Tác động tích cực

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ngành sản xuất chè trên địa bàn Huyện Đại Từ Tỉnh Thái Nguyên (Trang 83 - 85)

-

3.1.1.Tác động tích cực

Phát triển sản xuất chè nằm trong sự phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, sự phát triển này gắn liền với việc sử dụng các yếu tố đầu vào như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và một số chất hóa học khác… là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến môi trường. Vì vậy, nếu sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu,… đúng quy định sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cây chè và góp phần phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái.

Huyện Đại Từ đã xác định chè là cây mũi nhọn, là cây làm giàu, giảm nghèo, mang lại nguồn thu lớn. Phát triển sản xuất chè nhằm đạt được mục tiêu phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường cần tiếp tục đầu tư cho cây chè theo hướng tập trung, an toàn, bền vững. Hiện nay rất nhiều xã đã sản xuất chè áp dụng quy trình thực hành tốt, điển hình như làng nghề xã La Bằng, một mô hình sản xuất chè sạch, an toàn thực phẩm. Để sản xuất chè không ảnh hưởng tới môi trường, bà con nông dân trong huyện đã tiến hành:

- Mở rộng diện tích chè trên những diện tích đất đồi còn trống, núi trọc nhằm che phủ đất, hạn chế xói mòn rửa trôi, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường.

- Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân vi sinh, sử dụng cân đối các loại phân hóa học để tránh sự nghèo kiệt chất dinh dưỡng, đảm bảo vừa tăng năng suất, vừa đảm bảo chất lượng chè, vừa mang lại nguồn ngoại tệ lớn.

- Tăng cường hướng dẫn phương pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM) cho chè hướng tới việc sản xuất chè sạch, chè an toàn và hạn chế sự ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí vật chất.

- Quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn, khuyến khích phát triển sản xuất chè theo loại hình trang trại bằng các chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, tăng cường năng lực hoạt động của các doanh nghiệp chế biến chè, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất chè có giá trị, an toàn làm cơ sở thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu chè an toàn, bền vững

- Bên cạnh đó phát triển chè theo hướng kết hợp giữa trồng chè và chăn nuôi: nuôi ong để hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu; nuôi lợn để có nguồn phân bón cho chè hoặc có thể sử dụng nguồn phân để xây dựng lò Biogas dùng làm nhiên liệu chế biến chè nhằm hạn chế chất đốt từ than và củi.

Nếu thực hiện được dự án quy hoạch chè của huyện thì sẽ nâng năng suất chè lên 14 tấn/ha vào năm 2020, sẽ tạo thảm xanh che phủ vùng đồi núi chẳng những có ý nghĩa về môi trường mà còn tạo cảnh quan xanh rộng lớn, tạo cho du lịch sinh thái phát triển, tạo điều kiện để hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu. Đến năm 2020, khi Thái Nguyên có nền công nghiệp phát triển thì một vùng chè ven đô thị sẽ là thảm xanh, tạo môi trường tốt cho phát triển bền vững.

Như vậy, trồng chè không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mang lại năng suất, chất lượng, ngoại tệ lớn mà cây chè còn mang lại công ăn, việc làm cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần quan trọng chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn. Góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu bằng tiềm năng sẵn có tại địa phương.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ngành sản xuất chè trên địa bàn Huyện Đại Từ Tỉnh Thái Nguyên (Trang 83 - 85)