7. Cấu trúc của luận văn
1.4. Mối quan hệ giữa tâm linh, tín ngưỡng và tôn giáo
1.4.1. Khái niệm tín ngưỡng
Theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên “tín ngưỡng là lòng tin theo một Tôn giáo nào đó”.
Tín ngưỡng là một niềm tin có hệ thống mà con người tin vào đó để giải thích thế giới và để mang lại sự bình yên cho bản thân và mọi người. Tín ngưỡng còn thể hiện giá trị của cuộc sống bền vững, đôi khi tín ngưỡng được hiểu là tôn giáo.
Tín ngưỡng mang tính dân tộc, dân gian khi nói đến tín ngưỡng ta thường nói đến tín ngưỡng của một dân tộc hay một số dân tộc có những đặc điểm chung, ví dụ:
Tín ngưỡng dân gian Việt Nam còn gọi là tín ngưỡng truyền thống Việt Nam, là tín ngưỡng bản địa của các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam.
1.4.2. Khái niệm tôn giáo
Theo Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, Tôn giáo là một danh từ, với ý nghĩa: Hình thái ý thức xã hội bao gồm những quan niệm dựa trên cơ sở tin và sùng bái lực lượng siêu nhiên. Cho rằng, có những lực lượng siêu nhiên quyết định số phận con người, con người phải phục tùng và tôn thờ.
Hệ thống những quan niệm, tín ngưỡng hay những vị thần linh nào đó và những hình thức nghi lễ thể hiện sự sùng bái ấy.
Đồng nghĩa: Đạo.
Tôn giáo là một thuật ngữ không thuần Việt, được du nhập từ nước ngoài vào từ cuối thế kỷ XIX. Xét về nội dung thuật ngữ tôn giáo khó có thể hàm chứa được tất cả nội dung đầy đủ của nó từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây.
Tôn giáo bắt nguồn từ thuật ngữ “Religion” (Tiếng Anh) và “Religion” lại xuất phát từ thuật ngữ “Legere” (tiếng La Tinh) có nghĩa là thu lượm thêm sức mạnh siêu nhiên.
Khái niệm tôn giáo là vấn đề được giới nghiên cứu về tôn giáo bàn cãi rất nhiều. Trong lịch sử đã tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về tôn giáo:
- Các nhà thần học cho rằng: tôn giáo là mối liên hệ giữa thần thánh và con người.
- Khái niệm mang dấu hiệu đặc trưng của tôn giáo: Tôn giáo là niềm tin vào cái siêu nhiên.
- Một số nhà tâm lý học lại quan niệm: Tôn giáo là sự sáng tạo của mỗi cá nhân trong nỗi cô đơn của mình, tôn giáo là sự cô đơn, nếu anh chưa từng cô đơn thì anh chưa từng có tôn giáo.
- Khái niệm mang khía cạnh bản chất xã hội của tôn giáo của C. Mac: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, nó là tinh thần của trật tự không có tinh thần”.
- Khái niệm mang khía cạnh nguồn gốc của tôn giáo của Ph. Anghen: “Tôn giáo là sự phản ánh hoang đường vào trong đầu óc con người những lực lượng bên ngoài, cái mà thống trị họ trong đời sống hàng ngày”.
1.4.3. Mối quan hệ giữa tâm linh, tín ngưỡng và tôn giáo
Như ta biết, trong cuộc sống con người khi đã có tôn giáo hay tín ngưỡng thì họ luôn tin vào tín ngưỡng hay tôn giáo đó, mặc dù họ chưa bao giờ nhìn thấy Chúa trời, đức Phật hay những người đã mất hiện ra bằng xương bằng thịt. Họ tin vào những nhân vật ấy như tin vào một sự cứu cánh cho những khó khăn, đau khổ của cuộc sống thường nhật. Như vậy, khi ta nói tới đời sống tâm linh thì dường như đó là một cái gì rất mơ hồ, phiếm định. Nhưng khi ta nói về tôn giáo, tín ngưỡng thì lại khá cụ thể. Tôn giáo, tín ngưỡng là cái cụ thể hóa cho đời sống tâm linh, thế giới tâm linh của mỗi người. Tâm linh được hiện hữu khi người ta soi rọi vào tín ngưỡng hay tôn giáo mà mình tôn thờ.
Tâm linh là cái gì đó không hiện hữu nhưng lại luôn tồn tại trong chúng ta. Chúng ta khi muốn thể hiện nó, muốn tiếp cận nó thì con người sẽ tìm đến với tôn giáo và tín ngưỡng.