Hiện trạng phát triển và phân bố

Một phần của tài liệu tình hình phát triển cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 52 - 58)

a. Cây chè

Vai trò của cây chè trong kinh tế của tỉnh

Cây chè là cây truyền thống góp phần xóa đói giảm nghèo đồng thời cũng

chính là cây làm giàu của nhiều nông dân tỉnh Phú Thọ. Cây chè cho búp tươi cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến được sử dụng làm đồ uống. Chè có nhiều tác dụng: có khả năng kích thích hệ thần kinh, làm giảm mệt nhọc cho cơ thể, giúp cho tiêu hóa, chữa được bệnh đường ruột.

Hiện nay, năng suất chè khoảng 8 - 9 tấn/ha với giá bán khoảng 3 nghìn đồng/1kg thì nguồn thu từ chè chiếm gần một nửa thu nhập của nhiều hộ gia đình trong tỉnh. Cây chè đã mang lại thu nhập, tạo việc làm cho hàng ngàn hộ nông dân vì vậy nó thực sự trở thành cây xóa đói giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ. Chính vì vậy, phát triển cây chè được tỉnh Phú Thọ xác định là một trong 6 chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Diện tích, năng suất và sản lượng

Cây chè là cây công nghiệp mũi nhọn, được xác định là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Tỉnh đã có nhiều kế hoạch, dự án để phát triển cây chè, đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực trên đất Phú Thọ. Ngày 11/04/2007, UBND tỉnh có kế hoạch số 606/KH - UBND về phát triển chè giai đoạn 2006 - 2010. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 đưa diện tích chè đạt 14.000 - 15.000 ha, năng suất chè búp tươi đạt 8,5 - 9 tấn/ha, sản lượng búp tươi đạt 100 - 110 ngàn tấn. Đồng thời để khuyến khích đầu tư phát triển chè, UBND đã ban hành các quyết định số 3336/2006/QĐ - UBND ngày 29/12/2006 về việc ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển cây chè giai đoạn 2007 - 2010 và quyết định số 973/2009/QĐ - UBND ngày 21/04/2009 về việc hỗ trợ các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm năm 2009 - 2010. Nhờ vậy mà diện tích và năng suất chè không ngừng được mở rộng.

Hình 3.3: Diện tích và sản lượng chè của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2003 - 2010

10.773 12.319 12.628 13.011 14.665 14.906 15.226 15.625 111.601 45.059 60.522 69.505 78.662 88.288 102.44 103.756 0 2 4 6 8 10 12 14 16 18 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 Năm Nghìn ha 0 20 40 60 80 100 120 Nghìn tấn Diện tích Sản lượng

Trong giai đoạn 2003 - 2010, diện tích và sản lượng chè tăng liên tục. Đến năm 2010, toàn tỉnh đã có 15.625,1 ha chè, sản lượng thu hoạch là 111.601,5 tấn, năng suất bình quân đạt 78,64 tạ/ha. So với mục tiêu đề ra thì tổng diện tích chè và sản lượng chè toàn tỉnh đã vượt kế hoạch.

Diện tích và sản lượng chè có tốc độ tăng nhanh. Trong giai đoạn 2003 - 2010, diện tích tăng từ 10.773,8 ha lên 15.625,1 ha, tốc độ tăng bình quân 6,43%/năm; sản lượng chè búp tươi tăng từ 45.059,2 tấn lên 111.601,5 tấn, tương ứng 21,09%/năm. Như vậy diện tích chè mở rộng không ngừng qua các năm có thể khẳng định rằng cây chè đang phát huy vị thế của mình và đang phát triển đúng hướng. Để đạt được kết quả đó, trước hết là do sự quan tâm đầu tư, khuyến khích phát triển cây chè của tỉnh, người dân được vay vốn hỗ trợ lãi suất, tập huấn kĩ thuật, nâng cao trình độ thâm canh chè từ các dự án phát triển cây chè nguồn vốn AFD (Pháp). Các diện tích chè cằn, xấu, giống cũ đang được thay thế bằng các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt như: LDP1, LDP2, Shan… nhờ đó đã làm thay đổi cơ cấu giống chè của tỉnh. Một số huyện đã đưa vào thử nghiệm một số giống chè nhập nội chất lượng cao như chè Kim Tuyên, chè Phúc Vân Tiên, Bát Tiên. Huyện Thanh Ba đưa vào trồng chè Ấn Độ, thị xã Phú Thọ đưa vào sản xuất giống chè Kim Tuyên… Người dân áp dụng nhiều biện pháp thâm canh hái tạo tán, trồng cây bóng mát, đưa vào sử dụng phân bón sinh học nhờ đó góp phần tăng năng suất và sản lượng chè.

