Các hình thức cổ phần hóa DNNN

Một phần của tài liệu Cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 30)

Một là “Giữ nguyên giá trị thuộc vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn để phát triển doanh nghiệp”. Theo hình thức này thì giá trị cổ phần của Nhà nước góp vào công ty bằng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trừ đi chi phí cổ phần hoá, giá trị ưu đãi cho người lao động và giá trị phần trả dần cho người lao động nghèo theo qui định của Nhà nước.

Đây là hình thức rất phù hợp để cổ phần hoá các DNNN có qui mô lớn, ưu điểm của hình thức này là đảm bảo sự ổn định chắc chắn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá, thay đổi phương thức quản lý, phát huy những điểm mạnh của công ty cổ phần.

Hai là: “Bán một phần giá trị thuộc vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp”. Đây là một hình thức cổ phần hoá phổ biến hiện nay, nó được áp dụng trong suốt quá trình thực hiện cổ phần hoá, theo hình thức này thì Nhà nước sử dụng một phần giá trị thực tế vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để bán cho các cổ đông. Hình thức này chỉ mới giải quyết được việc chuyển đổi hình thức sở hữu Nhà nước thành hình thức sở hữu cổ đông.

Ba là: “Tách một bộ phận của doanh nghiệp đủ điều kiện để cổ phần hoá”. Theo hình thức này thì một bộ phận của doanh nghiệp có thể hoạt động độc lập và hạch toán riêng, giá trị tài sản được tách ra để cổ phần hoá như: nhà kho, phân xưởng sản xuất, cửa hàng, bộ phận dịch vụ... Sau khi cổ phần hoá một phần doanh nghiệp được tách ra đó sẽ trở thành công ty cổ phần riêng biệt.

Đối với một doanh nghiệp lớn có nhiều đơn vị hạch toán nội bộ thì việc tách một bộ phận để cổ phần hóa trước khi cổ phần hoá toàn bộ là thuận lợi và hợp lý, nhưng do đặc điểm sau khi cổ phần hoá thì một bộ phận được tách ra đó sẽ trở thành công ty cổ phần có tư cách pháp nhân riêng, do đó việc giải quyết các mối quan hệ giữa doanh nghiệp chính và bộ phận doanh nghiệp được tách ra thì Nhà nước cần phải có một số qui định cụ thể để giải quyết triệt để, hợp tình, hợp lý.

Bốn là: “Bán toàn bộ giá trị hiện có thuộc vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để chuyển thành công ty cổ phần”. Theo hình thức này thì các DNNN có thể bán toàn bộ giá trị hiện có thuộc vốn nhà nước để thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước, không cần nắm giữ một tỷ lệ cổ phần nào tại công ty cổ phần. Hình thức này thường thích hợp với những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, qui mô nhỏ. Theo hình thức này thì nhà nước sẽ không tham gia cổ phần ở những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá.

Qua thực tế trong các doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp đã cổ phần hóa thì hình thức 2: Bán một phần giá trị doanh nghiệp là phổ biến, được người lao động và các cổ đông ngoài doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn. Với hình thức này đạt hiệu quả cao trên cả hai mục tiêu huy động vốn và tạo động lực.

Một phần của tài liệu Cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)