Phát hiện nhiễm Helicobacter pylori đã mở ra một kỷ nguyên mới về sự hiểu biết bệnh sinh loét dạ dày tá tràng, đồng thời còn giúp chiến lược điều trị cho phù hợp. Chúng tôi đã tiến hành sinh thiết cho tất cả các bệnh nhân trong
nghiên cứu này nhằm mục đích tìm hiểu về mô bệnh học của dạ dày và xác định mức độ nhiễm HP trên các mẫu mô bệnh. Dựa trên các phân loại, chúng tôi phân thành 3 mức nhiễm HP nhẹ, vừa và nặng. Biểu đồ 3.2 đã trình bày mức độ nhiễm HP ở bệnh nhân loét HTT. Kết quả cho thấy mức độ nhiễm HP theo mức độ: Nhẹ, vừa, nặng ở nhóm 1 và nhóm 2 tương ứng là: 59,5%, 28,6%, 11,9% và 60,5%, 27,9%, 11,6%. Không có sự khác nhau về tần suất và mức độ nhiễm HP giữa 2 nhóm nghiên cứu (p > 0,05). Với kết quả nghiên cứu này cho thấy phần lớn số bệnh nhân (trong cả 2 nhóm) nhiễm HP ở mức nhẹ và mức trung bình. Số bệnh nhân nhiễm HP mức độ nặng chiếm tỷ lệ thấp hơn so với mức độ nhẹ và trung bình.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với các nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong nghiên cứu của Vũ Thị Lừu [136] cho biết tỷ lệ nhiễm HP ở bệnh nhân nhóm dùng EAL và nhóm EAM tương ứng là: 63,6%, 21,2%, 15,2% và 66,6%, 15,2%, 18,2%. Không có sự khác nhau về tần suất và mức độ nhiễm HP giữa 2 nhóm nghiên cứu (p > 0,05).
Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy có mối liên quan giữa nhiễm HP, hút thuốc lá với tần suất loét HTT. Nghiên cứu tại Đan Mạch trong 2 năm (1982-1984) trên 2416 bệnh nhân điều tra về các yếu tố nguy cơ gây loét HTT. Kết quả nghiên cứu cho biết: Nếu bệnh nhân có nhiễm HP kết hợp nghiện thuốc lá thì nguy cơ loét HTT tăng lên cao hơn có ý nghĩa so với bệnh nhân nhiễm HP nhưng không nghiện thuốc lá [150].
4.2.7. Mức độ tổn thương mô bệnh học 2 nhóm nghiên cứu 4.2.7.1. Mức độ viêm niêm mạc hang vị
Tất cả các bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu, chúng tôi lấy sinh thiết từ niêm mạc dạ dày để làm mô bệnh học, nhằm xác định tình trạng viêm hoạt động ở niêm mạc hang vị. Theo phân loại, mức độ viêm niêm mạc dạ dày
được chia thành 4 mức sau: Không hoạt động, hoạt động nhẹ, hoạt động vừa, hoạt động nặng. Kết quả nghiên cứu trong bảng 3.30 cho biết mức độ viêm hoạt động nhẹ, hoạt động vừa, hoạt động nặng ở nhóm 1 và nhóm 2 tương ứng: 9,5%, 47,6%, 42,9% và 9,3%, 48,8%, 41,9%. Với kết quả này đã cho thấy: Số bệnh nhân ở 2 nhóm đều có mức hoạt động vừa và nặng chiếm tỷ lệ cao gặp đều cả 2 nhóm so với viêm hoạt động mức độ nhẹ. Tuy nhiên, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p > 0,05) về mức độ viêm niêm mạc hang vị giữa 2 nhóm nghiên cứu.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Tuyết Lan về mô bệnh học ở bệnh nhân loét HTT cho biết: Mức độ viêm hoạt động vừa chiếm 30%, viêm hoạt động nặng 2,%. Nghiên cứu của Phạm Thị Lan Hương cho biết 100% bệnh nhân loét HTT có viêm niêm mạc dạ dày mạn tính, đặc biệt ở vùng hang vị. Đa số là viêm nông (39%) và teo nhẹ (48,4%), ít gặp viêm teo vừa và viêm teo nặng. Mức độ viêm hoạt động chủ yếu viêm hoạt động vừa (39%) và viêm hoạt động nặng (32,9%).
Kết quả nghiên cứu của các tác giả khác trong và ngoài nước đều thấy rằng với những bệnh nhân loét hành tá tràng đều thường có kết hợp với viêm dạ dày mạn. Có nhiều yếu tố quan trọng tham gia thúc đẩy viêm dạ dày, trong đó yếu tố về Helicobacter pylori đóng vai trò quan trọng.
