Thế giới hiện đang nhắc nhiều đến sự nổi lên của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới, được mệnh danh là “gã khổng lồ” với tốc độ tăng trưởng “quá nóng”, tạo được lợi thế cạnh tranh với bất kỳ một cường quốc nào. Sở dĩ có được sức mạnh tăng trưởng đó, một phần quan trọng là Trung Quốc đã phát huy được nội lực, tận dụng triệt để được thời cơ của quá trình hội nhập KTQT mang lại.
Một trong những yếu tố góp phần vào sự thành công đó phải kể đến Trung Quốc đã thực hiện tốt việc cải cách DNNN, đặc biệt là thực hiện việc đa nguyên hóa, CPH các DNNN do Nhà nước khống chế cổ phần.
Trong những năm 1991 – 1995 đã có tới 13.500 doanh nghiệp đã cổ phần hóa xong. Việc cổ phần hóa xong một khối lượng lớn các DNNN đã tạo cho Chính phủ có nguồn thu ngân sách khá lớn. Chỉ tính 700 doanh nghiệp bán cổ phiếu trên thị trường đã thu được 500 tỷ nhân dân tệ (NDT), bằng 7,3% GDP của Trung Quốc năm 1996 [27, tr.57].
Các CTCP của Trung Quốc ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán nói chung và thị trường cổ phiếu nói riêng. DN cổ phần và thị trường cổ phiếu có mối quan hệ phụ thuộc vào nhau và cùng phát triển. Sự hình thành và hoàn thiện của thị trường cổ phiếu là tiền đề cho sự phát triển DN cổ phần. Nhận thức được mối quan hệ này bước đầu Trung Quốc đã xây dựng TTCK bằng cách phát các loại cổ phiếu: A,B,H,N (cổ phiếu A, B được giao dịch trong nước, A bán cho người trong nước bằng NDT, B bán cho người nước ngoài bằng ngoại tệ; H niêm yết tại TTCK ở Hồng Kông, N niêm yết tại thị trường NewYork). Trung Quốc đang từng
bước xây dựng và kiện toàn các pháp qui, chế độ quản lý TTCK tiến tới chuẩn mực hóa xây dựng một hệ thống thị trường lành mạnh. Từ đó Trung Quốc từng bước tăng lượng giao dịch cổ phiếu trên thị trường, tăng hiệu suất vận hành thị trường chứng khoán.
Năm 1997, Trung Quốc có 655 công ty phát hành cổ phiếu A, tăng 23,6% so với năm 1996; 93 công ty phát hành cổ phiếu B, tăng 9,4% so với năm 1996; Tổng giá trị thị trường cổ phiếu A và B đạt 1.666,5 tỷ NDT, tăng 69% so với năm 1996; Có 35 công ty tham gia TTCK nước ngoài với tổng số vốn 7,9 tỷ NDT. Nhà nước đã sử dụng nguồn vốn quan trọng này vào các dự án cải tạo và đầu tư vào các công trình trọng điểm của nền kinh tế đất nước. Tạo thêm được 10.000 việc làm mới trên TTCK, 31 triệu người đã mua cổ phiếu – một lượng tiền lớn trong dân cư đã được thu hút vào các hoạt động kinh doanh của các DNNN khi CPH [27, tr.57].
