gợi dục mà là sự đày ải đến đáy thân phận con người nơi trần gian đã đánh thức lương tâm người xem. Hay như bức Giếng lan tiêu, đâu chỉ có riêng cảnh một cô gái tắm bên giếng, mà ở đó còn toát lên hương vị thanh tân của tuổi trẻ với một sắc đẹp thiên nhiên dịu dàng trong gam xanh trong vắt của miền quê biển. Bên cạnh đó những bức tranh khác của Đoàn Lê cũng gây ấn tượng như những bài thơ đồng quê: Mèo ngủ, Phút yên lặng, Trong phòng tắm, Xóm núi, Nông nhàn...

Đến và sống cùng điện ảnh suốt cuộc đời, Đoàn Lê đã tham gia trong nhiều lĩnh vực hoạt động: diễn viên, thiết kế mỹ thuật, biên kịch rồi đạo diễn. Người ta chưa quên hình ảnh cô giáo Hồng Vân của chị, vai chính trong phim

Quyển vở sang trang cùng những phim nhựa, phim truyền hình mà chị là biên kịch hay đạo diễn hoặc biên kịch kiêm đạo diễn. Có thể kể đến Làng Vũ Đại ngày ấy, Bình minh xôn xao, Niết bàn rực cháy, Song nữ, Nước mắt của biển, Cái chết của Hồ Xuân Hương, Giọt nước mắt thiêng,... Chị đã được nhận những giải thưởng xứng đáng cho các phim Con Vá, Chim bìm bịp trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc.

Với văn học, Đoàn Lê lâu nay đã là một gương mặt nhà văn nữ có tiếng với nhiều tác phẩm được độc giả đón nhận. Những tiểu thuyết tâm huyết đầy trăn trở của chị như: Cuốn gia phả để lại, Lão già tâm thần, Người đẹp và đức vua, Tiền định đã gây được nhiều thiện cảm với người đọc. Cuốn gia phả để

lại ngay khi mới ra mắt công chúng đã được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Còn phải kể đến nhiều giải thưởng chị đã nhận được cho những truyện ngắn và tập truyện ngắn trong nhiều năm qua. Những truyện ngắn Giường đôi xóm Chùa, Trinh tiết xóm Chùa... chính là khả năng quan sát và thể hiện thực tế đời sống rất nhạy cảm của Đoàn Lê. Tác phẩm của chị được dịch, xuất bản và được độc giả đón nhận tại Đức, Mỹ, Thụy Điển... Cách viết dung dị, những nhận xét hóm hỉnh và sâu sắc về nhân tình thế thái, về ấm lạnh cuộc đời của chị tựa như một nụ cười khoan dung và độ lượng đã tìm được sự đồng cảm của nhiều tầng lớp độc giả trong và ngoài nước.

Sự trải nghiệm cuộc đời cùng một tâm hồn đầy cá tính đã tạo nên nguồn năng lượng dồi dào và một nội lực “thâm hậu” trong lao động nghệ thuật của Đoàn Lê. Những đứa con tinh thần của người đàn bà mảnh mai và có vẻ yếu đuối này lại có một sức sống mãnh liệt, hấp dẫn, cuốn hút độc giả và giành được những thành tựu đáng kể.

Là người con của đất cảng Hải Phòng, đi học và lập nghiệp tại Thủ đô nhưng từ năm 1988, khi trở về “xóm núi Đồ Sơn” sống và tiếp tục trăn trở sáng tạo với tinh thần “làm chủ quỹ thời gian”, Đoàn Lê thực sự đã có những thành công trong nhiều lĩnh vực. Ở tuổi “tri thiên mệnh”, chị lại bất ngờ cho ta một cách lắng nghe mới về sự lắng đọng của tâm hồn qua bài thơ Mưa núi:

Mưa núi gần kề bên hiên Tí tách nguồn cơn ngõ bé Xóm núi bâng khuâng rất khẽ Khói chiều

Câu thơ hàng xóm đang yêu Tạc một cánh diều vách núi Chợt nghe bước chân lủi thủi Lá rừng.

Đoàn Lê nhìn cuộc đời rất giản dị nên chị quan niệm không việc gì phải đao to búa lớn cả. Trong sáng tạo, chị làm việc cật lực, thậm chí lao lực, nhưng xét cho đến cùng với chị đó cũng chỉ là những cuộc "rong chơi" trong thế giới này mà thôi. Và sáng tạo nghệ thuật - đấy là một cách "chơi" của chị. Chị lựa chọn một thái độ với cuộc sống bằng những câu thơ tình dí dỏm:

Anh cứ nói cả trăm điều dối trá Để em tin như thể rất dại khờ

Em giấu trong lòng sớm nắng chiều mưa Điều dối trá hồn nhiên thành vô tội Thế gian này nặng đâu lời nói dối. Những kiếp người èo uột sẽ đi qua Rồi tất cả sẽ trở thành vô nghĩa Tội tình gì em khe khắt với hai ta...

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Đoàn Lê luận án thạc sĩ (Trang 34 - 37)