4.2.7.2. Tình trạng viêm teo niêm mạc hang vị trong loét HTT
Theo Tytgat NJ [151] thì viêm teo mạn tính, đặc biệt viêm mạn tính hoạt động được coi là đặc trưng của viêm dạ dày do HP gây nên. Nhiều công trình trong và ngoài nước khi nghiên cứu về loét HTT đều có nhận định chung là tỷ lệ viêm teo mạn tính ở hang vị chiếm một tỷ lệ rất cao từ 90 - 100%.
Mô bệnh học ngoài việc đánh giá mức độ viêm hoạt động của niêm mạc hang vị, còn có thể giúp đánh giá đúng tình trạng viêm teo, dị sản ruột và loạn
sản. Mức độ viêm teo hang vị cũng được chia thành 3 mức: viêm teo nhẹ, viêm teo vừa và viêm teo nặng. Kết quả trong bảng 3.31 cho biết: hầu hết bệnh nhân loét HTT đều có viêm teo niêm niêm mạc hang vị ở các mức độ khác nhau, hay gặp là viêm nông và teo nhẹ ở cả 2 nhóm. So sánh mức độ viêm teo niêm mạc hang vị sau điều trị giữa 2 nhóm nghiên cứu tại bảng 3.37 có khác nhau, nhưng chưa có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
4.2.7.3. Tình trạng dị sản ruột trong loét HTT
Dị sản ruột (DSR) là sự biến đổi tế bào của niêm mạc dạ dày sang trạng thái biểu mô ruột với sự xuất hiện tế bào đài chế nhầy và tế bào hấp thu có xu hướng hình thành nhung mao với điểm bàn chải ở phía ngọn tế bào [152], ở người bình thường rất ít khi có DSR, ở người viêm dạ dày mạn tính, tỷ lệ DSR có xu hướng tăng theo mức độ viêm teo. DSR thường đi kèm với các tổn thương lành tính hoặc ác tính, trong nhiều nghiên cứu cho thấy cũng có sự liên quan giữa DSR và nhiễm HP, DSR là điều kiện thuận lợi để HP xâm nhập, cư trú ở tá tràng, nhằm thích ứng với môi trường pH thấp do lượng acid, pepsin quá mức từ dạ dày đổ vào tá tràng [153], [154]. Tính thích ứng với tình trạng acid hóa, đi kèm biến đổi niêm mạc là cơ chế bảo vệ biểu mô tá tràng [154].
Trong nghiên cứu gần đây của Nguyễn Thị Hà Thanh và cs [155] ở bệnh nhân loét dạ dày nhiễm HP thì tổn thương dị sản ruột gặp khá nhiều và gặp nhiều hơn so với những người loét dạ dày tá tràng nhưng không nhiễm HP. Nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Chức và cs [156] trên 77 bệnh nhân loét hành tá tràng có kèm theo viêm hang vị thì tỷ lệ dị sản ruột là 81,8%. Nghiên cứu của Trần Văn Hợp và cs [157] trong 53 trường hợp loét HTT thì tỷ lệ dị sản ruột chiếm 69,8%. Tạ Long và cs [158] nghiên cứu trong 258 trường hợp loét HTT cũng cho biết tỷ lệ dị sản ruột chiếm: 66,3%. Do vậy, dị sản ruột có thể là một yếu tố nguy cơ đối với loét HTT.
Trong nghiên cứu của chúng tôi cho biết:
Trong 42 bệnh nhân nhóm dùng HPmax: Có 10 bệnh nhân có dị sản ruột (23,8%), 4 bệnh nhân loạn sản (9,5%). Trong 43 bệnh nhân nhóm dùng OAC: Có 11 bệnh nhân có dị sản ruột (25,6%), 4 bệnh nhân loạn sản (9,3%), sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05) về tỷ lệ bệnh nhân loạn sản ruột và dị sản trước điều trị ở 2 nhóm bệnh nhân nghiên cứu.
Như vậy, so với các nghiên cứu khác thì tỷ lệ loạn sản và dị sản của chúng tôi có thấp hơn.
Tóm lại: Với kết quả nghiên cứu đã trình bày ở phần 3.2.1 cho thấy rằng 2 nhóm bệnh nhân trong nghiên cứu đều đồng nhất nhau về lâm sàng, cận lâm sàng, cũng như các yếu tố nguy cơ gây bệnh và tiền sử bệnh. Sự đồng nhất này giúp cho việc so sánh kết quả điều trị giữa hai nhóm đảm bảo tính chính xác và khoa học.