Địa hình

Một phần của tài liệu tình hình phát triển cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 33 - 34)

Phú Thọ là tỉnh nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, địa hình của tỉnh khá đa dạng và phong phú. Về đại thể địa hình của tỉnh có thể chia thành 3 vùng chính: vùng núi, vùng đồi trung du và vùng đồng bằng, trong đó vùng đồi chiếm phần lớn diện tích lãnh thổ.

- Vùng núi nằm ở phía hữu ngạn sông Hồng trên địa phận của các huyện

Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, phía Tây của huyện Hạ Hòa. Bề mặt địa hình là những chỏm núi, những quả đồi riêng lẻ cắt nhau bởi những thung lũng rộng hẹp khác nhau. Trong dạng địa hình vùng núi có dạng địa hình đặc biệt đó là địa hình núi đá vôi phân bố rải rác ở các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Ba. Đất đỏ phong hóa từ đá vôi rất thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp như lạc, đậu tương, chè.

- Vùng đồi trung du chiếm hầu hết diện tích các huyện Hạ Hòa, Đoan

Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh, phía Bắc huyện Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy. Dạng địa hình phổ biến của vùng là những nấm đồi với đỉnh bằng, sườn lồi, dốc thoai thoải xen kẽ những thung lũng. Phía tả ngạn sông Hồng là những dải đất thấp, hướng Tây Bắc - Đông Nam, độ cao phần lớn dưới 100m. Lác đác nổi lên những đỉnh cao trên 100m như núi Đấu cao 316m (Đoan Hùng), núi Bum cao 267m (Hạ Hòa), núi Voi cao 149m (Phù Ninh). Phía hữu ngạn sông Hồng có độ cao trên 100m, lan sát ra sông Hồng, địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam. Tại vùng đồi gò địa hình thuận lợi nhất cho sự phát triển của các cây công nghiệp, cây ăn quả và hoa màu.

- Vùng đồng bằng của tỉnh Phú Thọ chiếm một diện tích nhỏ, tập trung

phần phía Nam của huyện Lâm Thao, phía Đông Nam của huyện Tam Nông. Trên bề mặt của đồng bằng còn xuất hiện các dãy đồi gò lan sát ra chia cắt. Nhìn chung, vùng đồng bằng thuận lợi cho trồng cây lương thực, lúa, ngô, khoai song cũng có thể kết hợp trồng cây công nghiệp ngắn ngày trên đất hoa màu như lạc, đậu tương.

Một phần của tài liệu tình hình phát triển cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 33 - 34)