Từ năm 1993 đến nay, kết quả đạt được trong giai đoạn thí điểm CPH cho thấy, DN hoạt động theo các quy luật kinh tế cơ bản là cách đi đúng đắn và hợp quy luật, Trung Quốc đã thực hiện CPH DNNN một cách sâu rộng bằng cách xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến sự vận hành của DN. Lần lựợt “Luật phá sản doanh nghiệp”, “Luật Doanh nghiệp công nghiệp thuộc chế độ sở hữu toàn dân”, “Điều lệ chuyển đổi cơ chế kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp thuộc chế độ sở hữu toàn dân”, “Các nguyên tắc tài chính doanh nghiệp”, “Điều lệ tạm thời về quản lý phát hành và giao dịch cổ phiếu, “Luật Lao động”, “Luật Công ty”, “Điều lệ quản lý đăng ký công ty”, “Luật Ngân hàng nhân dân Trung Quốc”, “Luật ngân hàng thương nghiệp”, “Luật xí nghiệp hương trấn”…, đã được ban hành và đi vào cuộc sống của DN. Trong đó, hai văn bản có tầm quan trọng đặc biệt là “Luật Doanh nghiệp công nghiệp thuộc chế độ sở hữu toàn dân” và “Luật Công ty” nhằm mở rộng quyền tự chủ của
DN, kết hợp trách nhiệm hiệu quả với lợi ích kinh tế của DN và người lao động nhằm khích lệ tính tích cực trong hoạt động sản xuất. Trung Quốc xác định rõ cải cách DNNN là khâu then chốt trong cải cách thể chế kinh tế. Yêu cầu cơ bản của cải cách DNNN là xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa NN và DN, với chủ trương, tách quyền hạn giữa DNNN với chính quyền; phân biệt rõ quyền sở hữu với quyền kinh doanh; xác định DNNN là tổ chức kinh tế có quyền tự kinh doanh, tự chịu lỗ lãi, trên cơ sở đó xây dựng các hình thức chế độ trách nhiệm. Biện pháp tiến hành chủ yếu là tiến hành chế độ cổ phần và tập đoàn doanh nghiệp. Kể từ năm 1992 đến nay, chế độ DN hiện đại ở Trung Quốc bước đầu được xác lập, phù hợp với yêu cầu của thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là xây dựng DNNN thành thực thể pháp nhân độc lập và chủ thể cạnh tranh trên trường quốc tế. Làm cho doanh nghiệp thích nghi với nhu cầu thị trường thông qua việc thực hiện CPH, thành lập Tập đoàn DN… Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVI năm 2002 đã xác định: “đi sâu cải cách DNNN, ngoài một số ít DNNN phải hoạt động với 100% vốn Nhà nước, cần tích cực đẩy mạnh thực hiện chế độ cổ phần, phát triển kinh tế sở hữu hỗn hợp. Thực hiện đa nguyên hóa chủ thể đầu tư những DNNN độc quyền, quan trọng do Nhà nước khống chế cổ phần. Xúc tiến cải cách ngành nghề độc quyền, tích cực đưa vào cơ chế cạnh tranh. Thông qua sự hướng dẫn của thị trường và chính sách phát triển các công ty lớn, các Tập đoàn Doanh nghiệp lớn có sức cạnh tranh quốc tế. Khuyến khích tạo điều kiện cho các DNNN phát triển…”. Nói chung chủ trương cải cách DNNN của Trung Quốc về cơ bản là sắp xếp lại khu vực DNNN theo hướng thu hẹp phạm vi, giảm số lượng và tập trung dồn vào những lĩnh vực, ngành nghề quan trọng của nền kinh tế; cơ cấu lại quản lý nội bộ DN theo chế độ công ty phù hợp với cơ chế thị trường đồng thời cải cách theo hướng tách Nhà nước
với DN, tách chức năng sở hữu với chức năng quản lý hành chánh của Nhà nước, tách quyền sở hữu với quyền kinh doanh.
Các công ty cổ phần của Trung Quốc được hình thành chủ yếu theo 3 cách: bán cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên trong nội bộ DN; phát hành cổ phiếu công khai ra xã hội, công ty cổ phần hình thành bằng cách nắm giữ cổ phiếu giữa các DN …
Đối với các doanh nghiệp bắt đầu tiến hành cổ phần hóa, Chính phủ Trung Quốc thực hiện một số biện pháp hữu hiệu như: Khuyến khích sáp nhập tài sản, quy phạm hóa việc phá sản, thực hiện chuyển nợ thành cổ phần, trợ giúp các doanh nghiệp cải tạo kỹ thuật, mở rộng qui hoạch vốn, giải quyết vấn đề thất nghiệp cho người lao động. Đối với các DNNN đã CPH, Chính phủ đã tạo điều kiện cho hưởng một số ưu đãi như: Thuế suất, thuế thu nhập Doanh nghiệp, đặc biệt được giảm thuế trong những năm đầu hoạt động. Đối với những DN nói chung và DNNN nói riêng, sau khi CPH mà đạt thành tích cao trong sản xuất kinh doanh, thì sẽ được tạo điều kiện thuận lợi tham gia vào TTCK, được hưởng ưu đãi về tài chính như: dành 10% cổ phần DN để thưởng bằng cổ phiếu cho các cán bộ lãnh đạo và công nhân viên của DN,…
Có thể nói, mục đích căn bản của việc thực hiện chế độ cổ phần ở Trung Quốc là thay đổi chế độ sở hữu tài sản mà ở đó trước đây, Nhà nước luôn giữ vai trò độc quyền, để hình thành nên kết cấu đa dạng về quyền sở hữu tài sản trong nội bộ DN, tối ưu hóa kết cấu quản trị DN. Đây là lợi ích căn bản và lâu dài nhất của việc cải cách, CPH các DNNN ở Trung Quốc.