7. Cấu trúc của luận văn
3.4. Địa danh thể hiện đặc trưng phương ngữ thành phố Huế
Mỗi vùng đất, mỗi miền quê đều có những nét đặc trưng về cách dùng từ, cách phát âm, có ít nhiều khác biệt với ngôn ngữ toàn dân. Tiếng Huế không phải chỉ đơn giản mô, tê, răng, rứa như thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong thơ, nhạc, văn xuôi. Đó được xem như những nét chấm phá rất dễ thương để nói về người và xứ Huế. Trên thực tế, nó phong phú và đang dạng hơn nhiều. Tùy vào từng khu vực cách phát âm có chỗ nặng, chỗ nhẹ, lúc thanh tao, khi khó hiểu. Phương ngữ thông thường ít xuất hiện trên giấy trắng mực đen nhưng lại làm nên một bản sắc văn hóa rất Huế. Ngay trong cách định danh cho các sự vật xung quanh, người dân xứ Huế cũng dùng nhưng nét đặc trưng riêng về phong cách ngôn ngữ. Nhiều địa danh sử dụng phương ngữ
và đã đạt được hiệu quả tích cực trong việc làm nổi rõ những nét độc đáo trong ngôn ngữ của người Huế.
+ Niệm phật đường Vĩ Dạ
Trước hết ta cần tìm hiểu về nguồn gốc của tên gọi “Vĩ Dạ”
Nói đến Huế có lẽ không ai không nhắc tới Thôn Vĩ với nét đẹp êm đềm quyến rũ nơi đây. Vẻ đẹp huyền ảo thơ mộng ấy đã được Hàn Mặc Tử gói gọn trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” nổi tiếng. Thôn Vĩ tức thôn Vĩ Dạ (nay thuộc phường Vĩ Dạ, Thành phố Huế), nguyên từ gốc là Vĩ Dã. Trong tiếng Hán Vĩ (có nghĩa là lau), Dã (có nghĩa là cánh đồng). Sở dĩ có tên gọi như vậy vì xưa kia nơi đây c̣òn khá hoang sơ, lau sậy mọc thành những ruộng lớn, vì thế người xưa gọi nơi đây là Vĩ Dã có nghĩa là cánh đồng lau sậy. Đây là địa danh nằm bên bờ sông Hương. Trước kia, nơi đây có nhiều vườn tược rất xinh xắn, nên thơ, là nơi cư ngụ của nhiều vương hầu quý tộc, danh sĩ thời trước. Vĩ được viết “i” ngắn vì đây là cách viết theo sách ngữ văn hiện hành. Và theo Lê Quý Đôn thì thôn Vĩ Dạ thời các chúa Nguyễn ở thế kỷ 18 là ðất của hai làng Vĩ Dạ thượng và Vĩ Dạ hạ thuộc tổng Vĩ Dạ huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa (Phủ biên tạp lục, 79).
Theo cách phát âm của người Huế thì từ Dã gần giống với “Dạ” nên qua thời gian địa danh Vĩ Dã đã được đọc thành Vĩ Dạ.
Vì niệm Phật đường được xây dựng trên địa phận của phường Vĩ Dạ nên được đặt tên là Niệm phật đường Vĩ Dạ.
+ Chùa Linh Mụ
Theo từ điển tiếng Việt thì “Mụ” có thể là một danh từ có khi lại là một tính từ. Khi đảm nhận chức vụ danh từ “Mụ” được dùng với nghĩa: Người đàn bà có tuổi (có ý coi khinh).
Lầu xanh có mụ tú bà
Làng chơi đã trở về già hết duyên (Truyện Kiều)
Từ này nói với người phụ nữa già bậc dưới hoặc người chồng già gọi thân mật vợ mình.
Mụ còn có nghĩa bà mụ (từ cũ) còn để chỉ người đỡ đẻ ở nông thôn ngày trước.
Khi đảm nhận chức vụ tính từ thì “Mụ” mang nghĩ: Mất sáng suốt, nhanh nhẹn khi làm việc quá căng thẳng (Mụ cả người).
