3.2.3.1. Sự phát triển
Có thể nói rằng sự phát triển cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về GTSX, diện tích, năng suất và sản lượng. Năm 2003, GTSX cây công nghiệp mới đạt 174,9 tỉ đồng đến năm 2010 đã tăng lên 653,4 tỷ đồng. Diện tích trồng cây công nghiệp tăng lên nhanh chóng từ 21045,2 ha năm 2003 lên 25911,2 ha năm 2010. Trong đó, diện tích cây công nghiệp lâu năm tăng đều qua các năm như chè, đậu tương, sơn, còn diện tích cây công nghiệp hàng năm có xu hướng giảm đi như mía, vừng, bông. Cây công nghiệp lâu năm có xu hướng tăng do tỉnh Phú Thọ đã bước đầu xây dựng và quy hoạch thành vùng nguyên liệu và được tỉnh chú trọng đầu tư, đồng thời có sự liên doanh với nước ngoài. Cây công nghiệp hàng năm có xu hướng giảm do người nông dân chưa áp dụng kỹ thuật trồng và đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Vì vậy cây công nghiệp chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao do
đó cần đưa ra các giải pháp và định hướng để cho sản lượng, diện tích, năng suất tăng cao đăc biệt đối với cây công nghiệp hàng năm.
Cây chè là cây công nghiệp quan trọng nhất của tỉnh. Phú Thọ đã trở thành một trong các tỉnh đứng đầu về diện tích và sản lượng chè trong cả nước. Một số sản phẩm cây công nghiệp đã chiếm ưu thế trên thị trường, đã và đang xây dựng được thương hiệu như chè Phú Thọ, sơn Tam Nông.
Tuy nhiên, sự phát triển cây công nghiệp của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế. Diện tích và sản lượng một số cây công nghiệp có xu hướng giảm đi như mía, vừng, bông. Trong đó, cây mía có diện tích và sản lượng giảm mạnh nhất từ 1189,1 ha và 65465,1 tấn năm 2003 xuống 511,1 ha và 28923,9 tấn năm 2010. Năng suất một số cây công nghiệp còn tương đối thấp và tăng chậm. Ngoài ra, một số cây công nghiệp có xu hướng tăng lên nhưng còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh như đậu tương, sơn.
Những hạn chế trong sự phát triển cây công nghiệp có thể giải thích bởi một số nguyên nhân sau đây:
Trong khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch nổi lên vấn đề quy hoạch vùng sản xuất chưa thật sự đồng bộ. Sản xuất chủ yếu theo hình thức hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ. Việc quy hoạch thành vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến đã được tiến hành ở một số huyện nhưng chưa được phổ biến rộng rãi.
Đa số người dân chủ yếu vẫn canh tác theo lối truyền thống, chậm áp dụng các kĩ thuật mới dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả trồng chưa cao. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nơi trình độ của người dân chưa cao, khó tiếp thu những thuật ngữ chuyên ngành.
Giá thành vật tư nông nghiệp vẫn còn tương đối cao và biến động, đặc biệt là các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học khiến người nông dân khó có thể đáp ứng yêu cầu về sản xuất nguồn nguyên liệu sạch. Giá thu mua nguyên liệu chưa ổn định, nhiều khi xuống thấp nên chưa tạo được tâm lí yên tâm cho người nông dân. Việc thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp còn theo kiểu tự phát, tự điều tiết nên giá mua nguyên liệu lên xuống thất thường, sự phân loại nguyên liệu, sản phẩm còn tùy tiện gây thua thiệt cho người nông dân.
Tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, giá thu mua nguyên liệu nhưng chưa thực sự đáp ứng kì vọng của người nông dân đặc biệt trong những thời điểm thị trường không ổn định.
Bên cạnh đó giống cây công nghiệp ít loại có chất lượng cao. Đối với giống cây công nghiệp hàng năm như lạc, đậu tương, vừng bà con nông dân tự lựa chọn, bảo quản trao đổi lẫn nhau do vậy dẫn đến tình trạng giống cây trồng thường thoái hóa, lẫn tạp làm giảm năng suất. Việc cải tạo, thay thế các giống cây công nghiệp lâu năm bằng các giống mới còn chậm. Mặt khác, các huyện chỉ tập trung trồng mới để mở rộng diện tích, chưa chú trọng đến cải tạo diện tích cằn xấu, thâm canh tăng năng suất.
