Yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Một phần của tài liệu Cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 25)

Cổ phần hoá DNNN là tiêu chí chủ đạo trong xu thế hội nhập. CPH sẽ không làm mất đi vị thế thống soái của DNNN vì thực tế 49% cổ phần của các cổ đông vệ tinh sẽ không phải là vai trò độc quyền. Nhưng một khi các DNNN đã CPH, mục tiêu và gánh nặng tăng trưởng cổ tức sẽ phá tan lề lối làm việc cố hữu, không mấy hiệu quả của những DNNN.

Hội nhập kinh tế quốc tế, các DNNN sẽ phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cạnh tranh xuất hiện. Sau khi trở thành thành viên của WTO, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để đẩy nhanh quá trình sắp xếp và đổi mới DNNN, đa dạng hóa các hình thức sở hữu, cắt giảm các hình thức trợ cấp không phù hợp và xóa bỏ sự phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài. Các DNNN không còn nhận được trợ cấp trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước hoặc ưu đãi chính sách, kể cả các nghĩa vụ đối với NSNN cũng như tiếp cận với hệ thống tín dụng. Áp lực cạnh tranh ngày càng tăng và những thay đổi thể chế đối với DNNN do việc gia nhập

kinh tế quốc tế đã khiến các DNNN đứng trước yêu cầu phải tự đổi mới. Nhiều DNNN đã chủ động điều chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động để có thể cạnh tranh bình đẳng với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Trong điều kiện giá cả nhiều đầu vào quan trọng tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt của các mặt hàng nhập khẩu, nhiều tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước phải đổi mới để hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách. Các DNNN được CPH có quy mô lớn hơn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực quan trọng như dầu khí, điện, bảo hiểm, ngân hàng….Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cuối năm 2007, nghĩa là khi chúng ta tham gia WTO được 1 năm, đã chỉ ra rằng lợi nhuận trước thuế của các DNNN được CPH cao hơn 9% so với các DNNN chưa CPH. Vấn đề bây giờ là các DNNN phải nhìn nhận xu thế CPH là xu thế tất yếu chứ không phải chỉ "chẳng đặng đừng", phải cổ phần hoá doanh nghiệp mình theo "kiếm lệnh" Luật Doanh nghiệp.

“Và thực tế là hơn 90% DNNN đã CPH có kết quả hoạt động kinh doanh hiệu quả” [4, tr1]. Chậm đổi mới thì lẽ dĩ nhiên thiệt hại cho nền kinh tế. Nhưng đổi mới cùng một nhận thức mới về xu thế, bối cảnh và tư duy mới là sự đổi mới quan trọng. Điều đó có hy vọng cho một sự phát triển bền vững. CPH DNNN không phải chỉ là chuyện thay đổi về mặt hình thức doanh nghiệp.

Cổ phần hóa có tính chất toàn cầu. Việc CPH DNNN ở nước ta hoàn toàn có thể thực hiện được bởi hội tụ khá đủ những điều kiện kinh tế, chính trị, và pháp lý cần thiết.

Sự tồn tại của các thành phần kinh tế khác, nhất là thành phần kinh tế tư nhân đã làm thay đổi tính chất của nền kinh tế nước ta, biến nó từ nền kinh tế thuần tuý sở hữu Nhà nước và tập thể sang nền kinh tế thị trường định

hướng xã hội chủ nghĩa. Điều kiện kinh tế của CPH là sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế thực tế đã hình thành vào những năm 1986-1996. Sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh lành mạnh đã trở thành những hiện tượng bình thường của đời sống kinh tế. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường nước ta đã xuất hiện một loại thị trường rất đặc biệt: đó là thị trường chứng khoán, nơi các cổ phần của các công ty được trao đổi, mua bán. Vai trò của các thành phần kinh tế tư nhân vốn bị coi là “phi xã hội chủ nghĩa” đã được pháp luật thừa nhận thông qua việc ban hành Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật công ty năm 1990 và sau đó được khẳng định trong Hiến pháp 1992, nghị quyết của quốc hội, sửa đổi, bổ sung một số điều trong Hiến pháp 1992 trong năm 2001, Luật DN năm 2005 đã coi kinh tế tư nhân là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện CPH DNNN, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và nhiều văn bản luật khác nhau. Cần thấy một thực tế rằng chưa có một vấn đề nào được Nhà nước ta quan tâm hoàn thiện về mặt cơ sở pháp lý như lĩnh vực cải cách DNNN. Chỉ riêng trong hai năm 1991,1992 Nhà nước đã ban hành 57 văn bản pháp luật về DNNN và cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Nhiều khái niệm và phạm trù nêu trong những văn bản này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện CPH các DNNN. Trải qua 4 Nghị định của Chính phủ về chuyển đổi DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, Nghị định sau bổ sung, sửa đổi cho Nghị định trước để đáp ứng với xu hướng nền kinh tế hội nhập. Mặt khác, với việc ban hành luật đầu tư năm 1987, luật công ty 1990, luật doanh nghiệp năm 1999, luật doanh nghiệp Nhà nước năm 2003, luật các tổ chức tín dụng, luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, luật Doanh nghiệp năm 2005 …. trong nền kinh tế của nước ta đã xuất hiện các loại doanh nghiệp đối vốn như công ty cổ phần và công ty trách

nhiệm hữu hạn, các loại DN liên doanh, DN nước ngoài. Sự tồn tại của các công ty đối vốn cho là tiền đề kinh tế quan trọng nhất cho việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

DNNN là DN mà số vốn của nó chủ yếu thuộc sở hữu của Nhà nước. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp đặc biệt DNNN mà chỉ một phần ít vốn của Nhà nước. Các doanh nghiệp này hoạt động được sự hỗ trợ lớn của Nhà nước cả về kinh tế lẫn chính trị, đặc biệt là việc bù lỗ. Nên DNNN thua lỗ vẫn tồn tại kinh doanh, đặc biệt là công ty sản xuất các mặt hàng cho quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích…. Thực trạng các DNNN làm ăn thua lỗ, không có khả năng cạnh tranh trên thị trường cần phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. CPH là biện pháp hữu hiệu khắc phục khó khăn trên nhằm tạo ra sức bật trong quá trình đổi mới kinh tế đất nước.

Như vậy, hội nhập KTQT tạo điều kiện để các DNNN cải cách triệt để để có điều kiện tốt trong việc tiếp xúc huy động các nguồn vốn đầu tư cũng như các nguồn lực khác trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo chỗ đứng của DN trên thị trường. CPH các DNNN không chỉ là vấn đề cấp bách tại Việt Nam mà còn là điều kiện để thế giới công nhận chúng ta có nền kinh tế thị trường. Lộ trình hội nhập, thực thi các cam kết quốc tế về cổ phần hóa DNNN đang tạo áp lực mạnh mẽ đối với việc CPH nói riêng và chuyển đổi DNNN nói chung, do vậy chúng ta cần phải chuyển đổi một cách vừa mạnh mẽ, quyết liệt vừa vững chắc.

Một phần của tài liệu Cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 25)