7. Cấu trúc của luận văn
3.3. Địa danh thể hiện dấu ấn lịch sử
Nằm giữa lòng miền Trung, đất không rộng, người không đông, nhưng trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, người dân xứ Huế đã gìn giữ và bảo quản cho đất nước quần thể di tích lịch sử, văn hóa độc đáo với kiến trúc cố đô Huế còn tương đối nguyên vẹn. Trải qua bao thế kỷ, Huế vẫn lưu giữ cho thế hệ ngày nay một kho tàng sử liệu đồ sộ từ các di tích của nền văn hóa Chămpa, đến quần thể di tích lịch sử văn hóa liên quan đến triều đại phong
kiến nhà Nguyễn với đầy đủ hệ thống thành quách, cung điện, đền miếu, lăng tẩm. Không những thế, đây còn là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người con đất Việt như Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ… Bề dày truyền thống ấy đã tạo nên một hệ thống địa danh mang dấu ấn lịch sử trong đó có cả các địa danh tâm linh.
+ Nhà thờ Bến Ngự
Bến Ngự là một địa danh gắn với đời sống lịch sử văn hóa Huế, rất thân quen và phổ biến đối với những ai yêu Huế, quan tâm đến Huế. Xuất phát từ sự kiện văn hóa lễ tế Nam Giao của các vua triều Nguyễn đầu thế kỷ XIX: “Gia Long năm thứ nhất (1802) tháng 5 đặt đàn ở địa phận xã An Ninh, hợp tự cả Trời, Đất”. Đến dịp tế Giao năm Bính Thân, vua Minh Mạng đã cho làm bến để thuyền ngự lên bờ. Sự kiện này đã được sách Đại Nam thực lục chép lại: “Ngày Đinh Mão tháng 2, năm Bính thân, Minh Mạng 17 (1836), tế trời đất ở đàn Nam Giao hằng năm, ngự giá qua sông Hương, qua bờ sông Lợi Nông đều phải qua cầu phao. Vua nghĩ, làm cầu, phiền và vất vả, chi bằng đi thuyền cho tiện. Bèn chuẩn cho bắt đầu từ năm nay, đến kỳ tế Giao, trước một ngày, vua ngự thuyền lâu Vĩnh Ninh, theo đường song, đến bến đò Dương Xuân, lên bờ đến Trai Cung. Trước đó, sai thống chế Hồ Văn Khuê đem quân khơi vét của sông Lợi Nông, lại xây bậc thềm ở phía nam bến Dương Xuân để lên bờ.
Như vậy, nguyên trước tại địa điểm này đã có một bến đò được gọi là bến Dương Xuân. Sau đó, vì sự kiện lịch sử trên mà bến Dương Xuân được gọi là Bến Ngự. Ngày nay, mỗi khi nhắc đến Bến Ngự có lẽ không ai trong chúng ta không tưởng nhớ tới một nhân vật lịch sử kiệt xuất: Phan Bội Châu. Ông già Bến Ngự. Cái tên Ông Già Bến Ngự được mọi người dùng để gọi Phan Bội Châu khi ông bị quản thúc, giam lỏng tại Huế, kéo dài khoảng 15
năm. Cho đến nay, gần cầu Bến Ngự vẫn còn một gốc sung cổ thụ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là nơi “ông già Bến Ngự” neo thuyền trong những ngày tháng đó. Vì để thoát khỏi cảnh cô liêu tù túng trong ngôi nhà Bến Ngự, cụ đã mua một con đò nhỏ và thuê người chèo để có thể sống trôi nổi trên sông Hương, để ngắm cảnh nước rộng, trời cao. Cụ đã quen sống trên mặt nước, cho nên mỗi khi có khách xa ghé thăm thì phải hẹn trước để người nhà đưa xuống đúng khi cụ ghé đò vào bến.
