* Phân bố thời gian mắc bệnh.
Điều tra dịch tễ học đóng vai trò quan trọng để giúp ra định hướng các chiến lược điều trị cho bệnh nhân, đồng thời đưa ra các khuyến cáo điều trị dự phòng. Trong nghiên cứu của chúng tôi đã phân bố về thời gian mắc bệnh theo các năm cụ thể, thấp nhất dưới 5 năm và cao nhất trên 15 năm. Kết quả nghiên cứu biểu đồ 3.1 cho biết: Tỷ lệ loét HTT có thời gian mắc bệnh dưới 5 năm chiếm tỷ lệ cao nhất, với nhóm 1 là: 47,6% và nhóm 2 là: 51,2%. Số bệnh nhân mắc bệnh trên 15 năm chiếm tỷ lệ thấp cho cả 2 nhóm. Không có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ mắc bệnh theo mức thời gian giữa 2 nhóm nghiên cứu (p > 0,05).
Nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp các nghiên cứu của các tác giả khác trong nước. Nghiên cứu của Phạm Thị Lan Hương [140] số bệnh nhân có thời gian mắc loét HTT từ 1 - 5 năm chiếm tỷ lệ nhiều nhất (58,5%). Cũng tương tự như vậy trong nghiên cứu của Tạ Long [134], Nguyễn Thị Tuyết Lan
[94], Nguyễn Thị Bích Đào [141] cho biết: thời gian mắc loét HTT chủ yếu từ 1-5 năm và tỷ lệ này tương ứng cho mỗi nghiên cứu là: 60%, 67,7% và 73%.
Trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Xuyên [142] trên số lượng bệnh nhân khá lớn loét HTT có hút thuốc lá và không hút thuốc lá, tác giả cũng phân chia theo thời gian với các mốc thời gian khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Đa số bệnh nhân có thời gian mắc bệnh dưới 5 năm: nhóm LAM (losec + amoxycillin + metronidazol) là 50,5% và nhóm RAM (ranitidin + amoxycilin + metronidazol) là 59%. Số bệnh nhân có thời gian mắc bệnh trên 15 năm chiếm tỷ lệ thấp: Nhóm LAM là 5,7%, nhóm RAM là 6,7%.
Ngày nay, cùng với sự phát triển rộng khắp của nhiều thiết bị nội soi, với nhiều loại thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng và sự truyền thông ngày càng được nâng cao đã giúp cho người dân hiểu và biết cách phòng bệnh loét dạ dày tá tràng. Do vậy, đã giảm tỷ lệ số người bị loét HTT, đồng thời cũng giúp cho bệnh nhân phát hiện sớm hơn và điều trị bệnh nhanh hơn.
• Các yếu tố nguy cơ gây loét HTT.
Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt của các kỹ thuật sinh học phân tử đã giúp phát hiện được những yếu tố nguy cơ gây loét HTT. Ngoại trừ, yếu tố vi khuẩn Helicobacter pylori thì có một số yếu tố sau được coi là những yếu tố nguy cơ thường gặp gây loét HTT như: Rượu-bia, hút thuốc lá, sử dụng thuốc non-steroid (NSAIDs).... Trong nghiên cứu của chúng tôi cũng phân chia cụ thể theo những yếu tố này và kết quả nghiên cứu bảng 3.27 cho biết các yếu tố nguy cơ (nghiên rượu, sử dụng NSAID, hút thuốc) gặp đều ở cả 2 nhóm, trong đó số bệnh nhân nhân có tiền sử nghiện rượu gặp đều ở cả 2 nhóm: 40,5% ở nhóm 1 và 44,1% ở nhóm 2, không có sự khác biệt có ý nghĩa về các yếu tố gây bệnh khác nhau giữa 2 nhóm nghiên cứu (p > 0,05).
Các nghiên cứu gần đây đã cho biết: Rượu làm tổn thương niêm mạc dạ dày do xuất huyết dưới niêm mạc với tình trạng phù nề và tăng sinh các tế bào
viêm. Tổn thương tế bào do tổn thương lớp lipid của rượu là nguyên nhân làm gián đoạn hàng rào bảo vệ niêm mạc trực tiếp gây hư hại các mạch máu nhỏ và từ đó dẫn đến loét HTT.
Đã có nhiều tài liệu y văn nói đến vai trò của các thuốc kháng viêm không steroid (Nonsteroidal anti-inflammatory drugs: NSAIDs) trong viêm và loét dạ dày, hành tá tràng, trong đó có loét HTT [143]. Các tài liệu thống kê cho biết: NSAIDs chiếm tỷ lệ 15% - 20% trong các nguyên nhân gây loét HTT. Các nghiên cứu tại Mỹ cho biết: Số bệnh nhân cần phải sử dụng NSAIDs trong các bệnh khác nhau chiếm tỷ lệ 11% [143] và tỷ lệ sử dụng NSAID tăng dần ở những người cao tuổi. Nguy cơ chảy máu tăng gấp 5 đến 6 lần ở những bệnh nhân có sử dụng NSAIDs so với những bệnh nhân không sử dụng NSAIDs. Tần suất loét gây biến chứng (thủng, chảy máu) tăng 1% - 4%/100.000 dân có sử dụng các thuốc NSAIDs.
Nhiễm HP và dùng NSAIDs đều làm tăng nguy cơ của loét và hai nguyên nhân này tác động hiệp đồng gây loét dạ dày tá tràng [143]. Nguyễn Duy Thắng và cs [144] nghiên cứu trên 5.077 bệnh nhân được nội soi dạ dày tá tràng phát hiện có 79 bệnh nhân có dùng NSAIDs. Kết quả xét nghiệm cho biết tỷ lệ nhiễm HP trên bệnh nhân có dùng NSAIDs là 87%. Tất cả các bệnh nhân có dùng NSAIDs đều bị viêm hoặc có loét dạ dày, hành tá tràng. Như vậy, nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, hành tá tràng ở 79 bệnh nhân này có thể có cả vai trò của 2 yếu tố trên (HP và NSAIDs).