Mô tả các vị thuốc trong thành phần Hpmax

Một phần của tài liệu nghiên cứu tác dụng của chế phẩm hpmax trong điều tri loét hành tá tràng có helicobacter pylori (Trang 30 - 35)

Hình 1.2. Cây Chè dây

* Chè dây: Ampelopsis Contoniensis Planch (vitaceae) họ nho [103].

Chè dây có nhiều ở vùng Cao Bằng, là một trong những vị thuốc dân gian chữa bệnh dạ dày lưu truyền rộng rãi ở các tỉnh miền núi. Chè dây chưa được ghi vào danh mục những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi năm 2003, nhưng gần đây đã được ghi vào danh mục Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam của nhà xuất bản khoa học kỹ thuật 2006.

+ Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất của cây Chè dây, thu hái vào lúc còn chưa ra hoa, cắt nhỏ, phơi khô [103].

+ Tính vị công năng: Vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, lợi thấp, chống viêm, giảm đau [103].

+ Nghiên cứu về thành phần hoá học: Trong Chè dây có flavonoid, tanin và hợp chất uronic; trong đó flavonoid là thành phần chính. Phạm Thanh Kỳ, Phùng Thị Vinh và cộng sự đã đi sâu nghiên cứu về cấu trúc hoá học của flavonoid chiết xuất được từ Chè dây xác định được hai flavonoid phân lập từ chè dây mọc ở Việt Nam là Myricetin và Dihydroxyricetin [103], [104], [105].

+ Nghiên cứu về tác dụng sinh học:

• Nghiên cứu khả năng trung hoà acid HCl của dịch chiết Chè dây tỷ lệ 1:1 thấy với mọi nồng độ acid HCl lúc ban đầu N/10, N/20, N/40, N/80, thì sau 15 phút, dịch chiết Chè dây đã trung hoà rất rõ độ acid và khả năng này kéo dài 20 giờ sau khi dùng Chè dây. Nồng độ dịch chiết Chè dây càng đậm đặc thì khả năng trung hoà acid HCl càng lớn [104]

• Đánh giá khả năng chống loét dạ dày và tính chỉ số loét theo phương pháp của Shay và Petocz nhận thấy Myricetin có tác dụng ức chế loét rất tốt [108].

• Nghiên cứu tác dụng giảm đau của dịch chiết Chè dây, tác giả thấy Chè dây có tác dụng giảm đau rõ rệt với tác nhân gây đau là acid acetic [108].

• Nghiên cứu về kháng khuẩn: các tác giả cho thấy flavonoid của Chè dây có tác dụng ức chế rõ rệt một số vi khuẩn như: Bacellins punmilus, Bacillus subtilis, E.Coi B16. Ngoài ra các tác giả còn nhận thấy dung dịch flavonoid có tác dụng kháng khuẩn gần tương đương so với kháng sinh (ampicilin, erythromycin, tetracyclin) [106].

• Khi nghiên cứu độc tính cấp, độc tính bán cấp của Chè dây các tác giả đã xác định thuốc không có độc cấp và bán cấp trên súc vật thí nghiệm sau 5 tuần dùng thuốc liên tục [107], [108].

+ Nghiên cứu trên lâm sàng: kết quả nghiên cứu của Vũ Nam và cộng sự cho thấy Chè dây có tác dụng chống viêm, giảm đau, liền sẹo và diệt HP, tác dụng cắt cơn đau do loét hành tá tràng 93,4% cao hơn Alusi 89%, và thời gian cắt cơn đau trung bình của Chè dây là 8,9 ngày, Chè dây làm liền sẹo ổ loét hành tá tràng đạt tỷ lệ 79,55% và làm sạch HP tỷ lệ 42,5% [80].

Hình 1.3. Cây Khôi

* Cây khôi: Ardisia Sykrestris Pitard

Có nhiều ở vùng núi phía Bắc và là loài có trong sách đỏ Việt Nam, có tên khoa học Ardisia Sykrestris Pitard thuộc họ đơn nem (Myrsinaceae) [109 ], [110].

+ Bộ phận dùng: Lá thu hái vào mùa hạ, phơi khô.