Cũng tại đây, vào đầu tháng 4-1930, trong một ngôi nhà cơ sở, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, ủy viên Trung ương Đảng, bí thư xử ủy Trung kỳ đã tiến hành hội nghị hợp nhất hai tổ chức là Đông Dương Cộng Sản Đảng và Đông Dương Cộng Sản Liên đoàn thành Đảng bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam ở Huế. Cũng như nhiều địa danh khác, nhà thờ Bến Ngự mỗi khi được nhắc tới lại gợi lên trong lòng dân ta bao cảm xúc sâu lắng về những câu chuyện lịch sử. Xin được mượn tâm sự của cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước trong bản nhạc Đêm Tàn Bến Ngự: “Ai về Bến Ngự cho ta nhắn cùng, nhớ chăn non nước hương bình, có những ngày xanh, lưu luyến bao tình”.
+ Đàn Âm Hồn
Đàn Âm Hồn liên quan đến một sự kiện bi tráng mà những ai quan tâm đến lịch sử đất nước đều biết: Thất thủ Kinh đô 23/5 Ất Dậu (5/7/1885). Ở Huế, có đến mấy đàn, miếu âm hồn tưởng niệm sự kiện đau thương này. Nhưng đàn Âm Hồn ở đường Ông Bích Khiêm do Bộ lễ lập nên dười thời vua Thành Thái (1894) là nơi triều đình Huế hàng năm tế lễ vào ngày 23/5.
Tại đây, người ta nhớ đến những tiền nhân đã đổ máu trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền đất nước. Một cuộc chiến không cân sức, một cuộc chiến bắt buộc vì sự láo xược của đội quân xâm lược, đứng đầu là tướng Pháp Roussel De Couray. Chúng đòi triều đình Huế trong vòng ba ngày phải nộp đủ tiền bồi thường chiến tranh là 200.000 thỏi vàng, 200.000 ngàn thỏi bạc,
200.000 quan tiền và yêu cầu cho chúng được mang vũ khí vào của Ngọ Môn. Vậy là, 1 giờ ngày 5/7/1885 (tức 23/5 Ất Dậu) quân đội triều đình Huế đã mở trận tấn công vào trung tâm chỉ huy quân Pháp ở Tòa Khâm, đồn Mang Cá. Nhưng vì trang bị kém, đến 9 giờ, Kinh đô thất thủ. Quân xâm lược đã tàn sát man rợ trong Thành Nội Huế suốt hai ngày đêm. Ước tính có khoảng 1.500 quân triều đình và 7.800 người dân bị thương vong. Viết về sự kiện này, nhà văn Ngô Tất Tố, trong một bài viết vào năm 1935 đã miêu tả cảnh tượng Huế sau ngày 23/5 “Cạnh các bãi tro than tanh bành, luôn luôn thấy những thây người bị thiêu, da bị xém đen, có người chưa thật chết còn nằm quằn quại bên đống lửa. Trong các nhà dân, trên các con đường, dưới những hồ sen, ao cá, đâu đâu cũng có người chết… Xác người chồng chất lên nhau từng đống…” Vì vậy, vào năm 1894 cùng với đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc được xây dựng để tế Trời và Đất thì đàn Âm Hồn cũng được lập nên để tế vong hồn những người đã hy sinh vì nước trong sự kiện thất thủ Kinh Đô. Đàn Âm Hồn Huế xứng đáng là một “đài liệt sĩ”. Mặt khác, giá trị lịch sử văn hóa của đàn Âm Hồn và sự kiện liên quan có chiều kích lớn rộng hơn một cuộc chiến đấu cụ thể, có tầm quốc gia dù cho đế chế đổi thay. Chính từ thời điểm đó, cùng với phong trào Cần Vương, đã khai sinh ra một dòng văn học yêu nước với những tác giả và tác phẩm được lưu truyền mãi trong sử sách.
Cũng xin được nói thêm, hồi còn ở Huế, hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung vẫn thường đến miếu Âm Hồn khi bà con trong vùng cúng lễ “Hương hồn liệt sĩ và nhân dân đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống Pháp xâm lược” (dòng chữ ghi trên miếu Âm Hồn đường Mai Thúc Loan, gần ngôi nhà Nguyễn Sinh Cung từng sống).
Đàn Âm Hồn cùng với việc tế lễ hàng năm không chỉ là sự tôn trọng nghi lễ, đạo lý dân tộc và hợp lòng dân mà còn là dịp để nhắc nhở một bài học lịch sử vẫn còn nóng bỏng: Kẻ xâm lược dù ngang ngược, tàn bạo đến đâu,
cũng phải thất bại trước dân tộc Việt đã từng tuyên ngôn từ ngàn năm trước: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”
+ Đền thờ Huyền Trân công chúa
Lịch sử phong kiến Việt Nam với biết bao ông Hoàng, bà Chúa, việc làm của họ ít nhiều đều có ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển dân tộc, công chúa Huyền Trân là một trong những con người như vậy. Chính bà là người có sự góp công lớn trong việc mở mang lãnh thổ về phía Nam (phía Nam tỉnh Quảng trị và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay).
Công chúa Huyền Trân (1287 – 1340), con gái của vua Trần Nhân Tông và hoàng hậu Thiên Cảm, hạ giá lấy vua Champa Chế Mân. Chính nhờ cuộc hôn nhân này, một mặt làm cho mối quan hệ giao bang giữa Đại Việt và Champa trở nên thân thiết, gây nên áp lực đối với Trung Quốc ở phương Bắc. Mặt khác, lãnh thổ của Đại Việt được mở rộng về phía Nam.
Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông (1293 – 1314). Để chúc mừng vua Trần Anh Tông lên ngôi, vua Champa khi đó là Chế Mân, hiệu là Jaya Simhavarman III sai sứ sang mừng.
Tháng 3 năm Tân Sửu (1301), Thượng Hoàng Trần Nhân Tông có dịp viễn du sang Champa để tăng cường thêm mối quan hệ hòa hiếu giữa hai đất nước Đại Việt – Champa, vua đã hứa gải con gái là công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Năm 1305, vua Chế Mân sai sứ là Chế Bông Đài và hơn 100 người đem vàng, bạc, hương liệu quý, vật lạ đến dâng định xin sính lễ nhưng triều thần không bằng lòng. Sau đó, Chế Mân dâng phần đất của hai Châu Ô và Châu Lý làm vật sính lễ. Tháng 6/1306 công chúa Huyền Trân được đưa về Chăm, việc này bị dân sĩ thời đó lấy làm đề tài chê cười.
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Tiếc thay hạt gạo trắng ngần Đã vo nước đục, lại vần lửa rơm
Tọa lạc tại 151 đường Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế, đền thờ Huyền Trân công chúa mang trong mình chất phiêu bồng với cảnh sắc đậm chất thiền, nhưng cũng đậm sắc thái gần gũi cùng với những h́ình ảnh gắn liền với Phật giáo cũng như văn hóa Huế. Công trình được xây dựng nhằm ghi nhận công lao của người đã có công mở mang bờ cõi cho dân tộc, nhân kỷ niệm 700 năm mảnh đất Thuận Hóa – Phú Xuân, Thừa Thiên Huế. Năm 2006, đền thờ Huyền Trân công chúa chính thức được khởi công xây dựng. Trung tâm văn hóa Huyền Trân hội tụ rất nhiều tinh hoa từ những giá trị văn hóa Phật giáo, văn hóa dân gian và cả kiến trúc cung đình. Ngày nay, đền thờ Huyền Trân đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng trên mảnh đất Cố đô và đúng như lời nhận định: “Núi không cần cao, có tiên ắt thiêng. Sông không cần sâu, rồng chầu thành nổi tiếng”. Đền thờ Huyền Trân công chúa không chỉ mang màu sắc tâm linh mà khi tới đây ai cũng nhớ về những dấu son lịch sử của dân tộc.