Sự phân bố cây chè theo huyện/thị

Mặc dù chè được phát triển ở tất cả các huyện trong tỉnh song có sự phân bố khác nhau theo huyện. Chè được tập trung chủ yếu ở các huyện Thanh Ba, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Sơn, Hạ Hòa, Đoan Hùng… Đây là những địa phương có diện tích đất đồi rất phù hợp để trồng chè.

Bảng 3.4: Diện tích chè của tỉnh Phú Thọ phân theo huyện/thị giai đoạn 2003 - 2010 (Đơn vị: ha) Năm 2003 2005 2007 2009 2010 Việt Trì 4,7 4,0 21,0 14,4 14,0 Phú Thọ 98,8 112,7 219,0 241,0 249,0 Đoan Hùng 1178,0 1659,3 2502,4 2602,0 2858,9 Hạ Hòa 1082,2 1718,0 1705,9 1665,6 1672,4 Thanh Ba 1362,6 1865,4 1775,0 1935,2 1960,2 Phù Ninh 573,3 738,0 866,4 948,3 957,6 Yên Lập 1080,9 1546,3 1727,8 1747,9 1768,6 Cẩm Khê 748,8 871,2 930,1 863,9 800,5 Tam Nông 103,5 101,6 109,4 96,4 90,6 Lâm Thao 29,7 27,2 12,2 8,9 9,4 Thanh Sơn 1216,7 1578,6 1770,2 1950,2 2100,2 Thanh Thủy 216,0 223,0 252,0 244,1 234,9 Tân Sơn 1813,6 2183,0 2774,2 2908,8 2908,8 (Nguồn:[10])

Năm 2010, Tân Sơn là huyện có diện tích chè lớn nhất trong tỉnh với 2908,8 ha (chiếm 18,6%), huyện Thanh Sơn với 2100,2 ha (chiếm 13,4%), huyện Thanh Ba với 1960,2 ha (chiếm 12,5%). Lâm Thao có diện tích chè thấp nhất tỉnh, năm 2010 là 9,4ha (chiếm 0,06%), thành phố Việt trì với 14,0 ha (chiếm 0,09%). Trong giai đoạn 2003 - 2010, hầu hết diện tích chè của các huyện đều tăng, tăng mạnh nhất là huyện Đoan Hùng với 1681,9 ha, huyện Tân Sơn với 1095,2 ha. Chỉ có 2 huyện có diện tích chè giảm là Tam Nông và Lâm Thao, trong đó Lâm Thao là huyện giảm mạnh nhất với 20,3 ha, Tam Nông giảm 13,1 ha. Đó là 2 huyện vùng đồng bằng đất đai không thật thích hợp cho cây chè phát triển, hơn nữa diện tích đất nông nghiệp lại đang bị thu hẹp nhanh chóng trong những năm gần đây.

Những huyện có diện tích chè lớn là những huyện trọng điểm về sản xuất chè có chất lượng cao của tỉnh, hơn nữa các huyện này trong sản xuất đã được thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật nên năng suất và chất lượng khá cao như Tân Sơn, Đoan Hùng, Thanh Sơn…

Nhìn chung, tại Phú Thọ cây chè đang được quy hoạch thành vùng sản xuất phù hợp, tạo ra vùng nguyên liệu gắn với vùng chế biến. Trong thời

gian tới tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất, trồng lại các diện tích chè xấu bằng các giống mới có chất lượng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng GAP (Good Agriculture Production), có chiến lược kinh doanh dài hạn để cây chè thực sự là cây mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, là cây làm giàu cho nhân dân ở các địa phương và góp phần hoàn thành các kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh.

b.Cây sơn

Giá trị kinh tế của cây sơn

Cây sơn là cây công nghiệp có giá trị và có hiệu quả cao so với nhiều loại cây công nghiệp dài ngày trên vùng đồi, đặc biệt là đồi thấp. Trồng sơn ở Phú Thọ vừa có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển vừa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc khai thác đất đồi, góp phần phát triển chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững.

Cây sơn cho nhựa cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Nhựa sơn dùng để làm sơn quang dầu (bàn ghế, tủ, đồ gia dụng…), làm sơn gắn (thuyền, đò, thúng mủng…). Đặc biệt nhựa sơn có đặc tính và giá trị quý báu để phát triển nghề sơn mài truyền thống (mỹ nghệ, hội họa…). Ngoài ra rễ, lá, vỏ quả còn được sử dụng chữa các bệnh như: bệnh hen khan, viêm gan mãn tính, ngã tổn thương, dùng ngoài trị gãy xương…

Phát triển cây sơn ở tỉnh Phú Thọ còn góp phần khôi phục ngành nghề, làng nghề truyền thống sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh cao. Cùng với cây chè, cây trở thành cây góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh.

