Nhóm cây công nghiệp lâu năm của tỉnh Phú Thọ ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu cây công nghiệp nói chung. Bởi đây là các cây trồng mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Nhờ vào những yếu tố thuận lợi mà trong những năm gần đây các cây công nghiệp lâu năm ngày càng được khẳng định vị trí quan trọng của mình trong GTSX của ngành trồng trọt nói riêng và của ngành nông nghiệp nói chung. Diện tích cây công nghiệp lâu năm của tỉnh năm 2010 là 16.699,9 ha. Sự tăng trưởng của cây công nghiệp lâu năm nhanh và ổn định. Giai đoạn 2003 - 2010, diện tích cây công nghiệp lâu năm được mở rộng nhanh chóng từ 11.125,9 ha lên 16.699,9 ha, tốc độ tăng bình quân 7,15%/năm. Diện tích cho sản phẩm cũng tăng qua các năm từ 8.537,4 ha năm 2003 lên 14.449,0 ha vào năm 2010. Các cây công nghiệp lâu năm chính của tỉnh là chè và sơn, trong đó chè là cây quan trọng nhất, chiếm 93,6% diện tích cây công nghiệp lâu năm của tỉnh.
Nhìn chung, điều kiện sinh thái của tỉnh có nhiều thuận lợi để có thể trồng chè và sơn, chúng được trồng ở khắp các huyện trong tỉnh.
( Phụ lục 5)
Diện tích cây công nghiệp lâu năm tập trung chủ yếu tại các huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Yên Lập, Thanh Sơn và Tân Sơn; sáu huyện này chiếm 81,7% diện tích cây công nghiệp lâu năm của cả tỉnh. Trong đó, Tân Sơn là huyện có diện tích lớn nhất năm 2010 đạt 2991,6 ha (chiếm 17,9%), tiếp theo là huyện Đoan Hùng với 2863,9 ha (chiếm 17,1%), huyện Thanh Sơn là 2364,2 ha (chiếm 14,2%). Các huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, Yên Lập có diện tích lớn trên 1500 ha. Diện tích ít nhất thuộc về huyện Lâm Thao với 11,0 ha năm 2010 (chiếm 0,07%), sau đó là thành phố Việt trì với 19,2 ha (chiếm 0,1%). Diện tích cây công nghiệp phân bố khác nhau như vậy bởi các cây công nghiệp lâu năm thích hợp phát triển trên vùng đất đồi, nơi có nguồn lao động dồi dào. Diện tích cho sản phẩm cũng tập trung phần lớn ở các huyện có diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm lớn.
Có thể nói, các cây công nghiệp lâu năm của tỉnh Phú Thọ đã bước đầu được quy hoạch xây dựng thành vùng nguyên liệu và được tỉnh chú trọng đầu tư, đồng thời đã có sự liên doanh với nước ngoài. Điều này được thể hiện rõ ở cơ cấu diện tích cây công nghiệp lâu năm phân theo thành phần kinh tế. Mặc dù diện tích cây công nghiệp khu vực nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài chưa nhiều (chiếm 20,8%) song lại đóng vai trò quan trọng thúc đẩy cây công nghiệp lâu năm của tỉnh phát triển.