Theo số liệu thống kê tỉnh Phú Thọ, năm 2010 dân số của tỉnh là 1.322.652 người. Dân cư và nguồn lao động của tỉnh ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố ngành trồng cây công nghiệp dưới 2 góc độ: lực lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Dưới góc độ là lực lượng sản xuất, dân số tỉnh Phú Thọ đông lại không ngừng tăng lên về số lượng nên nguồn lao động dồi dào. Lực lượng lao động năm 2010 là 700 nghìn người, chiếm 52,9% dân số toàn tỉnh, đảm bảo cung cấp lao động cho các ngành kinh tế trong đó có ngành trồng cây công nghiệp. Năm 2010 lao động làm việc trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp là 448,8 nghìn người, chiếm 64,1% lao động của tỉnh. Mặc dù, hiện nay lao động trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp đang có chiều hướng giảm đi cả về số lượng và tỉ trọng, tuy nhiên đây vẫn là khu vực có đóng góp lực lượng lao động chính cho ngành trồng cây công nghiệp của tỉnh mỗi năm.
Chất lượng lao động của tỉnh Phú Thọ ngày càng được nâng cao. Nhìn chung, lao động trẻ khỏe, có khả năng tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Trình độ học vấn của người dân ngày càng được nâng lên do sự quan tâm đầu tư của tỉnh về giáo dục và đào tạo. Trên địa bàn của tỉnh đã mở các trường trung cấp, cao đẳng đào tạo về ngành trồng trọt trong đó có ngành trồng cây công nghiệp thu hút đông đảo sinh viên và người lao động tham gia học tập. Các nguồn cung cấp đội ngũ cán bộ, lao động có chất lượng phục vụ cho ngành trồng cây công nghiệp của tỉnh đó là trường Cao đẳng nghề Công nghệ và nông lâm Phú Thọ; trường trung học Nông, Lâm nghiệp; khoa Nông Lâm của trường Đại học Hùng Vương. Bên cạnh đó còn có các trường khác ở khu vực phía Bắc như trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, trường đại học Nông lâm Thái Nguyên. Đặc biệt hàng năm các huyện và tỉnh còn mở lớp tập huấn về kĩ thuật trồng, chọn giống, phòng trừ dịch bệnh cây trồng cho các cán bộ cũng như người nông dân.
Dân số đông cũng tạo ra thị trường rộng lớn để tiêu thụ các sản phẩm cây