+ Nghiên cứu về thành phần hoá học: kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Phương Dung đã xác định các chất vô cơ cho thấy tỷ lệ các kim loại nặng ở lá Khôi rất thấp. Kết quả định tính của các nhóm chất hữu cơ cho thấy trong lá Khôi có tanin, flavonoid, đưòng khử, chất béo, coumarin [111].

+ Nghiên cứu về tác dụng sinh học:

• Tính an toàn của dược liệu đã được chứng minh khi thử độc tính cấp xác định liều dung nạp cao nhất ở chuột nhắt trắng theo đường uống với 50g/kg thể trọng chuột và chưa xác định được LD50. Điều đó chứng tỏ dược liệu có độ an toàn rộng [111].

• Nghiên cứu tác dụng kháng khuẩn: các tác giả cho thấy cao lỏng lá Khôi 1:1 và mẫu dịch chiết flavonoid toàn phần của lá Khôi đều có tác dụng ức chế vi khuẩn đối với vi khuẩn Gr(+) và Bucillus Sub [111].

• Nghiên cứu tác dụng chống viêm cấp: Tác giả đã cho thấy với liều 10g dược liệu/kg thể trọng chuột, cao nước chiết từ lá Khôi có tác dụng giảm độ phù chân chuột rõ rệt sau khi tiêm tác nhân gây viêm là nhũ dịch carragenin 1%. Nếu tăng liều thuốc cho chuột uống tác dụng chống viêm cấp cũng không tăng lên, và cho thấy tác dụng chống viêm của lá Khôi mạnh xấp xỉ bằng 2/3 tác dụng chống viêm của Analgin liều 100mg/kg thể trọng [111].

• Nghiên cứu về tác dụng giảm đau: với dịch chiết lá Khôi tỷ lệ 1:1 cả 2 liều 5g và 10g/ kg chuột, sau thời gian uống thuốc 30 phút đều có tác dụng giảm đau rõ rệt [111].

• Nghiên cứu tác dụng ức chế loét dạ dày chuột: nghiên cứu khả năng ức chế loét dạ dày của lá Khôi trên mô hình gây loét bằng thắt môn vị chuột. Kết quả cho thấy ở cả 2 lô thuốc thử mẫu 1 (cao lỏng 1:1 liều 10g dược liệu/kg) và mẫu 2 (dịch chiết toàn phần của lá Khôi) đều ức chế loét rõ, mẫu 1 chỉ số loét là 2,5 giảm 74,2% so với lô chứng, mẫu 2 chỉ số loét là 2,9 giảm 70% so với lô chứng, qua đó nói lên thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, không bị ảnh hưởng bởi acid dịch vị bị ứ lại do thắt môn vị [111].

+ Nghiên cứu trên lâm sàng: Nguyễn Văn Tuất đã dùng lá Khôi chữa một số trường hợp đau dạ dày, dùng riêng hoặc phối hợp sơ bộ đã nhận định với liều 50-100g lá Khôi hàng ngày có thể từ đỡ đau đến hết đau, dùng 250g/ ngày gây chóng mặt, buồn nôn [88].

Hình 1.4. Cây Dạ cẩm

* Dạ cẩm: Heddyotis capitellata Wall exG.Donvaz- mollis Pierre ex Pit

Tên Việt Nam: Dạ cẩm, Loét mồm tía, Loét mồm, đứt lưỡi...Mọc khá phổ biến ở nước ta chủ yếu ở vùng trung du, miền núi như Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hoà Bình... [76], [103], [110], [112 ], [113]. + Bộ phận dùng: Toàn cây, nhất là lá và ngọn non thu hái quanh năm, phơi hay sấy khô... [102], [110].

+ Tính vị qui kinh: có vị cam, khổ bình, qui vào kinh tỳ vị [102], [110]. + Tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, giảm đau, tiêu viêm, chữa đau dạ dày, lở loét miệng lưỡi… [102], [110].

+ Nghiên cứu về thành phần hoá học: đã xác định các chất hữu cơ có trong thân, lá, rễ là Alcaloid, Saponin, Tridoid, Tanin [76], [114].