Riêng với xứ Huế, trước đây từ Mụ còn được dùng để chỉ cháu trai, cháu gái của Vua triều đình nhà Nguyễn.
Khi soi vào lịch sử tên gọi chùa Linh Mụ ta sẽ nhận ra nhiều đặc điểm khác biệt tiêu biểu của phương ngữ Huế trong cả cách phát âm và lối dùng từ.
Chùa Thiên Mụ vốn có từ lâu đời, vào buổi hừng đông xứ Thuận Hóa. Năm 1555, khi sách “Ô Châu cận lục” ra đời thì chùa đã là một ngôi phạm vũ nổi tiếng ở vùng đất này. Lúc đó, Thiên Mụ chưa phải là quốc tự, như cái tên Thiên Mụ đã được tiền nhân nghĩ ra và viết thành văn tự.
Cho tới nay, chưa có sử liệu nào nói rơ Thiên Mụ được đặt tên vào năm nào, vì thời ấy quan hệ Việt – Chăm còn chưa thân thiết. Nhưng điều chắc chắn là sự kiện này không xảy ra vào thời chúa Nguyễn Hoàng đến thăm chùa vào năm 1601 mà phải trước đó ít nhất 250 năm. Theo một số tài liệu, trên đồi Hà Khê cũ đã có đàn, miếu của người Chăm, về sau người Việt mới dựng chùa ở nơi đó. Vì đồi Hà Khê là một ngọn đồi mà cả người Chăm, người Việt người Trung Hoa và cả người phương Tây đều khẳng định đó là một ngọn đồi thiêng. Mãi đến sau này vua Gia Long mới cho đổi tên thành Thiên Mụ Sơn. Do vậy, không nên nhầm lẫn tên núi với tên chùa. Tương truyền, ngày xưa có một bà già ở trên trời thường hiện xuống đồi Hà Khê để nghe chuyện thế sự nhân tình và giúp dân. Có người nói đó là bà Tiên, bà Chúa Ngọc, bà Giàng, bà Trời, bà Già Trời. Bà là một trong nhiều hiện thân của Quan Thế Âm. Đồi
Hà Khê có bà Trời linh thiêng như vậy, nên khi đến trấn nhậm Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng đã “mượn” Bà làm huyền thoại trong việc xây dựng sự nghiệp đế chúa của ông.
Để bày tỏ niềm tôn kính, người Huế ngày xưa đã gọi bà Trời bằng “Mụ”. Thiên Mụ có nghĩa là bà Tiên hay bà Nhà Trời. Người phương Tây đã có chút gặp gỡ với người phương Đông khi gọi bà Mụ là Sage femme, có nghĩa là Mụ đỡ, vừa là người đàn bà minh triết, thường chỉ dạy đạo lý và giúp đỡ con người.
“Mụ” là chữ Nôm, có nghĩa thông thường là “bà”, “bà già” – Người đàn bà lớn tuổi có chồng, không chồng hay chưa chồng, người Huế đều gọi là Mụ. Em gái của cha, dù còn ở độ tuổi trăng tròn vẫn được gọi là “o”. Lên thêm một đời, ngang hàng ông nội thì người đàn bà ấy dù trẻ tuổi vẫn được người Huế gọi bằng “Mụ cô bà”.
Thiên Mụ cũng có khi được đọc là Thiên Mỗ hay Thiên Mộ. Một chữ Mụ mà có ba cách đọc khác nhau: Mụ, Mỗ, Mộ, đọc âm nào cũng được không sai. Vì theo cách phát âm của người Huế thì thường các từ có âm “Ô” sẽ được nói trại thành âm “U”.
Ví dụ Tôi → Tui.
Tối lửa tắt đèn → Túi lửa tắt đèn.
Dựa vào bản gốc chữ Hán sách “Ô châu cận lục” do tiến sĩ Dương Văn An hiệu đính (Không phải biên soạn), các học giả xưa nay đã phiên âm theo cách riêng của mình. Năm 1960, cử nhân Hán học cũ Bùi Lương phiên âm tên chùa Thiên Mụ là Thiên Mỗ. Năm 1997, viện Hán Nôm phiên âm là Thiên Mụ, còn trong dân gian vẫn có người gọi là Thiên Mộ.
