Chính sách của Nhà nước cũng như chính sách của tỉnh có vai trò quyết định đối với sự phát triển của ngành trồng cây công nghiệp. Trong xu hướng hội nhập nền kinh tế thế giới như hiện nay, vai trò quyết định ấy ngày càng có ý nghĩa lớn.
Phú Thọ có rất nhiều tiềm năng để phát triển cây công nghiệp. Trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh, cây công nghiệp đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình, tỉ trọng đóng góp của cây công nghiệp ngày càng tăng lên. Trong đó phát triển cây chè được xác định là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Vì vậy, ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển cây công nghiệp phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh và với mỗi thời kì phát triển của nền kinh tế. Những chính sách đi kèm với việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư để nâng cao nguồn nhân lực, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng ở những vùng nguyên liệu (thủy lợi, giao thông, điện...), chính sách đưa giống cây công nghiệp mới vào sản xuất, chính sách hỗ trợ giá giống mới, dịch vụ nông nghiệp và chính sách về khuyến nông đã có tác dụng định hướng, khuyến khích ngành trồng cây công nghiệp của tỉnh phát triển. Những chính sách trên đã tác động trực tiếp đến cơ cấu, quy mô và hướng chuyên môn hóa cây công nghiệp trong từng thời kì nhất định.
Các chính sách của Nhà nước và chính sách của tỉnh có tác dụng tích cực giúp ổn định và phát triển ngành trồng cây công nghiệp của tỉnh.
2.4. Thuận lợi và khó khăn chủ yếu đối với sự phát triển và phân bố cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh tỉnh Phú Thọ
Nhìn chung, điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ có nhiều thuận lợi cho sự phát triển cây công nghiệp. Vị trí địa lí thuận lợi cho giao lưu học hỏi và tiêu thụ sản phẩm. Địa hình, đất đai thích hợp cho nhiều loại cây công nghiệp phát triển. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với nền nhiệt cao và lượng mưa lớn giúp cho cây công nghiệp sinh trưởng và phát triển mạnh đồng thời đó là điều kiện tốt để phơi sấy các sản phẩm cây công nghiệp sau thu hoạch. Hệ thống sông ngòi, đầm hồ vừa góp phần bồi đắp phù sa để mở rộng diện tích đất trồng, vừa cung cấp nước tưới cho cây trồng. Đây là nền tảng, là tiềm năng to lớn để ngành trồng cây công nghiệp của tỉnh phát triển.
Điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thuận lợi cơ bản: nguồn lao động dồi dào, chất lượng lao động ngày càng được nâng cao, thị trường ngày càng mở
rộng. Đồng thời nhận được sự quan tâm đầu tư của tỉnh với đường lối chính sách đúng đắn. Đó sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển cây công nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động trồng cây công nghiệp của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn. Phú Thọ là tỉnh thường xuyên chịu tác động của thiên tai như bão, lũ hay những thời tiết khắc nghiệt như sương muối, rét đậm, rét hại kéo dài vào mùa đông làm cây trồng kém phát triển, năng suất giảm đáng kể. Ngoài ra, trình độ lao động trong ngành nhìn chung còn thấp, cơ sở vật chất phục vụ cho ngành còn thiếu, thị trường còn hạn hẹp.
Như vậy, bên cạnh việc phát huy những thế mạnh cũng đồng thời phải đề ra những biện pháp để hạn chế những khó khăn của điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội lại để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cây công nghiệp của tỉnh phát triển.
CHƢƠNG 3
TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN, PHÂN BỐ CÂY CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