Diện tích, năng suất và sản lượng

Cây sơn là cây công nghiệp lâu năm quan trọng thứ hai của tỉnh Phú Thọ. Với đặc điểm là cây dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, dễ chăm sóc mặt khác nhu cầu nhựa sơn trên thị trường trong nước và xuất khẩu cao trong những năm gần đây diện tích, sản lượng sơn không ngừng tăng lên. Năm 2003, toàn tỉnh có 352,1 ha, đến năm 2010 tăng lên 964,8 ha.

Hình 3.4: Diện tích, sản lượng cây sơn của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2003 - 2010 964 909 835 738 672 566 499 352 265 235 233 208 159 135 166 90 0 200 400 600 800 1000 1200 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 Năm Diện tích (ha) 0 50 100 150 200 250 300 Sản lượng (tấn) Diện tích Sản lượng

Từ 2003 - 2010 diện tích sơn mở rộng liên tục và ổn định qua các năm với tốc độ tăng bình quân là 24,85%/năm kéo theo diện tích cho sản phẩm tăng lên,. Tuy nhiên, trong khi diện tích tăng đều thì diện tích cho sản phẩm lại có sự biến động qua các năm Do diện tích sơn không ngừng được mở rộng nên sản lượng sơn tăng nhanh. Giai đoạn 2003 - 2010, sản lượng sơn tăng từ 90,9 tấn lên 265,6 tấn, tốc độ tăng 27,45%/năm. Từ 2003 - 2004 sản lượng sơn tăng, tốc độ tăng bình quân 83,6%/năm. Sau đó sản lượng sơn giảm đi trong giai đoạn 2004 - 2005 từ 166,9 tấn xuống 135,8 tấn. Từ 2005 - 2010, sản lượng sơn tăng nhanh từ 135,8 tấn lên 265,6 tấn, tốc độ tăng 19,11%/năm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phát triển 3 loại sơn chính: sơn giềng (sơn đỏ), sơn mỡ và sơn ngái (sơn trắng) trong đó sơn đỏ có năng suất và chất lượng cao nhất.

Có được kết quả như vậy là nhờ vào công tác chỉ đạo, khuyến khích, hướng dẫn kĩ thuật của các cấp tỉnh và huyện trong việc xây dựng và phát triển vùng trồng sơn. Những năm gần đây, giá nhựa sơn tăng lên, thị trường tiêu thụ mở rộng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc nên phong trào trồng sơn phát tiển mạnh.

Diện tích sơn phân theo huyện/thị

Sơn được trồng rải rác ở khắp các huyện song vùng trồng sơn chính là Tam Nông, Thanh Sơn và Tân Sơn. Năm 2010, huyện Tam Nông có diện tích trồng sơn lớn nhất với 499,0 ha (chiếm 51,7% diện tích trồng sơn cả tỉnh), tiếp theo là huyện Thanh Sơn với 264,0 ha , huyện Tân Sơn 82,8 ha . Các huyện còn lại có diện tích trồng sơn không đáng kể, mỗi huyện chỉ vài đến vài chục ha. Huyện Hạ Hòa là huyện duy nhất không phát triển cây sơn.

( Phụ lục 6)

Trong giai đoạn 2003 - 2010, diện tích trồng sơn có sự biến động khác nhau giữa các huyện. Bên cạnh những huyện có diện tích trồng sơn tăng như Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng… nhiều huyện diện tích sơn giảm đi như Phù Ninh, Cẩm Khê, Lâm Thao. Trong đó Tam Nông là huyện có diện tích tăng nhanh nhất từ 146,8 ha năm 2003 lên 499,0 ha năm 2010.

Sản lượng sơn tăng lên qua các năm song tập trung chủ yếu ở các huyện có diện tích trồng sơn lớn. Năm 2010, sản lượng sơn lớn nhất thuộc về huyện Tam Nông với 127,5 tấn (chiếm 48,0% sản lượng sơn toàn tỉnh), tiếp theo là huyện Thanh Sơn 57,6 tấn (chiếm 21,7%), huyện Tân Sơn 37,4 tấn (chiếm 14,1%). Sản lượng sơn thấp nhất thuộc về các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Đoan Hùng, thành phố Việt Trì.

Phát triển cây sơn là hướng đi đúng đắn và có hiệu quả của Phú Thọ. Tuy nhiên, sự phát triển cây sơn vẫn còn mang tính tự phát, chưa có nghiên cứu về chọn và sản xuất giống cây sơn nên năng suất chưa cao và chưa đồng đều. Tiềm năng đất đồi của tỉnh còn nhiều, cần tập trung nghiên cứu, tập trung nguồn lực để thâm canh tăng năng suất, khoanh vùng sơn trong đó đặc biệt chú trọng đến biện pháp giống cây con, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như xây dựng thương hiệu riêng cho sơn Phú Thọ nói chung và sơn Tam Nông nói riêng.

Một phần của tài liệu tình hình phát triển cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh phú thọ (Trang 52 - 58)