Các nhà nghiên cứu văn hóa Huế của hội Đô Thành Hiếu Cổ giai đoạn 1913 – 1944 lại thích gọi tên chùa Linh Mụ là Thiên Mẫu.
Còn trong dân gian, có nhiều người gọi tên chùa Linh Mụ là chùa “Thiên Mụ”, vì họ cho rằng chùa này rất linh thiêng.
Dân gian có cách nói nôm na của họ nên chuyện đúng hay sai là không thể bàn cãi. Hơn nữa, theo các nhà ngôn ngữ học, do “uống nước sông hương” mà người Tràng An có giọng nói không giống với các nơi khác, nên đã nói chữ “Thiên” thành “Thiêng” (nhưng lại viết là Thiên). Theo cách phát âm của người Huế thì từ “Thiên” được phát âm biến trại thành “Thiêng” (có “g” ở đằng sau), chứ không phải vì linh thiêng mà gọi là Thiêng Mụ.
Do không có con, vì mục đích cầu tự, vua Tự Đức đã hạ lệnh “kiêng” dùng chữ “Thiên”. Chùa Thiên Mụ được chính thức đổi thành chùa Linh Mụ vào năm 1862, từ đó cái tên Linh Mụ được dùng phổ biến.
Tiếng chuông Linh Mụ gió ngân nga Thọ Xương văng vẳng lắng canh gà.
(Vân Bình Tôn Thất Lương)
Qua một quá trình lịch sử lâu dài, với những tác động từ xã hội, tâm linh, ngôn ngữ, văn hóa… đã có nhiều tên gọi với ngôi cố tự đệ nhất Huế. Nhưng ngày nay, chúng ta thường nhắc tới hai tên gọi quen thuộc là Thiên Mụ hay Linh Mụ.
+ Điện Hòn Chén
Trong những địa danh tâm linh ở thành phố Huế thì điện Hòn Chén có lẽ là nơi ẩn chứa nhiều sự tích huyền nhiệm nhất. Xét dưới góc độ ngôn ngữ học địa danh này mang trong mình nét đặc trưng của phương ngữ Huế rất đậm nét. Chúng ta không bàn tới từ “hòn”, vì “hòn” trong “điện Hòn Chén” cũng được dùng với nét nghĩa chỉ những núi, đảo nhỏ như trong từ điển tiếng Việt đã nêu ra.
Điều đáng nói tới ở đây là yếu tố “chén”. Nếu như cách dùng của tiếng Việt phổ thông thì “chén” là từ chỉ đồ dùng để uống, bằng sành, sứ, có
kích thước nhỏ. Theo sử, núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn, sau mới đổi thành Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc). Dân gian vẫn quen gọi là Hòn Chén vì nó ngay ngắn tròn trĩnh như hình chiếc chén úp. Cũng vì vậy, người ta quen gọi ngôi điện thờ Thánh Mẫu tọa lạc giữa lưng chừng núi là điện Hòn Chén.
Theo cách dùng của người Huế thì “chén” không phải là vật dùng để uống như bộ chén trà, chén bát như các nơi khác quan niệm. Ở Huế, nói tới “chén” là nói tới vật dùng để đựng thức ăn, nhưng có kích thước vừa hoặc nhỏ: chén ăn cơm. Có thể thấy, “chén” trong điện Hòn Chén được dùng với nét nghĩa mà người dân xứ Huế vẫn sử dụng. Vì truyền thuyết vua Minh Mạng trong một lần đến đây đã đánh rơi chiếc chén ngọc xuống dòng sông Hương, tưởng không lấy được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. Từ đó, điện Hòn Chén còn có tên là điện Hoàn Chén (với ý nghĩa trả lại chén ngọc). Từ “chén” ở đây cũng được hiểu theo phương ngữ Huế.
Điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, một thắng cảnh tuyệt đẹp thu hút bao người. Bên cạnh đó, nếu soi rọi từ góc độ ngôn ngữ học, địa danh còn cho ta hiểu thêm về một nét trong phương ngữ Huế.