+ Nghiên cứu về tác dụng sinh học:

• Thử độc tính cấp xác định LD50 tính theo dược liệu khô của thân lá Dạ cẩm là 160,0 ± 24,12 g/kg thể trọng chuột, của rễ là 344,00 ± 64,00 g/kg thể trọng chuột. Alcaloid toàn phần không thể hiện có độc tính khi dùng đường uống ở liều 1400mg/kg thể trọng chuột [76].

• Nghiên cứu về giảm đau: Trên mô hình gây đau bằng nhiệt, dung dịch alcaloid toàn phần 1% Dạ cẩm ở liều 39,2mg/kg thể trọng chuột có tác dụng giảm đau là 37,9%; nước sắc thân lá (2:1) ở liều 7,48g dược liệu /kg thể trọng chuột có tác dụng giảm đau là 56,9% [76], [115].

• Nghiên cứu về tác dụng chống viêm: Dung dịch alcaloid toàn phần 1% Dạ cẩm ở liều 196,1mg/kg thể trọng chuột có tác dụng ức chế phù viêm cấp trên chuột cống trắng là 32,35%, nước sắc thân lá (2:1) liều 37,4 g dược liệu khô /kg thể trọng chuột là 24,51% so với lô chứng [76].

• Nghiên cứu về giảm thể tích dịch vị và độ acid, khả năng chống loét: Alcaloid toàn phần với liều 0,02g/kg thể trọng chuột có tác dụng làm giảm được 79,9% thể tích dịch vị, chỉ số loét giảm 100%; còn nước sắc thân, lá (2:1) ở liều 4g dược liệu khô/kg thể trọng, giảm được 77,3% thể tích dịch vị và chỉ số loét giảm được 83,38% so với lô chứng [76].

• Nghiên cứu về kháng khuẩn: Tác giả cho thấy nước sắc thân, lá (2:1), nước sắc rễ (2:1) có tác dụng ức chế 5 chủng vi khuẩn Gr(+), 5 chủng Gr(-), và có khả năng ức chế HP in vitro: Các chế phẩm nước sắc thân lá tỷ lệ 2:1, nước sắc rễ tỷ lệ 4:1, dung dịch alcaoid toàn phần 1%, dung dịch hedyocapitin đều có tác dụng ức chế vi khuẩn HP, với alcaloid toàn phần, vi khuẩn HP thể hiện sự nhạy cảm ở nồng độ chất thử tối thiểu là 100 µg (lấy theo tiêu chuẩn đường kính vòng vô khuẩn của kháng sinh đối chứng là amoxicilin 30 µg >18mm) [76], [116].

+ Nghiên cứu trên lâm sàng:

Bệnh viện Lạng Sơn đã dùng cây Dạ cẩm làm thuốc điều trị bệnh đau dạ dày từ năm 1962 cho kết quả tốt. Viện y học cổ truyền Việt Nam nghiên cứu về cao Dạ cẩm cho thấy có tác dụng giảm đau từ từ và sau 7 ngày thì cắt được cơn đau [88].

Tóm lại: Như đã trình bày ở trên, các nghiên cứu độc lập đối với từng vị thuốc cho thấy: Chè dây, Dạ cẩm, lá Khôi đều có tác dụng chống viêm, giảm đau, trung hòa acid, chống loét dạ dày, làm lành vết loét dạ dày, hành tá tràng trên thực nghiệm cũng như trên lâm sàng. Do vậy, các nhà bào chế dược cổ truyền đã kết hợp 3 dược liệu trên trong chế phẩm HPmax hy vọng sẽ mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn so với dùng riêng lẻ từng dược liệu. Tuy nhiên sự kết hợp này liệu có đảm bảo chỉ tạo ra các tương tác có lợi mà không có những tương tác bất lợi hay không? nghiên cứu này sẽ góp phần giải đáp những câu hỏi trên.

CHƯƠNG 2

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP

Một phần của tài liệu nghiên cứu tác dụng của chế phẩm hpmax trong điều tri loét hành tá tràng có helicobacter pylori (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)