Nhiều loại sản phẩm cây công nghiệp sản xuất ra được đông đảo người tiêu dùng biết tới như sơn, chè song sản phẩm chưa thực sự có uy tín, chất lượng chưa cao. Nhiều sản phẩm chưa đảm bảo về độ an toàn, một số lô chè còn ở tình trạng kém phẩm chất, chè búp tươi tồn dư các chất độc hại từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhựa sơn còn lẫn tạp vì vậy ảnh hưởng đến sản phẩm chế biến. Điều kiện khí hậu bất thuận cũng là cũng là nguyên nhân quan trọng hạn chế năng suất và sản lượng cây công nghiệp của tỉnh.
Những khó khăn trên đang là thách thức lớn đối với ngành trồng cây công nghiệp của tỉnh. Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp của tỉnh trong những năm tới cần phải có định hướng và giải pháp phát triển cây công nghiệp một cách cụ thể, hợp lí.
3.2.3.2. Sự phân bố
Phú Thọ là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi cho cây công nghiệp phát triển, tuy nhiên do sự phân hóa về điều kiện phát triển nên sự phân bố cây công nghiệp có sự khác nhau giữa các huyện. Phần lớn diện tích trồng cây công nghiệp tập trung chủ yếu ở các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng. Đây là các huyện có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi nhất cho cây công nghiệp phát triển. Thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ, Lâm Thao có diện tích gieo trồng cây công nghiệp thấp hơn cả.
Cây công nghiệp hàng năm có sự phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các huyện dọc hai bờ sông Hồng và các huyện vùng đồi gò có đất đai thích hợp cho sự phát triển như Thanh Ba, Yên Lập, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Sơn. Các cây công nghiệp lâu năm lại phân bố thành vùng chuyên môn hóa với quy mô lớn ở Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn. Sáu huyện này chiếm tới 81,7% diện tích cây công nghiệp lâu năm, đây cũng là vùng chuyên canh chè của tỉnh. Cây sơn phân bố tập trung ở 3 huyện chính là Tam Nông, Thanh Ba, Tân Sơn.
Trong sự phân bố cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh nổi lên một số vấn đề: Hầu hết các cây công nghiệp chỉ tập trung phát triển ở những huyện có điều kiện thuận lợi. Do nhiều huyện chỉ thuận lợi cho một hoặc một số cây công nghiệp riêng lẻ nên cây công nghiệp phân bố còn phân tán. Trong khi, các huyện có tiềm năng phát triển còn gặp nhiều khó khăn về vốn, cơ sở vật chất kĩ thuật… Một số huyện như Hạ Hòa, Thanh Thủy, Phù Ninh, thị xã Phú Thọ có nhiều tiềm năng để phát triển cây công nghiệp hàng năm nhưng chưa được phát huy. Bên cạnh phát triển cây chè, các huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa, Tân Sơn, Cẩm Khê có điều kiện phát triển cây sơn nhưng thực tế sự phát triển còn nhiều hạn chế.
Nhìn chung, sự phân bố cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Do vậy cần có biện pháp để phân bố hợp lí cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo cơ sở cho sự phát triển của ngành.
CHƢƠNG 4
ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN CÂY CÔNG NGHIỆP Ở TỈN PHÚ THỌ
Phát triển cây công nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt, vì nó trực tiếp góp phần tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn và thực hiện xóa đói giảm nghèo. Vì vậy phát triển cây công nghiệp trên địa bàn của tỉnh dựa vào các quan điểm chủ yếu sau:
- Phát triển cây công nghiệp phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, công nghiệp chế biến; tập trung đất đai hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
- Phát triển cây công nghiệp phải trên cơ sở tiếp cận thị trường; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học về giống, công nghệ sinh học, công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.
- Phát triển cây công nghiệp phải đảm bảo huy động cao các nguồn lực xã hội, phát huy sức mạnh hội nhập quốc tế và chính sách hỗ trợ của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Từ quan điểm phát triển trên, đề tài đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển cây công nghiệp trên địa bàn của tỉnh Phú Thọ: